Thứ Sáu, 08/06/2007 15:14

''Một vốn bốn lời''

Câu chúc Tết thời xưa, một vốn bốn lời, tới năm 2007 này, đã không còn là lời chúc mà thành hiện thực, ít ra là với các công ty chứng khoán. Theo thông tin báo chí, chưa được xác nhận bởi kiểm toán độc lập, lợi nhuận quí 1-2007 của một số công ty chứng khoán đạt xấp xỉ vốn điều lệ. Vậy là một quí đã một vốn một lời. Bốn quí bốn lời là rõ! Số liệu trên nếu chưa đúng về định lượng thì cũng đúng về định tính: năm nay các công ty chứng khoán hái ra tiền. Chả trách người ta đua nhau lập công ty chứng khoán. Số đang hoạt động đã lên tới trên 50. Số hồ sơ đăng ký thành lập cũng khoảng ngần ấy nữa.

Lãi ấy lấy từ đâu? Các công ty chứng khoán cung ứng dịch vụ tư vấn, môi giới, lưu ký, thanh toán, bảo lãnh, đại lý... cho các nhà phát hành và các nhà đầu tư, tức là có tham gia tạo ra giá trị mới. Đó là nguồn lãi của họ. Là dịch vụ cao cấp, đương nhiên lãi phải nhiều. Song nếu chỉ có lãi dịch vụ, dù cao cấp, vẫn chưa đủ để lý giải mức “một vốn bốn lời”.  

Có người giải thích rằng họ còn có mảng tự doanh, tức là những hoạt động buôn chứng khoán. Có lý. Hiện nay nhiều cá nhân chơi chứng khoán chỉ mua bán bắt chước số đông mà đã “trúng”, vậy có gì là lạ khi các công ty chứng khoán lãi nhiều. Là nhà tư vấn, nhà môi giới, các công ty chứng khoán nếu cũng buôn chứng khoán thì họ là những nhà buôn có ưu thế vượt trội: trường vốn, và quan trọng hơn, có khả năng nắm bắt và phân tích thông tin, dự đoán diễn biến thị trường, kịp thời quyết định thời cơ mua bán có lợi . Đó là chưa kể tới khả năng lợi dụng những ưu thế nêu trên để trục lợi.

Lãi từ buôn chứng khoán có nguồn từ đâu? Lý giải điều này cần bắt đầu từ sự phân biệt đầu tư với sản xuất kinh doanh, trong đó thị trường chứng khoán thuộc về lĩnh vực đầu tư. Mua chứng khoán là đầu tư vốn cho công ty phát hành, bán chứng khoán đã mua là giải tư, chủ yếu nhằm chuyển hướng đầu tư. Với nghĩa rộng, đầu tư gồm cả giải tư. Đầu tư khác sản xuất kinh doanh ít ra ở hai điểm: (1) Đầu tư phải diễn ra trước sản xuất kinh doanh để tạo phương tiện vật chất cho sản xuất kinh doanh. Không có đầu tư thì sản xuất kinh doanh không thể diễn ra. (2) Bản thân hoạt động đầu tư lại không tạo ra thêm giá trị mới như sản xuất kinh doanh. Vậy cái gọi là lãi trong buôn chứng khoán không có nguồn là giá trị mới tăng thêm như trong sản xuất kinh doanh. Thế nhưng những người buôn chứng khoán vẫn có lãi, mà lãi nhiều. Lấy đâu ra? Cần thấy rằng khi lãi đã nằm trong tay những người buôn chứng khoán thì đó là những số tiền đã bỏ vào két sắt, là những giá trị có thật. Nếu những giá trị đó không phải là giá trị mới được tạo ra thì nó phải là những giá trị “cũ”, đã được tạo ra trong quá khứ, đã được tích lũy thành tài sản (vốn) của các doanh nghiệp, các cá nhân. Cho nên trong mua bán chứng khoán, nếu có người lãi thì phải có người lỗ, có người lợi thì phải có người thiệt. Nói khác đi, ở đấy có sự  phân chia lại tài sản giữa những người mua bán chứng khoán.

Có nghĩa là trên quy mô toàn xã hội không thể có giá trị tăng thêm (lãi) nhờ có mua bán chứng khoán.

Thế nhưng trong thực tế vẫn có những người buôn chứng khoán đã lãi, đã giàu lên thật sự. Vậy thì trong mua bán chứng khoán phải có những người luôn bị thiệt, bị lỗ vì phải bán chứng khoán theo giá rẻ. Trên thị trường có những người như thế. Trong điều kiện thông thường, trước hết đó là những nhà phát hành, khi họ áp dụng giá khuyến mãi thấp hơn giá trị thật để có thể huy động vốn trong một thời hạn mong muốn. Tiếp đến là những người muốn giải tư. Họ có thể bán chứng khoán của mình với giá rẻ do kỳ vọng vào những mối lợi từ hướng đầu tư sắp tới hơn là những thua thiệt trước mắt. Rồi đến các doanh nghiệp phá sản. Trong những trường hợp này, hiện tượng chênh lệch giá luôn xuất hiện, nhưng nói chung đều có mức độ chấp nhận được. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay, và cả ở một số nước, lại có những trường hợp đặc biệt đáng lưu ý : cố ý hay vô tình định giá cổ phần thấp để trục lợi trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong những trường hợp này mức độ chênh lệch giữa giá bán với giá trị thật có thể rất lớn, rất khó lường. Chênh lệch thậm chí xuất hiện ngay cả khi bản thân chứng khoán chưa xuất hiện ! Song cũng cần  thấy rằng đó chỉ là hiện tượng nhất thời. Cơ chế thị trường tự nó có khả năng thu hẹp mức độ chênh lệch này tới mức xã hội chấp nhận được. Giá chứng khoán thông tin hàng ngày trên báo chí cho thấy rõ điều này. Tuy có cùng mệnh giá 10.000 đồng, nhưng hệ số giá thị trường so với mệnh giá từng loại chứng khoán hiện đã cách biệt nhau khá xa, có loại chỉ gấp vài lần, có loại tới vài chục lần. Hệ số này càng cao thì giá trị thật của nó càng lớn. Có nghĩa là giá bán trước đây càng rẻ.

Những điều nêu trên cho thấy các nhà buôn chứng khoán sở dĩ có thể thu được nhiều lãi là nhờ nắm bắt được những cơ hội kiếm chênh lệch giá nêu trên. Đó là hoạt động đầu cơ cần thiết, tạo thuận lợi cho nhà phát hành và các nhà đầu tư, giúp tăng thêm tính thanh khoản cho các loại chứng khoán. Phân tích lý thuyết như trên tuy sơ lược nhưng đủ để thấy hai điều : (1) Lãi thu được từ buôn chứng khoán càng nhiều, có nghĩa là mức chênh lệch giữa giá thị trường và giá trị thật càng lớn. Nguồn gốc của số lãi này không phải là giá trị gia tăng, mà do phân phối lại tài sản (vốn) giữa các chủ thể kinh tế. Cho nên không có gì đáng lạc quan trước những con số này. Đó không phải là kết quả tăng trưởng kinh tế. (2) Nhưng cũng chớ quá hốt hoảng. Cần thấy đó chỉ là hiện tượng nhất thời trong một nền kinh tế đang chuyển đổi, thành tựu lớn, nhưng khuyết điểm, kể cả lạm dụng, không ít. Còn thị trường chứng khoán, gần đây tuy có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực, nhưng dù sao vẫn chưa thể nói là đã định hình. Mọi chuyện còn đang trong quá trình biến chuyển và phải có thời gian mới đi vào đúng quỹ đạo vốn có của nó. Cho nên cần chăm chú theo dõi, nhưng biết kiên nhẫn chờ đợi. Không nên lấy những hiện tượng không bình thường nhất thời hiện nay làm căn cứ để khiên cưỡng định ra các biện pháp can thiệp duy ý chí do không hiểu hết quy luật phát triển của sự vật và vì vậy có thể tác động xấu tới thị trường chứng khoán và tăng trưởng kinh tế. 

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Ban hành Quy chế thành lập và quản lý quỹ ĐTCK (08/06/2007)

>   5 trường đại học được đào tạo chứng khoán (08/06/2007)

>   Thống kê về nhà đầu tư nước ngoài: Nên "mở" công khai (08/06/2007)

>   Để tiến ra thị trường chứng khoán quốc tế: Cần hệ thống quản trị công ty tốt và minh bạch (08/06/2007)

>   HBD: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (07/06/2007)

>   Kết quả SXKD 5 tháng đầu năm 2007 của ABT (07/06/2007)

>   SJ1: TB ngày đăng ký cuối cùng cho việc trả cổ tức đợt 2 năm 2006 (07/06/2007)

>   PVD: TB ngày đăng ký cuối cùng phát hành thêm cổ phiếu (07/06/2007)

>   FPC Nhận giấy chứng nhận phát hành cổ phiếu (07/06/2007)

>   SAM Thông tin về việc rút khỏi thành viên HĐQT và thành viên BKS (07/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật