Thứ Sáu, 22/06/2007 09:39

Quanh việc nhà báo... lên sàn

Thị trường chứng khoán trở nên sôi động và lớp phóng viên tham gia theo dõi ngành cũng trở nên đông đúc.

Điều đáng nói là sự chuẩn bị cho một lĩnh vực nội dung mới ở nhiều cơ quan báo chí thiếu chu đáo và chủ yếu là chạy theo xu hướng chung.

Oan nghề

Thời kỳ chứng khoán bùng nổ nửa năm trở lại đây, mảng thông tin chứng khoán mới bắt đầu được coi trọng và thậm chí có lúc trở thành mốt: Báo báo viết về chứng khoán. Thế là bạn đọc, nhà đầu tư bắt đầu có nguy cơ bội thực về “lẩu thông tin” chứng khoán.

Khá nhiều tờ báo đi theo hướng tô đậm các vấn đề xã hội liên quan đến chứng khoán. Mảng đề tài này hấp dẫn nhưng không hề dễ bởi ranh giới giữa sự thực và chuyện tưởng tượng gần nhau quá, nhất là khi được chuyển tải qua những ngòi bút không chuyên, thiếu kiến thức cơ bản về chứng khoán.

Thế mới có chuyện một anh A, chị B mua cổ phiếu X và chỉ vài hôm sau giá sụt thê thảm và suýt nữa trắng tay. Để cho “thuyết phục”, phóng viên đã lấy dẫn chứng từ một cổ phiếu giảm giá “khủng khiếp” hàng chục phần trăm chỉ trong vòng hai ba ngày mà không biết rằng sự sụt giảm đó chỉ là thao tác điều chỉnh giá trong ngày chốt quyền mua.

Còn những sai sót như giao dịch khớp lệnh lô lẻ dưới 10 cổ phiếu, mua xong lập tức bán ngay trên cùng một tài khoản... xảy ra khá thường xuyên.

Câu chuyện về cổ phiếu SJS “sập sàn” (mà thực chất là thực hiện chia tách) đã trở thành chuyện tiếu lâm thuộc hàng kinh điển trong giới đầu tư khi tán chuyện chứng khoán trên báo chí. Đáng tiếc rằng những sự việc như vậy vẫn liên tục lặp lại ở nhiều tờ báo, thậm chí trên cả một kênh truyền hình.

Cũng phải thừa nhận những thao tác điều chỉnh kỹ thuật về giá cổ phiếu là rất khó hiểu. Rất nhiều nhà báo theo dõi mảng chứng khoán không được đào tạo kiến thức một cách bài bản hay không được bổ túc, cập nhật thường xuyên.

B.V, một nữ phóng viên trẻ đã từng khóc khi bị giao theo dõi mảng đề tài này vì trong tay chưa được trang bị chút kiến thức nào. Thay vì tìm kiếm đề tài để viết, phóng viên phải lân la khắp các sàn giao dịch, hỏi han nhà đầu tư. Đó là chưa kể đến bản thân nhiều phóng viên chưa chú ý đúng mức trong việc bồi bổ kiến thức khi tác nghiệp.

Còn nhớ quãng năm 2001, Ủy ban Chứng khoán từng tổ chức những lớp phổ cập chứng khoán cho nhà báo nhưng chỉ giảng nửa buổi là lớp đã vắng teo. Tuy nhiên, vẫn có nhiều phóng viên là những người được đào tạo chuyên ngành, am hiểu về thị trường, định hướng được nội dung mang tính phản biện cao.

Chẳng hạn mới đây khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay HSBC công bố một bản nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam, trong khi rất nhiều tờ báo trích lại nguyên văn thì vẫn có một số báo “ngược dòng” phân tích những điểm bất hợp lý, thậm chí là thiếu sót.

Dù vậy, đếm đi đếm lại cánh phóng viên thực sự chuyên theo dõi chứng khoán cũng chỉ lèo tèo một số, còn chủ yếu là kiêm nhiệm nhiều mảng khác nhau.

“Em” không phải đại gia!

“Chắc nhiều nhà báo chơi chứng khoán cỡ đại gia lắm nhỉ”? Câu hỏi này người viết nhận được rất nhiều lần trong những buổi chè chén với giới đầu tư. Nhà báo có “đánh” chứng khoán không? Câu trả lời là có.

 Nhà báo có thể rất thành công trong lĩnh vực bất động sản, kinh doanh quán càphê hay mở được một quán bia đông khách, đi xe này xe nọ nhưng để đến tầm “đại gia” trong lĩnh vực chứng khoán thì rất hiếm.

Nếu hiểu “đại gia” là những nhà đầu tư sành sỏi hay tay quản lý vài tài khoản, điều khiển nguồn tiền cỡ trăm tỉ thì có thể khẳng định là không có.

Một điều khá “mang tiếng” cho các nhà báo là “tội” quen biết nhiều “đại gia”. Những “mánh lới”, “chiêu thức” với cổ phiếu A, B hay “chuyện hậu trường” chỉ có giới chuyên nghiệp biết cũng được không ít nhà báo thuộc nằm lòng.

Giao lưu tạo mối quan hệ trong công việc thuộc về yêu cầu nghề nghiệp của nhà báo nhưng rủi ro bị hiểu lầm cũng không phải là hiếm.

Khó khăn tác nghiệp

Nhà báo có nên tham gia đầu tư chứng khoán là đề tài khá mới, được khơi lên gần đây với nhiều quan điểm trái ngược. Về mặt luật pháp, tham gia thị trường hay không là quyền của nhà báo.

Từ góc độ nghề nghiệp, nhà báo nên tham gia giao dịch để có thể thổi cái hồn đời sống vào tác phẩm. Lên sàn, phóng viên mới có thể cảm nhận được hơi thở chứng khoán xen vào cuộc sống hàng ngày như cảnh những “cụ đầu tư” đeo mục kỉnh dày cộp để điền phiếu lệnh.

Trong khi giới trẻ ríu rít vào web đọc thông tin, xem biểu đồ kỹ thuật giá cổ phiếu thì vẫn có những nhà đầu tư trung niên cẩn thận ghi lại giá biến động hàng ngày trên các ô của cuốn sổ kẻ carô để rồi từ đó dựng thành biểu đồ.

Từ những cuốn sổ chi chít số liệu ấy, họ vẫn có thể đọc vanh vách giá cổ phiếu nào, ngày nào biến động ra sao. Những chi tiết đó phóng viên không thể ngồi một chỗ mà “bịa” ra được.

Một trong những khó khăn khi phóng viên tác nghiệp trên sàn là sự “dị ứng” của không ít nhà đầu tư. Cũng có người xởi lởi trò chuyện nhưng cũng rất nhiều người lảng tránh.

Nhất là khi rộ lên thông tin về lớp nhân viên văn phòng trốn công sở đi chơi chứng khoán. Hễ phóng viên đến gần giơ máy ảnh lên chụp là y như rằng bị phản ứng, né tránh, thậm chí là mắng mỏ.

Không ít phóng viên phải bám sàn liên tục hay tạm quên nghề nghiệp để sắm vai một nhà đầu tư mới có thể được trò chuyện cởi mở. Nhưng cũng có nhiều chuyện phóng viên không thể viết bởi quá chi tiết, quá cá biệt đến mức nếu đăng tải thì ngày hôm sau không thể tiếp tục ngồi trò chuyện được nữa!

Sử dụng công cụ báo chí để trục lợi trong lĩnh vực chứng khoán là vấn đề rất nhạy cảm và bị giới đầu tư dị ứng nhất với nhà báo. Tuy nhiên phải khẳng định rằng chỉ một vài thông tin đơn lẻ, rải rác không thể tạo ra sự đột biến nào để nhà báo mưu lợi cá nhân và nhà đầu tư luôn là những bạn đọc thông minh.

Theo nhà báo Lan Hương (Thời báo Kinh tế Việt Nam), nhà báo cần tách bạch được hai chuyện: Viết bài và đầu tư. Bài viết phải được xuất phát từ cái tâm khách quan mới có sức thuyết phục. Quy trình xét duyệt đăng tải tác phẩm báo chí ở tất cả các tòa soạn luôn chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực nhạy cảm này. Đó là chưa kể đến trách nhiệm cá nhân của nhà báo trước pháp luật và trách nhiệm đạo đức trước đồng nghiệp.

Lao động

Các tin tức khác

>   Chứng khoán 6 tháng đầu năm: Những con số và kỷ lục (22/06/2007)

>   Hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói gì? (22/06/2007)

>   SFC: Nghị quyết Hội đồng Quản trị 2007 (21/06/2007)

>   LBM: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (21/06/2007)

>   BF1 Thông báo về sự thay đổi thành viên HĐQT (21/06/2007)

>   KHP: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (21/06/2007)

>   DRC: Kết quả giao dịch cổ phiếu của người có liên quan với Thành viên BKS (21/06/2007)

>   BMC: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (21/06/2007)

>   MCO tăng vốn điều lệ từ 11 tỷ đồng lên 36 tỷ đồng (21/06/2007)

>   Công ty Chứng khoán Âu Lạc bị cảnh cáo (21/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật