Thứ Tư, 27/06/2007 11:40

Thua ngay trên sân nhà?

Với tiềm lực tài chính có hạn, liệu nhà đầu tư trong nước có kham nổi những cuộc IPO và niêm yết dồn dập từ đây đến cuối năm. Trong khi đó, các khoản vay ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này gần như đã đóng cửa.

Nhu cầu vốn tăng

Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút trong năm 2007 của nước ta ước đạt 11 tỷ USD, dự kiến sẽ giải ngân ngay trong năm nay 4,5 tỷ USD. Đây là lượng FDI lớn nhất từ trước đến nay, tuy nhiên số vốn doanh nghiệp Việt Nam cần huy động trong nước để phát triển kinh doanh cao hơn cả lượng FDI trên. Chỉ riêng một số công ty của nhà nước được IPO trong năm nay có số vốn điều lệ lên đến 130.000 tỷ đồng. Xu hướng cổ phần hóa và tăng vốn của các doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ thu hút một lượng vốn lên đến 60.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó sắp tới còn khá nhiều doanh nghiệp nữa muốn tham gia vào TTCK, sẽ thu hút một lượng vốn lớn từ nhà đầu tư trong nước.

Thị trường vừa trải qua IPO của Đạm Phú Mỹ và Bảo hiểm Bảo Việt, riêng lượng vốn đổ vào Đạm Phú Mỹ đã lên đến 500 triệu USD. Nếu không có thay đổi đáng kể nào thì lượng CP Bảo hiểm Bảo Việt bán ra cho các nhà đầu tư cũng sẽ đạt giá trị khoảng 500 triệu USD. Các NH thương mại cổ phần tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 100% trong năm nay cũng sẽ thu hút không dưới 10.000 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu, chưa tính đến số tiền thu về từ việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược. Điều này cho thấy TTCK đang có nhu cầu rất lớn về vốn, song nguồn vốn trong nước khó có thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường.

Nhà đầu tư trong nước “đuối” sức

Hiện thị trường có hơn 200.000 tài khoản giao dịch CK, trong đó có 4.400 tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra còn có 35 quỹ đầu tư, trong đó riêng đầu tư của nước ngoài chiếm đến 23 quỹ và 50 công ty đầu tư ủy thác qua CTCK. Quỹ đầu tư có vốn cao nhất đạt 1,4 tỷ USD (VinaCapital), song quỹ này cũng đã giải ngân hơn 70% lượng vốn huy động của mình. Đến thời điểm này chưa có tổ chức hay cơ quan quản lý nào có thể đưa ra số vốn hiện có của những cá nhân và tổ chức tham gia vào TTCK.

Để đáp ứng được nhu cầu vốn và kế hoạch đầu tư, một số quỹ đã tiến hành huy động vốn hay mở thêm quỹ mới. Quỹ đầu tư VF1 tăng vốn từ 500 tỷ lên 1.000 tỷ đồng trong tháng 5 vừa qua nhưng số tiền thu thực tế của riêng đợt phát hành này đạt 1.500 tỷ đồng.  Trong tháng 6, VinaCapital dự kiến huy động từ 200 đến 300 triệu USD cho quỹ thứ 4 để đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Việt Nam nhưng đến thời điểm đóng quỹ đã có 780 triệu USD được đăng ký góp.

Trước những động thái chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư dài hơi của nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước có những biểu hiện đang đuối vốn. Kể từ đầu năm đến nay, có 40 cuộc đấu giá CP được thực hiện, nhưng gần đây tình trạng bỏ cọc hay phải đấu lần 2 xảy ra khá phổ biến. Giá trúng của nhiều CP chỉ nhỉnh hơn giá khởi điểm rất ít, những nhà đầu tư dài hạn cũng khó lòng theo được những cuộc IPO lớn tới đây do trước đó họ đã vay vốn ngân hàng để đầu tư vào những cuộc đấu giá lớn nhưng nay “kẹt” Chỉ thị 03 của NHNN, họ đành bó tay, không thể vay tiếp.

Trong tình hình này nếu không khơi được nguồn vốn đầu tư trong nước cho lĩnh vực CK, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn sẽ bị  ảnh hưởng là điều chắc chắn xảy ra: Cầu không theo được cung nên khó lòng có thặng dư vốn lớn khi IPO. Viễn cảnh thua ngay trên sân nhà của nhà đầu tư trong nước là hiển hiện nếu không có sự cân nhắc kỹ về chính sách từ Chính phủ và các ngành hữu quan.

SGGP

Các tin tức khác

>   Cổ phần hóa thêm 3 công ty trong ngành xi măng (27/06/2007)

>   Cổ phần PVI có giá nhất 127.000 đồng  (27/06/2007)

>   Nhiều doanh nghiệp chậm cổ phần hóa (27/06/2007)

>   Bãi bỏ quỹ bù giá khí đối với đạm Phú Mỹ (27/06/2007)

>   Ampharco khánh thành nhà máy bào chế dược phẩm (27/06/2007)

>   Thông báo bán tiếp cổ phần CTCP Giày An Lạc (26/06/2007)

>   Khó đấu giá lại cổ phiếu Bảo Việt (26/06/2007)

>   Sẽ cổ phần hoá Tổng Cty Hoá chất Việt Nam (26/06/2007)

>   ''Quyền mua'' CP Bệnh viện Bình Dân: Ai được, ai mất? (26/06/2007)

>   Sẽ họp liên ngành bàn về công ty cổ phần mua bán điện (26/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật