Thứ Tư, 27/06/2007 17:49

Chuyện “hậu sự” Bệnh viện Bình Dân

Sau khi dự án thí điểm cổ phần hoá Bệnh viện Bình Dân được UBND Tp.HCM đề nghị ngưng lại, một cơn sóng ngầm chực chờ bùng nổ nếu việc thanh toán tiền bạc giữa bên bán và bên mua không tìm được tiếng nói chung.

“Họ đòi thì mình phải trả chứ sao bây giờ!”. Một người đáp lại: “Nhưng lỡ “đập” mấy chục triệu vào sửa nhà và trả nợ hết rồi, còn gì đâu mà trả!”. Đó là câu chuyện nghe được tại một góc của khoa Niệu A, khi ba nữ hộ lý trong trang phục xanh tụm lại to nhỏ trò chuyện.

Thời “hậu sự”

Sáng ngày 26/6, rảo quanh các khoa phòng, có thể nhận thấy mọi hoạt động tại BV Bình Dân vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, trên gương mặt của không ít nhân viên lộ vẻ đăm chiêu, lo lắng.

Theo một nguồn tin, việc giải quyết “hậu mua bán lúa non” không còn là chuyện nằm ở ngoài bệnh viện. Mà những ngày qua, có ít nhất 2 vụ đã đưa nhau vào ngay trong khuôn viên bệnh viện, vì bên bán và bên mua không tìm được tiếng nói chung.

Trả lời báo chí, bác sĩ Nguyễn Chí Hùng, giám đốc Bệnh viện Bình Dân, nói như “đinh đóng cột”: “Ban giám đốc sẽ không tiếp bất kỳ ai “thưa gửi” việc mua bán quyền mua cổ phần ưu đãi. Bởi ngay từ đầu chúng tôi khẳng định đó là không đúng luật”.

Qua thăm dò, được biết phần lớn người bán quyền mua cổ phần ưu đãi là hộ lý, điều dưỡng, nhân viên hành chính, rất ít bác sĩ tham gia chuyện này vì kinh tế của họ vững vàng hơn nhờ làm phòng mạch tư.

Cách đây ba tháng, khi câu chuyện cổ phần hoá Bệnh viện Bình Dân đang “sốt”, một giáo sư tên tuổi đã nói thẳng với người viết: “Em có thích thì anh nhường phần của anh cho em đó. Thật tình anh cũng không mặn mà lắm”.

Tuy nhiên, cũng có thông tin 1 - 2 bác sĩ trong bệnh viện này đứng ra “thâu gom” quyền mua cổ phần ưu đãi của chính nhân viên trong khoa hoặc các khoa khác, bất chấp lệnh cấm mua bán của ban giám đốc.

Một bác sĩ nói: “Mua bán đồ cấm thì mới lời nhiều”. Liệu sau khi đề án thí điểm cổ phần hoá Bệnh viện Bình Dân ngưng lại, quan hệ giữa những nhân viên này có còn như xưa không và liệu chúng có ảnh hưởng đến công tác chuyên môn hay không?

10 giờ ngày 26/6, trò chuyện với một bảo vệ (xin được giấu tên), anh cho biết có thâm niên 16 năm công tác, có quyền mua 1.600 cổ phiếu ưu đãi, nhưng anh cũng không bán. Hỏi anh có tiếc không, anh đáp: “Tiếc gì, không có “số” hưởng thì cũng chịu. Nhưng hóa ra lại hay, vì như thế thì tôi còn hơn khối người đã bán hết quyền mua, giờ phải sống trong tâm trạng hồi hộp, lo âu”.

Nhiệm vụ mới của bảo vệ?

Được biết, những ngày qua đội bảo vệ của Bệnh viện Bình Dân được lệnh theo dõi và ngăn chặn kịp thời những vụ tranh chấp giữa bên bán và bên mua quyền mua có khả năng xảy ra trong bệnh viện.

“Chuyện gì cũng có thể xảy ra được. Một khi không đòi được tiền, có thể người ta phải nhờ đến “xã hội đen”!”, một anh bảo vệ nói.

Thực tế không đơn giản chút nào, bởi bên bán đa số đều cần tiền để trang trải cuộc sống, những người này đều có hoàn cảnh khó khăn. Họ đã tiêu sạch số tiền vào chuyện riêng. Giờ một lúc bị đòi lại thì làm sao họ xoay sở được. Nhưng bên mua cũng có khó khăn, bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng để đầu tư, giờ ngưng lại họ cũng có nhu cầu lấy lại tiền để làm chuyện khác. Bây giờ mọi chuyện lỡ dở, biết làm sao?

Giờ nghỉ trưa, tất cả hoạt động đã ngưng lại. Mọi khoa, phòng đều im ắng. Một khoảng lặng trước cơn bão chực chờ bùng nổ nếu việc thanh toán tiền bạc giữa bên bán và bên mua không tìm được tiếng nói chung.

Bầu không khí thật khác hẳn với thời điểm vài tháng trước đây. Khi đó đi đâu trong bệnh viện người ta cũng nghe các nhân viên “ì xèo” chuyện bán quyền. Thậm chí có lúc một ngân hàng cho nhân viên mang tiền rảo quanh khoa - phòng “săn” tìm người bán và chấp nhận “chung chi” tại chỗ.

Ước tính, hàng chục tỉ đồng đã bỏ ra cho chuyện này. Giờ đây tất cả chỉ còn là những miếng giấy lộn không hơn không kém!

SGTT 

Các tin tức khác

>   CP Nhiệt điện Ninh Bình mất giá vì dự án đình trệ (27/06/2007)

>   Giao dịch cổ phiếu OTC: Nhà đầu tư sẽ phải mở tài khoản (27/06/2007)

>   Định giá theo thị trường (27/06/2007)

>   Thua ngay trên sân nhà? (27/06/2007)

>   Cổ phần hóa thêm 3 công ty trong ngành xi măng (27/06/2007)

>   Cổ phần PVI có giá nhất 127.000 đồng  (27/06/2007)

>   Nhiều doanh nghiệp chậm cổ phần hóa (27/06/2007)

>   Bãi bỏ quỹ bù giá khí đối với đạm Phú Mỹ (27/06/2007)

>   Ampharco khánh thành nhà máy bào chế dược phẩm (27/06/2007)

>   Thông báo bán tiếp cổ phần CTCP Giày An Lạc (26/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật