Thứ Sáu, 22/06/2007 17:03

VASB sẽ kiến nghị ngừng cấp phép cho CTCK mới

Sắp tới, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB), dưới sự chỉ đạo của cơ quan quản lý là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), sẽ báo cáo lên Chính phủ về thực tế hoạt động của khối công ty chứng khoán (CTCK) hiện nay, đồng thời kiến nghị về việc tạm ngưng cấp phép thành lập CTCK mới. ĐTCK-online đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký VASB về vấn đề này.

VASB đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động của các CTCK cũng như thực tế cấp phép thành lập cho khối công ty này thời gian qua?

Có thể thấy sự ra đời của các CTCK năm 2006 đã đáp ứng nhu cầu phát triển vượt bậc của TTCK tại thời điểm đó. Sang năm 2007, TTCK được vận hành theo Luật Chứng khoán, vì vậy, cần củng cố lại hoạt động của các công ty này, nhằm tránh tình trạng đổ vỡ, giống như tiền lệ tại một số nước.

Việc cấp phép tràn lan như hiện nay khiến câu chuyện cấp phép thành lập CTCK càng trở nên khó kiểm soát hơn và không ít người nghi ngờ về mục đích ra đời của một số  CTCK rằng, họ không hoàn toàn nhằm mục đích cung ứng dịch vụ chứng khoán. Hiện đã xuất hiện nhiều thông tin chưa được kiểm chứng về việc phát hành và chuyển nhượng cổ phiếu rộng rãi của các CTCK mới thành lập, bị xem là hiện tượng kinh doanh không lành mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và cho cả thị trường. Thực tế này đã buộc UBCK phải gửi công văn yêu cầu các CTCK nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật và cảnh báo thị trường thông qua việc đưa lên trang web của UBCK. Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp hành chính đối với CTCK hoặc thực hiện công bố thông tin để tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi giao dịch như trên dường như không phải là biện pháp triệt để. Giải pháp trước mắt, theo kiến nghị của VASB, là nên tạm ngừng việc cấp thêm giấy phép thành lập CTCK.

Ông vừa nói đến đề xuất tạm ngừng cấp phép, vậy theo VASB, hậu quả của việc tiếp tục cấp phép nếu có, là gì?

Trước những nhân tố trên, người ta không khỏi e ngại về khả năng đổ vỡ của hàng loạt CTCK. So với các quốc gia trong khu vực, số lượng tổ chức trung gian tại Việt Nam như hiện nay là quá đủ. Tại Singapore, Thái Lan và Malaysia, số lượng CTCK tương ứng cũng chỉ là 71, 41 và 37. Việc ra đời trong một khoảng thời gian ngắn lượng lớn CTCK có thể lý giải được trong thời kỳ thị trường mới phát triển. Tuy nhiên, khi thị trường bước vào giai đoạn thoái trào trung hạn, sự đổ vỡ của nhiều CTCK là điều không tránh khỏi. Tại Trung Quốc, cao điểm vào những năm 2002 - 2003 cũng đã có tới hàng nghìn CTCK được thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, thị trường bước vào thời kỳ suy sụp kéo dài trong 3 năm sau đó đã kéo theo sự đổ vỡ của hàng loạt CTCK. Chính phủ Trung Quốc cũng đã tiến hành một số biện pháp nhằm cơ cấu lại hệ thống tổ chức trung gian. Cho tới nay, Trung Quốc chỉ còn 107 CTCK. Hiện tượng này cũng đã xảy ra tại một số nước Đông Âu như Cộng hoà Séc.

Tại Việt Nam, nếu tiếp tục tăng lượng CTCK thì khả năng đổ vỡ hay phá sản là có thể nhìn thấy trước. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp lý về phá sản còn chưa được hoàn thiện, việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có sự đổ vỡ hàng loạt CTCK rất phức tạp và tốn kém, nhất là khi các tổ chức này còn nắm giữ một lượng vốn lớn của công chúng đầu tư.

Phải chăng vì quá lo ngại về khả năng đổ vỡ của khối CTCK nên VASB sẽ đề xuất tạm ngưng cấp phép cho CTCK mới, hay còn có lý do nào khác, thưa ông?

Thứ nhất, đó là do tình trạng khan hiếm nhân lực, kéo theo việc lôi kéo cán bộ tại một số CTCK thời gian qua. Hiện nay, bài toán về nhân sự tại các CTCK cũ còn chưa được giải quyết, nên khi nhu cầu tuyển dụng nhân sự tăng cao thì sự ra đời hàng loạt CTCK mới sẽ càng làm vấn đề trở nên phức tạp hơn. Sự quá tải trong đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán cũng như thực tế khan hiếm nhân lực thời gian gần đây tại các CTCK đã cho thấy, việc ra đời của các CTCK mới tiếp tục góp phần gây sức ép về nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán.

Thứ hai, đó là thực tế hạ tầng công nghệ của 2 TTGDCK đang trong tình trạng quá tải và khó có thể đáp ứng một cách hiệu quả lượng lớn hơn các CTCK, trong khi bản thân hệ thống công nghệ thông tin tại các CTCK cũng chưa được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Một vấn đề nữa là năng lực giám sát của UBCK còn hạn chế, với lực lượng cán bộ còn mỏng, phần lớn là cán bộ trẻ, ít kinh nghiệm. Hệ thống quản lý và giám sát hoạt động của các tổ chức trung gian tại thị trường của UBCK còn rất sơ khai và thủ công, đã ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, giám sát của cơ quan này đối với khối CTCK.

Do đó,  nếu tiếp tục cấp phép trong giai đoạn này sẽ làm bùng nổ số lượng tổ chức tài chính trung gian. Việc tăng số lượng các CTCK thực chất lại không đi đôi với việc nâng cao chất lượng và hoàn thiện thị trường dịch vụ chứng khoán, điều này như một mối đe doạ đến quyền lợi nhà đầu tư khi các công ty mới ồ ạt đi vào hoạt động. Việc tạm ngừng cấp phép một thời gian sẽ giúp UBCK có thể tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng quản lý, giám sát thị trường, đồng thời củng cố năng lực cho các tổ chức tài chính trung gian.

Ngoài sự hấp dẫn về lợi nhuận mà khối công ty này mang lại, theo ông đâu là nguyên nhân khiến việc thành lập CTCK trở thành một trào lưu như hiện nay?

Theo tôi, điều kiện cấp phép CTCK tại Việt Nam hiện còn tương đối dễ dàng. Với các điều kiện thành lập đơn giản như vậy rất khó ngăn cản “phong trào” thành lập khối công ty này. Tại một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, các điều kiện cấp phép tương đối ngặt nghèo, chẳng hạn, duy nhất các tổ chức tài chính, ngân hàng mới được phép đứng ra thành lập các tổ chức trung gian chứng khoán.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Không nên thu hút vốn ngoại bằng mọi giá (22/06/2007)

>   Cơ hội tiếp vốn FII cho TTCK (22/06/2007)

>   Khi cổ phiếu bị 'án treo' (22/06/2007)

>   Hòa Bình được BIDV tăng hạn mức tín dụng (22/06/2007)

>   Quanh việc nhà báo... lên sàn (22/06/2007)

>   Chứng khoán 6 tháng đầu năm: Những con số và kỷ lục (22/06/2007)

>   Hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói gì? (22/06/2007)

>   SFC: Nghị quyết Hội đồng Quản trị 2007 (21/06/2007)

>   LBM: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (21/06/2007)

>   BF1 Thông báo về sự thay đổi thành viên HĐQT (21/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật