Khi cổ phiếu bị 'án treo'
Những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu BMC và TCT không khỏi sốt ruột, mong chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sớm công bố kết quả điều tra về giá của hai cổ phiếu này cho rõ trắng đen có hiện tượng làm giá, thao túng thị trường hay không.
Các nhà đầu tư đang nắm giữ những cổ phiếu bị “án treo”, phải chịu sức ép nặng nề từ những nghi ngờ của dư luận. Trong khi cơ quan quản lý thị trường đang tìm hiểu nguyên nhân thì một số ý kiến trên các diễn đàn đã gần như khẳng định có hiện tượng làm giá, đại loại như những ý kiến: “âm mưu làm giá đang có xu hướng bị nhận diện rộng rãi”, “việc làm giá quá lộ liễu”, “làm giá một cách trắng trợn trước mắt Ủy ban Chứng khoán”…
Tâm lý vẫn đang là yếu tố chi phối nhà đầu tư khá mạnh, cho nên với những ý kiến gần như khẳng định nói trên, nhiều nhà đầu tư đang nắm hai cổ phiếu này không thể không hoảng hốt. Tuần trước, khi rộ lên các thông tin, ý kiến xung quanh việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phân tích nguyên nhân tăng giá liên tục của BMC, TCT, và tiếp theo có thể là SGH, LBM, lập tức một số nhà đầu tư đã có động thái bán tháo cổ phiếu. Giá của bốn cổ phiếu này lập tức giảm kịch sàn liên tiếp các phiên trong tuần. Vào đầu tuần này, tuy các cổ phiếu nói trên có tăng giá trở lại nhưng dường như vẫn chưa hết bị áp lực. Sự “lội ngược dòng” của chúng đang tiếp tục bị nghi ngờ là có bàn tay dẫn dắt thị trường.
Có thể đã có hiện tượng làm giá, thao túng thị trường thực sự, nhưng theo một chuyên gia tài chính chứng khoán, nhóm nhà đầu cơ làm giá chắc chắn đã kịp rút lui trước khi những cảnh báo được đưa ra. Như vậy, “chết” là “chết” những nhà đầu tư đã mua vào gần đây, lúc giá đã quá cao. Còn nếu kết luận chính thức của cơ quan quản lý thị trường công bố rằng chưa phát hiện thấy hiện tượng làm giá, thao túng thị trường, thì “nạn nhân” cũng sẽ là các nhà đầu tư này khi giá cổ phiếu bị sụt giảm nặng nề vì ảnh hưởng bởi dư luận không tốt về chúng trên thị trường.
Nhưng cũng theo chuyên gia chứng khoán nói trên, không ai có lỗi trong việc giá cổ phiếu trong diện điều tra bị sụt giảm do ảnh hưởng của dư luận. Đó là vì, cơ quan quản lý thị trường hoàn toàn đúng khi quyết định điều tra một chứng khoán nào đó có hiện tượng tăng giá bất thường. Bởi nếu cơ quan này không làm tốt nhiệm vụ giám sát, để xảy ra đổ vỡ thị trường thì trách nhiệm càng nặng nề hơn. Còn nếu cá nhân, cơ quan ngôn luận đưa ra ý kiến, thậm chí là những lời khẳng định thì chỉ chịu ảnh hưởng về mặt uy tín, bởi cuối cùng vẫn là nhà đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Theo giám đốc một công ty chứng khoán, với hiện tượng một cổ phiếu nào đó tăng hoặc giảm giá liên tục, có thể có những biện pháp xử lý với những cấp độ khác nhau mà không gây “sốc” cho nhà đầu tư. Trước hết là biện pháp mà cơ quan quản lý thị trường đang làm, đó là nếu giá cổ phiếu tăng hoặc giảm liên tục 5 phiên thì yêu cầu tổ chức niêm yết phải giải trình. Kế đến, nếu cổ phiếu đó vẫn tiếp tục tăng hoặc giảm giá liên tiếp trong nhiều phiên nữa thì cơ quan quản lý thị trường nên đề nghị tạm ngừng giao dịch trong một số phiên, đồng thời tiến hành các biện pháp kiểm tra các tài khoản giao dịch, tìm nguyên nhân của việc tăng giá liên tục một cách bất thường. Trong thời gian này, nhà đầu tư cũng có thể bình tĩnh lại và có quyết định đầu tư cẩn trọng hơn.
Một biện pháp khác là ngưng giao dịch và cho xác định lại giá tham chiếu. Trong phiên giao dịch xác định lại giá tham chiếu sẽ không có biên độ dao động giá mà để nhà đầu tư tự quyết định mua, bán theo mức giá kỳ vọng của mình. Như vậy, sẽ không có hiện tượng chờ tăng hoặc giảm từng 5% giá mỗi phiên, gây cảm giác tăng hoặc giảm giá kéo dài. Theo vị giám đốc này, nếu các biện pháp giám sát thị trường được đưa ra kịp thời sẽ góp phần bảo vệ các nhà đầu tư chân chính và nhà đầu tư còn ít kinh nghiệm, tránh cho họ nguy cơ bị lỗ nặng nề từ khả năng rớt giá mạnh của các các cổ phiếu nói trên.
TBKTSG
|