Bảo hiểm tiền trước rủi ro bị cướp
Sau vụ cướp tiền táo tợn tại Tp.HCM mới đây, bảo hiềm tiền cho các ngân hàng đang trở thành một vấn đề thời sự.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Đào Nam Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Pjico xung quanh chủ đề này.
Từ góc độ của một nhà bảo hiểm, ông đánh giá thế nào về vụ cướp tiền trong khi vận chuyển ở Ngân hàng BIDV vừa diễn ra?
Mặc dù đây là lần đầu tiên xảy ra một vụ cướp ngân hàng tại Việt Nam, nhưng trên thế giới thì đây không phải là hiện tượng xa lạ. Với nền kinh tế và hệ thống ngân hàng thương mại phát triển mạnh mẽ và cùng với nó là các hoạt động tội phạm ngày càng gia tăng, tinh vi, phức tạp như hiện nay thì hiện tượng trộm, cướp ngân hàng sẽ là một rủi ro hiện hữu đối với tất cả các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam.
Như báo chí đã đưa tin trong mấy ngày qua thì dường như các nhà quản lý, lãnh đạo các ngân hàng mới chỉ quan tâm đến các biện pháp an ninh như mua xe chuyên dụng, thuê các công ty vệ sỹ hoặc công an áp tải, bảo vệ tại kho, két hoặc các quầy giao dịch.
Trong khi đó, xét trên phương diện “quản lý rủi ro toàn diện” thì điều đó còn chưa đủ. Các ngân hàng nên và cần có thêm một biện pháp bảo vệ an toàn nữa về mặt tài chính, đó là mua “bảo hiểm tiền” cho toàn bộ số tiền trong quá trình vận chuyển, lưu giữ tại kho, két, quầy giao dịch...
“Bảo hiểm tiền” vận chuyển và tại két là một sản phẩm không phải là mới và ở Việt Nam hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đều đã có sản phẩm này, nhưng tại sao số lượng các ngân hàng thương mại tham gia sản phẩm bảo hiểm này còn ít đến như vậy?
Nguyên nhân thì nhiều, trong đó có nguyên nhân từ phía các công ty bảo hiểm là chưa thực sự làm tốt việc tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm và thuyết phục các ngân hàng tham gia.
Nhưng có một nguyên nhân chủ quan quan trọng, đó là hầu hết mọi người, kể cả các nhà quản lý, lãnh đạo các ngân hàng thương mại còn có quan điểm cho rằng an ninh trật tự tại Việt Nam là rất tốt, các băng nhóm tội phạm chỉ dám hoạt động trộm, cướp nhỏ lẻ, chưa đạt tới độ tinh vi và táo bạo như tội phạm quốc tế, nên việc tham gia “bảo hiểm tiền” trong quá trình vận chuyển, tiền trong két chưa phải là việc làm cấp thiết.
Thêm vào đó quan điểm tiết kiệm các chi phí cũng có thể là một nguyên nhân đáng kể. Tuy nhiên, trên thực tế giá phí bảo hiểm cho sản phẩm bảo hiểm này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng chi phí kinh doanh của ngân hàng, trong khi đó nếu rủi ro không may xảy ra thì hậu quả sẽ khôn lường và chắc chắn lớn hơn rất nhiều lần chi phí mua bảo hiểm.
Theo tôi, vụ cướp vừa qua tại Phòng giao dịch Ngân hàng BIDV đã là một hồi chuông cảnh báo cho các ngân hàng cần thực hiện một chương trình quản lý rủi ro tổng thể, trong đó có việc mua “bảo hiểm tiền” trong quá trình vận chuyển tiền trong kho, két trong toàn hệ thống của mỗi ngân hàng.
Pjico triển khai “bảo hiểm tiền” từ bao giờ và hiện có bao nhiêu ngân hàng đã mua sản phẩm bảo hiểm này tại Pjico?
Đối tượng được bảo hiểm của “bảo hiểm tiền” là tiền (bao gồm: tiền mặt, séc du lịch, thẻ mua hàng...) để tại kho, két, trụ sở, văn phòng, quầy giao dịch và tiền đang trong quá trình vận chuyển của các ngân hàng, doanh nghiệp, thương nhân... Khi mới triển khai, sản phẩm này chỉ bảo hiểm cho một rủi ro chính là trộm cướp có vũ trang, có sử dụng vũ lực.
Gần đây, Pjico đã và đang triển khai loại hình bảo hiểm “Mọi rủi ro về tiền”. Với đơn bảo hiểm này, khách hàng có thể được bồi thường ngay cả trong trường hợp tài sản bị cháy, nổ. Phí bảo hiểm được Pjico tính toán một cách hợp lý và cạnh tranh dựa trên các thông tin về mức độ rủi ro do khách hàng cung cấp.
Pjico đã triển khai loại bảo hiểm này ngay từ năm 1995-1996. Indovina Bank, Vietcombank chi nhánh Đồng Nai, Hải Phòng... là một trong số những khách hàng đầu tiên của chúng tôi. Với thế mạnh có mạng lưới chi nhánh khắp cả nước và sự hậu thuẫn của các nhà tái bảo hiểm uy tín trên thế giới, tới nay Pjico đã có hàng trăm khách hàng không chỉ là các ngân hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm này.
Khó khăn nhất khi Pjico triển khai bán sản phẩm là gì?
Khó khăn nhất của chúng tôi là nhiều khách hàng chưa tin là rủi ro có thể xảy ra và cho rằng việc mua bảo hiểm là “tốn tiền vô ích!”.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở góc độ ngược lại thì đây lại chính là một cơ hội thị trường tốt để Pjico phải nỗ lực hơn nữa trong hoạt động Marketing và thuyết phục khách hàng về lợi ích thiết thực của sản phẩm bảo hiểm này.
TBKTVN
|