Định giá theo thị trường
Ý kiến của ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội góp ý về vấn đề cổ phần hóa các DNNN:
Thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về cổ phần hóa, tôi nhận thấy tiến trình cổ phần hóa không diễn ra đồng đều và có biểu hiện né tránh, chần chừ vì sợ mất quyền, mất lợi ích. Hiện Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối ở 33% doanh nghiệp đã cổ phần hóa, vốn Nhà nước mới chuyển sở hữu được 12%. Nhiều công ty cổ phần vẫn hoạt động theo phương thức doanh nghiệp nhà nước từ phương án kinh doanh đến phân chia lợi nhuận, có 70-80% doanh nghiệp vẫn bộ máy lãnh đạo cũ nên cung cách quản lý về cơ bản không thay đổi.
Trước đây, việc định giá tài sản là chuyện của nội bộ doanh nghiệp, mang tính chủ quan, áp đặt nên xảy ra chuyện doanh nghiệp hoặc được định giá quá cao (không bán được) hoặc quá thấp (thất thoát vốn của Nhà nước). Tôi cho rằng việc định giá tài sản cần bám vào yếu tố thị trường. Việc đấu giá tài sản Nhà nước phải được làm công khai trên sàn chứng khoán hoặc đưa ra đấu giá trên thị trường trên cơ sở thuận mua vừa bán, có như vậy giá cả mới sát với thị trường.
Có hai vấn đề đặt ra. Một là, việc bán ấy có thực sự công khai không? Các thông tin đưa ra có đầy đủ, minh bạch không? Làm sao hạn chế được tình trạng liên kết với nhau trong đấu giá hoặc đấu giá khép kín. Điều này làm giá trị của cổ phiếu giảm. Hai là, do cách quyết định phân chia tỷ lệ cổ phần ưu đãi với các cổ đông chiến lược. Nếu kiểm soát không chặt điểm này thì có thể CP sẽ được dành cho những đối tượng không đúng.
Việc Nhà nước nắm cổ phần chi phối với 33% tổng số doanh nghiệp đã cổ phần hóa là tương đối lớn. Có doanh nghiệp bộ máy quản lý cũ vẫn giữ đến 80% nên không đề ra được phương án kinh doanh hiệu quả. Bởi những công ty này phải hoạt động theo quy định của Luật đối với công ty Nhà nước từ phương án kinh doanh, phân phối lợi nhuận thậm chí cả tổ chức bộ máy và nhân sự. Về mặt tâm lý, ở các công ty mà Nhà nước đang giữ cổ phần chi phối thì cung cách quản lý về cơ bản không thay đổi. Do đó cũng gây cản trở cho việc nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Việc duy trì cổ phần chi phối của Nhà nước còn làm cho các cổ đông bên ngoài ngại tham gia vì họ sẽ cảm thấy khó có thể thay đổi thực sự khi doanh nghiệp vẫn duy trì cung cách quản lý cũ. Hiện chúng ta quy định trên 50% vốn là chi phối. Vấn đề này nên xem lại vì thực tế có nhiều công ty Nhà nước chỉ cần nắm 30% hoặc 20% nhưng nếu biết quản lý, có phương án kinh doanh tốt, người lãnh đạo có năng lực thì Nhà nước vẫn chi phối được.
SGGP
|