Kết quả bước đầu CPH 4 ngân hàng thương mại Nhà nước
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2007, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng Công thương Việt Nam (ICB), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) phải hoàn thành việc cổ phần hoá.
Tiến sỹ Phạm Huy Hùng, Tổng giám đốc ICB cho biết: Lộ trình triển khai cổ phần hoá của ICB diễn ra đúng kế hoạch. Ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hoá trong tháng 1 năm nay, lãnh đạo ICB đã khẩn trương xây dựng kế hoạch cổ phần hoá, dự thảo hồ sơ mời thầu các nhà tư vấn quốc tế đăng ký tham gia làm tư vấn cho ngân hàng. Trên cơ sở có 15 nhà tư vấn, ICB đã lựa chọn 7 nhà tư vấn đưa vào tổ chức đấu thầu. Đây là những đơn vị có đủ hồ sơ đề xuất kỹ thuật và đáp ứng đầy đủ điều kiện tham dự thầu.
Đầu tháng 5, ICB đã tổ chức lễ mở thầu chọn nhà tư vấn cổ phần hoá. ICB sẽ hoàn thành việc chấm thầu, thương thảo hợp đồng và lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hoá vào cuối quý 2 này. Việc mời nhà tư vấn cổ phần hoá là bước đi quan trọng đầu tiên nhằm hỗ trợ ICB nói riêng và các ngân hàng thương mại nhà nước nói chung trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án cổ phần hoá, phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) trong nước và quốc tế. Đặc biệt, nhà tư vấn giúp ngân hàng lựa chọn đối tác chiến lược, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh để ngân hàng trở thành một tập đoàn tài chính mạnh.
Cũng như ICB, vào cuối tháng 5, MHB cũng đã tổ chức mở thầu tư vấn cổ phần hoá. Trước đó, VCB đã tổ chức mở thầu và chọn nhà tư vấn tài chính là Ngân hàng Thuỵ Điển (Credit Suisse).
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc triển khai thực hiện tiến trình cổ phần hoá 4 ngân hàng thương mại Nhà nước triển khai trong năm nay thuận lợi vì Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị với Chính phủ sửa đổi Nghị định 187 về cổ phần hoá thực hiện với các ngân hàng thương mại nhà nước.
Trong đó có việc kiểm kê lại toàn bộ tài sản ngân hàng và đánh giá về giá trị tài sản của ngân hàng để cổ phần hoá. Ông Lê Xuân Nghĩa giải thích: “Kiểm kê gắn với xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản theo Nghị định 187 khó khăn nên Chính phủ cho phép xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp chiết khấu đồng tiền tương lai, xác định dựa vào hiệu quả kinh doanh của ngân hàng…”.
Một nội dung sửa đổi khác của Nghị định 187 cho phép ngân hàng thương mại lựa chọn cổ đông chiến lược là tập đoàn tài chính quốc tế, hoặc ngân hàng thương mại nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ ban hành Nghị định 69 ngày 20/4/2007 cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu của ngân hàng thương mại Việt Nam, trong đó với các nhà đầu tư chiến lược được phép mua cổ phiếu không vượt quá 15% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại. Đây là cơ sở để các ngân hàng thương mại sau cổ phần hoá phải thay đổi cách thức quản lý, hoạt động minh bạch hơn, bởi có sự giám sát của các nhà đầu tư chiến lược là cổ đông của ngân hàng.
Đồng thời, các cổ đông chiến lược sẽ hỗ trợ ngân hàng về công nghệ thanh toán, dịch vụ ngân hàng… Theo kế hoạch, VCB sẽ được phê duyệt phương án cổ phần hoá vào đầu tháng 6 và sẽ bán cổ phiếu ra công chúng vào đầu tháng 8. ICB sẽ tổ chức phát hành cổ phiếu ra công chúng vào tháng 10 tới. MHB và BIDV cũng sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng trong quý 4/2007.
Sau cổ phần hoá, mục tiêu của VCB là xây dựng thành một tập đoàn tài chính đa năng, hoạt động không chỉ ở thị trường Việt Nam mà còn vươn ra thị trường quốc tế lớn như Mỹ, Singapore, Hồng Kông, London (Anh), nhưng thách thức lớn nhất là vấn đề quản trị doanh nghiệp của ngân hàng phải theo phương thức tiên tiến, hiện đại, phải có nguồn nhân lực tốt. Về vấn đề này, Thạc sỹ Nguyễn Thu Hà, Phó Tổng giám đốc VCB đề nghị, về cơ chế chính sách với cán bộ, công nhân viên cần có cơ chế tốt để gắn bó quyền lợi của người lao động. Cơ chế quản lý ngân hàng cần thay đổi theo mô hình quản lý của một doanh nghiệp cổ phần…
Là một trong 4 ngân hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam có khối lượng tài sản 147.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 18%, lợi nhuận năm 2006 đạt 780 tỷ đồng, nợ xấu dưới 1,38% tổng dư nợ, ICB có 138 chi nhánh, trên 700 phòng giao dịch tại các Trung tâm công nghiệp, thương mại của các tỉnh và thành phố lớn trên toàn quốc. Với ICB, cùng với tiến trình cổ phần hoá sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đưa hệ thống của ngân hàng phát triển, hội nhập. Tiến sỹ Phạm Huy Hùng, Tổng giám đốc ICB cho rằng, thực hiện hiện đại hoá là khâu then chốt để tiếp tục đưa chất lượng, năng lực cạnh tranh của ICB ở trong nước và quốc tế…
Sau cổ phần hoá 4 ngân hàng thương mại nhà nước, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này sẽ tăng lên rất nhiều và khả năng huy động vốn từ các nguồn nhân lực trong nước và ngoài nước sẽ không ngừng tăng. Đây là giải pháp tốt nhất nhằm tận dụng tối đa mọi nguồn lực cả trong nước và nước ngoài để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.
Hanoinet
|