Thứ Bảy, 09/06/2007 06:44

Khi nhà nông ngắm nghía sàn chứng khoán

Khá nhiều nông dân ở ĐBSCL thắng lớn nhờ nuôi cá tra cũng mong muốn sẽ thành công trong lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, bước đi của họ khá thận trọng...

Sau mùa trúng giá cá tra, nhiều nông dân có bạc tỉ trong tay đều muốn thử một lần với chứng khoán nhưng còn... sợ vì cho rằng mình chưa hiểu biết nhiều, hơn nữa Internet vùng quê “chạy như rùa”...

“Khuyến nông chứng khoán”

Ông Đinh Phước Hưng - nông dân ở Thốt Nốt (Cần Thơ) - “rất muốn chơi chứng khoán nhưng lại không biết cách chơi”. Ông đang bán cá, tiền thu được sẽ mở rộng ao nuôi và nếu có ai tư vấn hiệu quả sẽ đầu tư vào… chứng khoán. Ông Hưng nói: “Tôi nghe chứng khoán từ lâu rồi, ham lắm, nhưng lại mù tịt vì chưa có điều kiện tìm hiểu! Trong vùng này có nhiều đại gia cá tra đã chơi chứng khoán lời to nên thường xuyên đưa gia đình đi nước ngoài”. Ông bộc bạch: chỉ mong có một tổ chức hoặc cá nhân nào đó đầu tư một sân chơi như ở Sài Gòn để “nông dân cá tra” có cơ hội tìm tòi học hỏi. Ông Hưng cho biết sẵn sàng bỏ tiền để rước thầy về học chứng khoán, kể cả đến Sài Gòn để tận mắt chứng kiến và được tập dượt với các nhà đầu tư khác.

Đến các quán cà phê của “hội nuôi cá” ở Thốt Nốt, rất nhiều nông dân cho biết họ muốn chơi chứng khoán một cách an toàn nhưng do ở quê thiếu thông tin nên phải chấp nhận đứng ngoài cuộc. Thế nhưng, cầu nối nông dân với thị trường chứng khoán đang hình thành. Một lãnh đạo ngân hàng ở huyện Thốt Nốt cho biết nguồn tiền nhàn rỗi của nông dân gửi tại ngân hàng lên đến cả trăm tỉ đồng.

Ở vùng nuôi 500ha ao cá tra hiệu quả này nên có đại lý giao dịch chứng khoán, có các nhà tư vấn, môi giới để cùng tham gia với nông dân. Giúp nông dân chơi chứng khoán như cách làm dịch vụ khuyến nông, khuyến ngư để hướng dòng vốn nhàn rỗi của nông dân vào thị trường chứng khoán.

Thêm nhiều nông dân lên sàn

Từ năm 2000, sau khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) đã niêm yết cổ phiếu tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM, qua đó nhiều nông dân cũng đã biết đến sàn giao dịch chứng khoán. Theo bà Phan Thị Lượm, phó tổng giám đốc công ty, nhiều nông dân là đối tác của công ty được mua cổ phiếu ưu đãi và đã tiếp cận với thị trường chứng khoán. Ông Ba Thọ, ông Nhàn, Ba Đá... là những “nông dân cá tra” đầu tiên biết chơi chứng khoán ở ĐBSCL.

Chưa kể, một số nông dân khác cũng đang chịu khó học hỏi và trở thành nhà đầu tư tài chính dày dạn kinh nghiệm. Cô Trang, con gái ông Ba Thọ, cho biết cha cô đã đón trước thời cơ đầu tư cho ba người con đi du học nước ngoài để hoạt động đầu tư tài chính sau này. Một cán bộ trong ngành ngân hàng cho biết trước tết ông Ba Thọ đã đầu tư tiền tỉ vào một ngân hàng... Cũng theo bà Phan Thị Lượm, phó tổng giám đốc Công ty Agifish, đến nay chưa thấy nông dân nuôi cá tra bị phá sản vì chứng khoán.

Trong khi đó, giá cổ phiếu của Agifish ở mức khá cao được xem là động lực để kéo người nông dân ở vùng ĐBSCL đến với chứng khoán. Không ít nông dân đã “dồn phiếu” vào các công ty chế biến nông thủy sản xuất khẩu trong vùng khi các công ty này được cổ phần hóa và chuẩn bị lên sàn. Giám đốc phụ trách tài chính Công ty Navico (Nam Việt) cho hay công ty sắp lên sàn chứng khoán, nông dân nuôi cá tra ở khu vực ĐBSCL sẽ là người hiểu rõ nhất về công ty khi quyết định đầu tư. Từ kinh nghiệm của những người chơi chứng khoán, nhiều nông dân đã biết cách phân tán rủi ro, đầu tư cổ phiếu vào nhiều doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. 

ĐBSCL: nở rộ lớp học về chứng khoán

Trong sáu tháng qua nông dân sản xuất lúa, cá miền Tây Nam bộ đều trúng giá trong khi các nhà đầu tư chứng khoán trong vùng cũng thắng. Đây chính là động lực hấp dẫn hút nông dân lên sàn nhiều hơn. Tại các đại lý giao dịch chứng khoán thuộc Ngân hàng Ngoại thương VN, Ngân hàng An Bình, Ngân hàng Công thương ở Cần Thơ, số nhà đầu tư đến giao dịch ngày một đông.

Số khách hàng mở tài khoản đã lên trên 800 người. Bà Phạm Hoàng Thúy, giám đốc chi nhánh Ngân hàng cổ phần thương mại An Bình, nói: “Ngân hàng đang mở các lớp học chứng khoán ngoài giờ cho khách hàng và sắp tới sẽ thành lập thêm phòng tư vấn, môi giới chứng khoán phục vụ khách hàng nông dân tiềm năng”.

Phong trào học chứng khoán đang nở rộ về các tỉnh An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang với mức phí 500.000 - 600.000 đồng/người. Các công ty cổ phần cũng thành lập tổ giao dịch thông tin tư vấn chứng khoán với hi vọng sẽ có nhiều hơn nhà đầu tư là nông dân gắn bó với công ty.

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện của Công ty Vinacapital Investment Management Ltd (08/06/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện của Công ty PXP Vietnam Asset Management Limited (08/06/2007)

>   Đầu tư vào TTCK Việt Nam: Cơ hội vẫn còn nhiều! (08/06/2007)

>   Cổ phiếu hàng đầu của VN có thể niêm yết tại London (08/06/2007)

>   Phương án mới của VIPCO: Cổ đông nhỏ vẫn bị ép (08/06/2007)

>   ''Một vốn bốn lời'' (08/06/2007)

>   Ban hành Quy chế thành lập và quản lý quỹ ĐTCK (08/06/2007)

>   5 trường đại học được đào tạo chứng khoán (08/06/2007)

>   Thống kê về nhà đầu tư nước ngoài: Nên "mở" công khai (08/06/2007)

>   Để tiến ra thị trường chứng khoán quốc tế: Cần hệ thống quản trị công ty tốt và minh bạch (08/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật