Thị trường có đủ sức tiếp nhận những đợt IPO lớn?
Với đợt suy thoái của thị trường chứng khoán trong thời gian qua khiến nhiều người lo ngại rằng, thời điểm sắp tới vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tiếp nhận một lượng cung khổng lồ từ nhiều đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) liên tiếp, lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng - lượng tài sản cực lớn của hàng trăm doanh nghiệp, trong đó nhiều nhất là BĐS và ngân hàng – những lĩnh vực “hot” nhất…
Đã có không ít chuyên gia kêu gọi một sự thận trọng, thậm chí là trì hoãn những đợt IPO sắp tới, cho đến “một thời điểm thích hợp hơn”.
“Thận trọng là cần thiết nhưng trì hoãn thì không nên. Cũng đừng nhìn vào các đợt phát hành vừa rồi của Đạm Phú Mỹ hay Bảo Việt mà lo ngại. Hơn nữa, cổ phiếu Đạm Phú Mỹ bây giờ chẳng khiến nhiều nhà đầu tư tiếc hùi hụi đấy thôi!... Trong những đợt phát hành mới tới đây, chắc chắn thị trường sẽ lại nóng hoặc cũng gần như vậy so với các đợt phát hành trước đây”. Đó là nhận định về việc nhiều doanh nghiệp lớn cùng phát hành IPO trong thời gia sắp tới của ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Vincom, đơn vị sẽ phát hành IPO vào ngày 3.7 tới đây.
Lo ngại về sự quá tải của TTCK khi cùng lúc đón nhận một lượng cung lớn, không phải là không có căn cứ. Tuy nhiên, liệu chúng ta đã đánh giá hết tiềm lực của các nhà đầu tư. Sự bùng phát mạnh mẽ của TTCK năm 2006 vừa qua chính là minh chứng cho một “nội lực tiềm ẩn” về khả năng tài chính của các nhà đầu tư.
Về vấn đề này, TS Phan Minh Ngọc, một chuyên gia cao cấp về CK có ý kiến là: Tại sao chúng ta không nghĩ rằng việc tung ra một đợt IPO của những doanh nghiệp có chất lượng sẽ thu hút sự quan tâm và bỏ vốn đầu tư của rất nhiều nhà đầu tư (đã hoặc chưa bao giờ đầu tư) trong nước và đặc biệt là ngoài nước? Kết quả rất có thể sẽ là cầu sẽ tăng mạnh ngang ngửa hoặc thậm chí mạnh hơn cung và do đó giá cả hay thu nhập từ việc phát hành như vậy sẽ không giảm sút, nếu không muốn nói là tăng. Hơn nữa, việc này còn tạo thêm một hiệu ứng tích cực là nó giúp cho nhà đầu tư có nhiều lựa chọn và tạo điều kiện cho họ cơ cấu lại danh mục đầu tư, làm rớt giá những loại cổ phiếu của các công ty hoạt động kém hiệu quả nhưng may mắn ăn theo nhờ cơn sốt bong bóng chứng khoán vừa qua, đặt các công ty đã niêm yết trên thị trường trước một lựa chọn duy nhất là phấn đấu làm ăn thật hiệu quả hay là "chết".
Ngoài ra, nếu đợi đến một thời điểm được coi là thích hợp mới tiến hành IPO thì có lẽ chẳng bao giờ tiến hành IPO được vì những thời điểm này diễn ra thường chỉ trong thời gian tính bằng tháng, bằng tuần (quan trọng hơn, không thể dự đoán được xảy ra vào lúc nào và kéo dài bao lâu) mà việc chuẩn bị và tiến hành IPO thì không phải cứ muốn hôm nay thì ngay mai sẽ làm xong… Lời khuyên cho các nhà đầu tư là phải tránh bị yếu tố tâm lý chi phối đến những tính toán tỉnh táo của mình.
Trong đợt phát hành IPO tới, nhà đầu tư cần tránh tâm lý ăn thua đủ như là việc rút kinh nghiệm của sự chậm chân, thờ ơ trong lần đấu giá Đạm Phú Mỹ hay Bảo Việt lần trước, để rồi sẵn sàng bỏ giá bằng mọi giá nhằm mua được cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan….
Việc phát hành cổ phiếu của Đạm Phú Mỹ hay Bảo Việt là những phát súng hiệu mở màn cho đợt “trình diễn” IPO của các doanh nghiệp “ông lớn”, tuy kết quả đấu giá cổ phiếu không được như các doanh nghiệp này mong muốn nhưng theo phân tích của chính các doanh nghiêp đang “nằm trong chăn” (có kế hoạch phát hành IPO đợt này) thì đó không phải là dấu hiệu bi quan vì đó chỉ là hiệu ứng tâm lý băn khoăn nhất thời của nhà đầu tư trong tình trạng thị trường trầm lắng chứ không phải do thị trường không đủ năng lực tài chính như một số người lo ngại. “Tất cả các công ty lớn khi IPO đều phải qua tư vấn định giá với chi phí khá cao, có thể lên đến hàng triệu USD. Nhà tư vấn có trách nhiệm đưa ra một mức giá cổ phiếu có thể mua bán được. Thường thì nhà tư vấn đưa ra mức giá chỉ chênh lệch khoảng 20-30% so với giá thực. Trên thế giới việc chênh lệch hơn tỷ lệ này rất hiếm. Do đó, sớm muộn gì thì các cổ phiế này sẽ trở về với giá trị đích thực của nó.” –
Tổng giám đốc Vietcombank Vũ Viết Ngoạn khẳng định: Sau khi được Chính phủ phê duyệt, trong tháng 7 hoặc chậm nhất là cuối tháng 8, ngân hàng này sẽ chào bán cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng, và dự kiến lên sàn ngay cuối tháng 10. Tiếp đến, mục tiêu của Vietcombank là trong 2008 sẽ tiến hành IPO và niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài, có thể là Hong Kong hoặc Singapore… Vincom đã chuẩn bị chu đáo cho đợt IPO vào ngày 3.7 tới. “Với chiến lược phát triển bền vững: kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, trong đó lấy kinh doanh bất động sản cao cấp làm nền tảng chính; cộng với tình trạng tài chính rất tốt (các nguồn vốn dồi dào, không có nợ tại thời điểm hiện tại…); với những dự án lớn chuẩn bị xây dựng… chắc chắn trong tương lai sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho các cổ đông, nhà đầu tư. Và do vậy, chúng tôi tin tưởng giá trị cổ phiếu của Vincom sẽ được đánh giá cao và ở đúng giá trị thực của nó.”, ông Hiệp nói.
Nhiều chuyên gia đều nhận định thị trường chứng khoán những tháng cuối năm 2007 sẽ phát triển tốt theo hướng ổn định hơn, do kinh tế vĩ mô thuận lợi và thị trường có thêm nhiều hàng mới có chất lượng, nhà đầu tư cũng dày dạn kinh nghiệm hơn. Đồng thời, ngày càng xuất hiện nhiều những nhà đầu tư chứng khoán xác định chơi lâu dài chứ không phải theo kiểu đánh bạc. Khảo sát cho thấy, rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang “ủ” một lượng tiền lớn để chuẩn bị cho việc “mua hàng chất lượng cao” trong đợt IPO này. “Không phải quá mạo hiểm. Có những quỹ đầu tư nước ngoài thận trọng tới mức 3 năm mới giải ngân hết, song hiện nay họ đang quay sang đầu tư mạnh cổ phiếu VN. Điều này chứng tỏ sự khả quan của TTCK Việt Nam… Nếu nắm bắt và đánh ía đúng giá trị của từng cổ phiếu, đợt IPO này sẽ là cơ hội tốt để đầu tư”, một chuyên gia theo dõi sát sao hoạt động chuẩn bị IPO những ngày này phân tích.
ĐTCK
|