Bộ Xây dựng: Nhiều công ty lỗ, giảm lãi sau cổ phần hóa
Hơn 1/3 số công ty cổ phần có thời gian hoạt động trên 1 năm thuộc các tổng công ty của Bộ Xây dựng đang lỗ hoặc giảm lãi.
Theo con số tổng kết thời điểm tháng 4/2007, trong số 195 công ty cổ phần có thời gian hoạt động trên 1 năm thuộc các tổng công ty của Bộ Xây dựng, có 32 công ty bị lỗ (chiếm tỉ lệ 16,5%) và 29 công ty giảm lãi (chiếm 14,8%). Những tổng công ty có nhiều đơn vị bị lỗ, giảm lãi gồm: Viglacera, Cosevco, Fico, Sông Hồng, Xây dựng số 1...
Nguyên nhân dẫn đến lỗ hoặc giảm lãi của các công ty cổ phần "non trẻ" này được các tổng công ty "mẹ" tổng kết rất khác nhau, tuy nhiên Bộ Xây dựng nhận định rằng, chủ yếu một số tổng công ty chưa thực sự quan tâm đến việc thông qua người đại diện của mình để theo dõi, giám sát hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có phần vốn của mình, chưa sát sao đến cổ tức được chia - khoản lợi nhuận hợp pháp thu được từ việc đầu tư vốn vào các doanh nghiệp khác.
Để khắc phục tình trạng này, theo Bộ Xây dựng, Hội đồng quản trị các tổng công ty cần đề cao trách nhiệm đối với phần vốn được Nhà nước giao đang đầu tư ở các doanh nghiệp khác, đồng thời cơ cấu lại cho hợp lý, cử người đại diện phần vốn đủ điều kiện, năng lực, có cơ chế thích hợp để người đại diện gắn quyền lợi của mình với hiệu quả vốn đầu tư của tổng công ty tại doanh nghiệp mà họ được cử làm đại diện...
Được biết, việc cử người đại diện phần vốn của tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng tại các doanh nghiệp khác hiện đang nảy sinh vấn đề: HĐQT các tổng công ty có quyết định rất khác nhau về số lượng người đại diện. Đối với các doanh nghiệp tổng công ty có cổ phần chi phối, số được cử thường từ 2-4 người, nhưng nhiều trường hợp chỉ cử duy nhất 1 người (Tổng công ty Licogi, Tổng công ty Miền Trung, Xây dựng số 1, Fico, Công ty DIC).
Thế nhưng, lại có đơn vị cử tới 6 người (Tổng công ty Sông Hồng, Tổng công ty xi-măng Việt Nam) và cá biệt lên đến 8 người (Tổng công ty Sông Đà).
Thậm chí, có trường hợp để quản lý 1,1 tỉ đồng - tổng công ty cử tới 5 người (CTCP Công nghệ thông tin Sông Đà), và 9 người quản lý 5,1 tỉ đồng (CTCP Tư vấn xây dựng Sông Đà).
Theo Bộ Xây dựng, số lượng người được cử là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện. Chỉ cử 1, 2 người - nếu đều trúng cử vào HĐQT công ty cổ phần thì cũng rất khó thực hiện được quyền chi phối khi biểu quyết tại HĐQT. Cử tới 6-8 người thì việc phối hợp với nhau có thể không thông suốt, dẫn tới không đủ cán bộ hoặc một người phải kiêm nhiệm việc đại diện ở nhiều doanh nghiệp khác nhau.
Hiện nay, đối tượng được HĐQT các tổng công ty, công ty cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp khác (thuộc Bộ Xây dựng) phần đông là các cán bộ thuộc công ty mẹ, số còn lại là cán bộ quản lý tại chính doanh nghiệp được cổ phần hóa.
Có trường hợp, lãnh đạo doanh nghiệp được cổ phần hóa có đầy đủ năng lực, điều kiện (thậm chí thuộc diện cán bộ quy hoạch phát triển của tổng công ty) nhưng khi cổ phần hóa lại không được tổng công ty cử làm đại diện phần vốn Nhà nước.
VNN
|