Chủ Nhật, 10/06/2007 20:39

Ngân hàng Thế giới: Xung đột về quyền lợi sẽ dẫn tới giá điện cao hơn

Đại diện của WB tại Việt Nam vừa gửi một bức thư đến Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính bày tỏ quan điểm về đề án thành lập Công ty cổ phần mua bán điện do Tập đoàn điện lực VN (EVN) đưa ra.

Trong thư, ông Martin Rama với tư cách là quyền Giám đốc WB tại VN, đã bày tỏ những quan ngại của WB về việc thành lập một Đơn vị mua buôn duy nhất cho ngành điện theo mô hình công ty cổ phần hoạt động vì mục đích lợi nhuận và ông cho rằng đó là điều không nên.

Lý do thứ nhất là điều này tạo một sự xung đột lớn về quyền lợi. Các công ty này sẽ có quyền lợi qua việc bán điện do sở hữu nguồn điện và cả khi mua điện do việc sở hữu Đơn vị mua buôn duy nhất. Hậu quả thứ nhất là làm nản lòng những ai muốn đầu tư mới cho nguồn điện ở VN, vì các nhà đầu tư này cho rằng "Đơn vị mua buôn" duy nhất sẽ có những ưu đãi đặc biệt dành cho các nhà máy điện của chính các công ty sở hữu đơn vị này. Hậu quả thứ hai là một nhà máy phát điện hiện hành không do Đơn vị mua buôn duy nhất sở hữu có nguy cơ chịu rủi ro phân biệt đối xử. Hậu quả thứ ba là chủ sở hữu Đơn vị mua buôn duy nhất có thể thông đồng trong việc đấu thầu cung cấp nguồn điện mới, đặc biệt trong trường hợp các nhà đầu tư tiềm năng khác không tham gia đấu thầu. WB tin rằng hậu quả của việc xung đột về quyền lợi sẽ dẫn đến giá điện cho người tiêu dùng cao hơn, và làm thất bại công cuộc huy động nguồn vốn rất cần thiết cho ngành điện.

Theo đề án của Tập đoàn điện lực VN (EVN), Công ty cổ phần mua bán điện có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, trong đó EVN nắm 51% vốn điều lệ. Các cổ đông sáng lập khác gồm Tập đoàn dầu khí VN, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản VN, Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông, Tổng công ty lắp máy VN, Tổng công ty xi măng VN, Tổng công ty thép VN. Theo đề án của EVN, sau khi thành lập Công ty cổ phần mua bán điện, thay vì bán điện cho EVN như hiện nay, các nhà sản xuất sẽ bán điện cho Công ty cổ phần mua bán điện theo hợp đồng. Sau đó, doanh nghiệp này bán buôn điện cho các đơn vị phân phối, bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện lớn và xuất nhập khẩu điện năng...

Lý do thứ hai là việc đề xuất Đơn vị mua buôn duy nhất là một đơn vị hoạt động vì lợi nhuận, độc lập so với các dịch vụ khác như điều hành hệ thống và thị trường, các dịch vụ truyền tải. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến trùng lặp một vài chức năng như phối hợp điều độ, dẫn đến việc tăng chi phí. Trong khi đó, Đơn vị mua buôn duy nhất cần phải tìm biện pháp giảm thiểu chi phí. Hơn nữa, trong việc kiếm lợi nhuận cho chủ đầu tư, Đơn vị mua buôn duy nhất sẽ chuyển những chi phí phát sinh sang khách hàng và sẽ có những động cơ thúc đẩy để tăng tối đa lợi nhuận, có thể vượt quá mức 5% đã được đề xuất. Cuối cùng, một công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn khó có thể tạo tin cậy cho các nhà máy điện về khả năng chi trả, do đó các nhà máy sẽ tìm kiếm sự bảo lãnh từ phía Nhà nước, vì vậy chi phí lại càng tăng cao. Nếu xét tất cả những điểm nêu trên thì khả năng giảm giá điện cho khách hàng sẽ không trở thành hiện thực. Ông Martin Rama khẳng định: "Có thể biện hộ rằng, những khó khăn đó có thể giải quyết được bằng các quy định do Cục Điều tiết điện lực ban hành. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phương thức đó không thành công. Như chúng tôi được biết, trên thế giới, không có Đơn vị mua duy nhất nào được thiết lập như một đơn vị hoạt động vì lợi nhuận".

Trên thực tế, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình thiết lập thị trường điện đã nêu rõ: "Những nhà máy điện thuộc sở hữu của EVN sẽ được tách thành các nhà máy điện độc lập dưới dạng các công ty nhà nước hoặc công ty cổ phần". Ông Martin Rama kiến nghị nhập Đơn vị mua duy nhất với công ty truyền tải điện và đơn vị điều hành hệ thống và thị trường. Một đơn vị như vậy cần phải tách rời và không có quan hệ về mặt sở hữu với các nhà máy phát điện. "Theo chúng tôi, đây là một giải pháp thực tiễn để có thể tránh được những nguy cơ đã trình bày ở trên và đáp ứng được những yêu cầu của lộ trình" - ông Martin Rama nhận xét.

Hoàng Ly (ghi) - Thanh niên

Các tin tức khác

>   Truy tố kẻ lừa đảo 42 tỉ đồng từ mua trái phiếu, cổ phiếu (10/06/2007)

>   Acomfish xây dựng TT công nghiệp chế biến thủy sản tại Đồng Tháp (09/06/2007)

>   Vì sao nhà đầu tư bán lại cổ phiếu Bảo Việt với giá rẻ? (09/06/2007)

>   Báo bán đấu giá cổ phần lần 2 của Cty Thủy điện Thác Mơ (09/06/2007)

>   Hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng từ ngày 07/6 – 8/6/2007 (08/06/2007)

>   Về việc chuyển Tổng công ty Xây dựng đường thủy theo mô hình công ty mẹ-công ty con (08/06/2007)

>   Cty da giầy đầu tiên bán cổ phần: Hai năm liền lợi nhuận “âm” (08/06/2007)

>   Thời kỳ "đấu giá cho bằng được" đã qua? (08/06/2007)

>   CTCP Công nghệ sinh học dược phẩm ICA cổ phần hóa (08/06/2007)

>   Thêm 2 DN thuỷ sản chào bán CP ra công chúng (08/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật