Lời cảnh báo từ PVI
Đang trong thời kỳ ảm đạm và chưa kịp gượng dậy sau hai cơn bão lớn mang tên Đạm Phú Mỹ và Bảo Việt, thị trường OTC lại tiếp tục bị giáng một đòn khá nặng từ kết quả đấu giá 10 triệu cổ phần của Bảo hiểm dầu khí (PVI).
Trước phiên đấu giá ngày 26/6, giá cổ phần PVI trên thị trường OTC còn trên 110.000 đồng/cổ phần, nhưng sang 27/7 sau khi giá trúng bình quân của PVI được công bố là 75.499 đồng/cổ phần thì giá PVI được rao bán khá nhiều với giá trung bình 75.000 đồng/cổ phần.
Hàng loạt cổ phần OTC khác đang chịu “vạ lây” từ PVI, không chỉ rớt giá thảm hại mà còn rất khó bán vì nhà đầu tư lo ngại còn nhiều cơn “bão” IPO khác lớn hơn...
Nhiều người cho rằng mức giá đấu thành công cao nhất 127.000 đồng/cổ phần; thấp nhất 70.100 đồng/cổ phần; bình quân 75.499 đồng/cổ phần là một bất ngờ nhưng chỉ đúng nếu nhìn vào giá PVI trước đó còn so với Bảo Việt thì hoàn toàn không.
Bất cứ sự so sánh nào cũng khập khiễng, nhất là đối với cổ phần trên thị trường chứng khoán (TTCK) chưa minh bạch lắm như Việt Nam, tuy nhiên, giá Bảo Việt đang rao bán dưới 70.000 đồng/cổ phần thì PVI được mua với giá bình quân 75.499 đồng/cổ phần được xem là thành công. Còn so với cuộc đấu giá lần đầu của PVI ngày 29/12/2006 thì thật là “cay đắng” cho nhiều nhà đầu tư.
Lúc ấy, PVI có gần 8.000 nhà đầu tư tham gia và đợt IPO này đã gây một “dư chấn” trên TTCK. Khi đó, giá trúng thầu thấp nhất là 142.200 đồng và giá bình quân là 160.250 đồng, một thời gian sau có lúc PVI đã vượt quá 200.000 đồng/cổ phần với bao kỳ vọng của nhà đầu tư.
Nhưng giờ đây, PVI đang trở thành một nỗi ám ảnh của nhiều người và lập kỷ lục rớt giá nhanh nhất trong nửa đầu năm 2007. Nếu nhìn vào kết quả kinh doanh, triển vọng của PVI thì đây không chỉ là “quả đắng” cho nhà đầu tư.
Vừa qua PVI công bố doanh thu đạt trên 750 tỷ đồng, bằng 44% kế hoạch năm 2007 và tăng trưởng bằng 165% so với cùng kỳ năm 2006. Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVI tuyên bố: “Đến hết tháng 6/2007 doanh thu của PVI sẽ đạt mức 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận trên 80 tỷ đồng”.
Doanh thu năm 2007 của PVI dự kiến đạt 1.768 tỷ đồng (hơn 100 triệu USD), tăng 136% so với năm 2006, lộ trình tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng sẽ được thực hiện ngay trong năm 2007 và tiếp tục tăng lên 2.000 tỷ đồng vào năm 2010.
Lợi nhuận (từ hoạt động bảo hiểm và đầu tư) tăng từ 177 tỷ đồng (năm 2007) lên 271 tỷ đồng năm 2009 và tỷ lệ cổ tức tăng từ 12,52% năm 2007 lên 17,1% năm 2009. Với những con số khá ấn tượng trên thì việc giá cổ phần PVI trên thị trường OTC giảm gần 2/3 so với 3 tháng trước OTC khiến ngay cả lãnh đạo PVI khó mà “ăn ngon ngủ yên” khi PVI đang tham vọng trở thành tập đoàn và sắp niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.
Giờ đây, giới đầu tư đang nhìn vào PVI với hai lựa chọn: giữ và ôm thêm để kỳ vọng khi lên sàn PVI sẽ tăng giá như FPT, TDH với lập luận “chẳng lẽ PVI mà giá lại thấp hơn cả HAX, SHG, RAL... sao? Họ còn hy vọng dịp cuối năm khi PVI đã đứng vững trên sàn thì VN-Index cũng tăng như năm 2006. Số còn lại thì lo âu vì “thị trường này chưa biết đâu mà lường, vài đợt IPO lớn nữa dân đầu tư chưa biết lấy tiền đâu mà ôm vào”.
Giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng với những chỉ số hiện tại thì giá của PVI không cao. Còn nhà phân tích chứng khoán Phùng Khắc Nam nhận định: “Giá cổ phần không chỉ phụ thuộc vào những chỉ số, thông tin đang có mà còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác, họ lo vì thị trường OTC quá ảm đạm trong thời gian gần đây”.
Nhà đầu tư Vũ Thị Thanh Huyền (sàn SSI TP.HCM) than vãn: “Cứ mỗi lần như đấu giá PVI vừa qua, nhà đầu tư chúng tôi lại co lại thủ thế với cổ phần OTC vì tốt như PVI mà giá còn rớt như vậy lấy gì đảm bảo các cổ phần khác không rớt giá nhiều hơn?”.
Giá trúng đấu giá thấp của Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt và PVI rất đáng để Bộ Tài chính và UBCKNN “tham khảo” xem có nên “dội” tiếp những đợt IPO của các đại gia trong vài tháng nữa không. Còn với thực tế thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư thì câu trả lời dường như đã có: nên ngừng hoặc chậm lại.
Nếu vẫn tiếp tục, thiệt hại lớn nhất thuộc về doanh nghiệp IPO và ngân sách nhà nước chứ chưa hẳn là nhà đầu tư vì trường hợp như PVI rất hãn hữu...
Tiền Phong
|