Thứ Tư, 27/06/2007 12:00

Giấy phép kinh doanh “biến tướng”

Bản “Báo cáo rà soát đánh giá các quy định hiện hành về giấy phép kinh doanh” của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa được bổ sung với nội dung sâu hơn về thực trạng và các kiến nghị cải tiến các quy định về giấy phép kinh doanh.

Đây là một trong số các công cụ quản lý Nhà nước quan trọng nhưng đang bộc lộ, thậm chí gia tăng những khiếm khuyết cơ bản và tác động bất lợi đối với đổi mới và phát triển.

Hạn chế được đề cập trước tiên qua cuộc rà soát là hệ thống giấy phép hiện nay đang tồn tại với quá nhiều tên gọi khác nhau và được quy định phân tán trên nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Từ “giấy phép”, “giấy chứng nhận”, “đăng ký”, “chứng chỉ hành nghề”, “thẻ”, “phê duyệt”, “chứng chỉ”, “văn bản xác nhận”, “bản cam kết”, “biển hiệu”, “văn bản chấp thuận” và “bằng”...

Tản mạn về văn bản, khiếm khuyết về nội dung

Sự không rõ ràng về tên gọi này đã gây thêm khó khăn trong việc nhận dạng một số giấy phép kinh doanh và tạo khả năng “biến tướng” của không ít các loại giấy phép kinh doanh đã bị bãi bỏ.

Trong khi đó, nội dung quy định về từng loại giấy phép kinh doanh rất phân tán, trung bình mỗi giấy phép kinh doanh thường được quy định tại ba văn bản (gồm luật hoặc pháp lệnh và nghị định, thông tư, quyết định của các bộ, cơ quan ngang bộ, v.v...), thậm chí có giấy phép được quy định tại 10 văn bản pháp luật khác nhau.

Phần lớn các nội dung chủ yếu và quan trọng được áp dụng trong thực tế thường được quy định ở các thông tư, quyết định của các bộ. Như vậy, trên thực tế, các quy định về giấy phép kinh doanh là loại văn bản do “bộ làm” để thực hiện trong ngành do bộ thực hiện quản lý Nhà nước.

Vì vậy, nội dung của chúng không tránh khỏi thiên hướng tạo thuận lợi hay lấy thuận lợi về cho ngành mình, và đẩy khó khăn về cho người dân và doanh nghiệp. Trong khi trên thực tế, phổ biến là luật và pháp lệnh thường không quy định về giấy phép, hoặc quy định khá chung, không rõ ràng và hệ quả là có nhiều cách hiểu khác nhau. Do đó, các điều khoản đó có thể hướng dẫn thực hiện bằng cách đặt ra yêu cầu về giấy phép.

Hoặc văn bản “cấp trên” không đặt ra yêu cầu cụ thể về giấy phép, nhưng văn bản “cấp dưới” lại quy định đặt ra yêu cầu về giấy phép. Vì vậy, ở nhiều loại giấy phép kinh doanh hiện hành thường có mục đích không rõ ràng, thường lấy đối tượng quản lý làm mục đích quản lý; hoặc được quy định chung chung như một tuyên bố chính sách hơn là một quy phạm hay khái niệm pháp lý.

Bản rà soát cũng liệt kê hàng loạt những khiếm khuyết trong quy định về giấy phép kinh doanh như hay thiếu các nội dung tiêu chí hay điều kiện cấp, trình tự và thủ tục cấp, hiệu lực, hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện gia hạn giấy phép.

Trong trình tự cấp phép cũng ít quy định rõ về nơi, cách thức nộp hay nhận hồ sơ; nhất là các loại giấy phép mà bộ, ngành Trung ương là cơ quan có thẩm quyền cấp, thiếu thời hạn mà cơ quan nhận hồ sơ yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ trong trường hợp cần thiết.

Trong nhiều trường hợp, không có quy định về xác nhận việc đã nộp hay đã nhận hồ sơ; do đó, người xin phép không có căn cứ pháp lý để khởi kiện hay khiếu nại đối với trường hợp cơ quan có thẩm quyền vi phạm các quy định về thời hạn cấp phép.

Tạo nhiều bất lợi cho môi trường kinh doanh

Thực trạng những khiếm khuyết trên đây của hệ thống các quy định về giấy phép kinh doanh là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên nhiều bất lợi đối với doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành nghề đòi hỏi phải có giấy phép.

Từ đó, làm giảm tính hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh. Cụ thể là tình trạng khó và tốn kém trong việc xin phép. Điều này sẽ làm tăng đáng kể chi phí gia nhập vào thị trường kinh doanh các ngành, nghề đòi hỏi phải có giấy phép, và cả các chi phí kinh doanh nói chung đối với doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp không hiểu và biết được phải làm và làm thế nào để “đúng”, “đủ” và “phù hợp” với quy định của pháp luật. Do đó, không thể tiên liệu được là việc xin phép có thể đạt được kết quả như dự tính hay không. Điều đó trong nhiều trường hợp buộc họ phải “lách luật”.

Kinh doanh “lách luật” rõ ràng không bảo đảm được an toàn về pháp lý, và gặp nhiều bất trắc và rủi ro. Như vậy, những quy định về giấy phép kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, khó thực hiện và khó tiên liệu trước có thể đã buộc không ít doanh nghiệp phải “lách”.

Chính cách làm này đã làm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trở nên bất ổn và rủi ro cao. Hệ quả tiếp theo là sự không công bằng và bình đẳng về cơ hội kinh doanh.

Về phía cơ quan Nhà nước, hoạt động cấp phép kinh doanh cũng gây nên sự tốn kém về nhân lực và tài chính. Hai là, do quy định không rõ, không cụ thể và chưa hợp lý, nên các cơ quan, công chức trực tiếp cấp phép nhiều khi phải hỏi và căn cứ hoặc nhờ vào “ý kiến”của các cơ quan khác có liên quan để cấp phép. Hoặc có thể tự ý và túy ỳ giải thích và áp dụng các quy định pháp luật có liên quan theo ý chủ quan của mình. Thậm chí ở mức độ nhất định, còn có thể bị sử dụng thành công cụ trục lợi cá nhân của một số người có liên quan.

2 nhóm giải pháp khắc phục

Hiện tại, có 2 nhóm giải pháp đang được những nhà chuyên môn tập trung kiến nghị.

Nhóm thứ nhất gồm các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng của hệ thống các quy định hiện hành về giấy phép kinh doanh; và nhóm thứ 2 là những giải pháp (thể chế và bộ máy) nhằm duy trì tính bền vững của kết quả đã đạt được và đảm bảo những quy định ban hành sau này cũng phải có chất lượng tương ứng.

Yêu cầu bãi bỏ các loại giấy phép trái với quy định của Luật doanh nghiệp, những giấy phép không cần thiết được nhấn mạnh, kèm với việc thực hiện bổ sung, sửa đổi các quy định về những giấy phép còn lại. Tuy nhiên, việc bổ sung, sửa đổi này đòi hỏi phải xác định cụ thể và rõ ràng hoạt động kinh doanh được quản lý bằng giấy và phạm vi hiệu lực của giấy phép.

Mặt khác, khắc phục sự chưa thống nhất về nội dung giữa luật, hoặc pháp lệnh, nghị định và thông tư, quyết định của các bộ về giấy phép kinh doanh có liên quan, bỏ những điều kiện và hồ sơ không cần thiết; trùng lặp hoặc không tương thích với hồ sơ, điều kiện đã được quy định trong văn bản pháp quy.

Một yêu cầu nữa là cụ thể hoá, hợp lý hoá các điều kiện hay tiêu chí để cấp phép đối với tất cả các giấy phép kinh doanh, đảm bảo các điều kiện hay tiêu chí đó có thể lượng hoá được, được hiểu, giải thích và áp dụng thống nhất.

Về hồ sơ xin phép cũng yêu cầu cụ thể hoá về số lượng; chuẩn hoá về hình thức và nội dung của các giấy tờ hợp thành hồ sơ xin phép. Đồng thời, quy định theo hướng rút ngắn thời hạn cấp phép, xác định nhất quán thời hạn cấp phép được tính từ ngày nhận hồ sơ. Nên thực hiện phân cấp toàn diện cho uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức cấp giấy phép và giám sát thực thi sau khi cấp phép, bổ sung đầy đủ các nội dung cơ bản khác vẫn còn thiếu của quy định về từng loại phép kinh doanh, nhất là mục đích, trình tự thủ tục và cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của người xin phép liên quan đến việc cấp từng loại giấy phép.

Về nhóm giải pháp thứ hai, thì nên xem xét việc thành lập bộ phận hay đơn vị có đủ thẩm quyền và năng lực chuyên trách chịu trách nhiệm về cải cách thể chế để tiếp tục duy trì nỗ lực và thành công của cải cách hệ thống giấy phép, đồng thời, mở rộng cải cách sang các loại quy định khác về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp.

Về phương án của giải pháp này, đề nghị xem xét và tiếp tục áp dụng các kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong nội dung quản lý Nhà nước đối với giấy phép kinh doanh đã trình Thủ tướng Chính phủ trước đây.

VNE

Các tin tức khác

>   Triển lãm quốc tế thực phẩm và đồ uống tại Hà Nội (27/06/2007)

>   Kinh tế Đông Á sẽ tăng trưởng cao nhưng nhiều rủi ro (27/06/2007)

>   Doanh nghiệp nào không được phép đình công? (27/06/2007)

>   “Các nhà đầu tư Mỹ không nên bỏ lỡ thời cơ" (27/06/2007)

>   Foxconn muốn đầu tư gần 5 tỷ USD vào VN (27/06/2007)

>   Thêm một đoàn tàu du lịch chất lượng cao. (27/06/2007)

>   Nạn taxi cát cứ nhà ga, bến xe, bệnh viện (27/06/2007)

>   Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản thời hội nhập (27/06/2007)

>   Giá thép trong nước đã cạnh tranh được thép Trung Quốc (27/06/2007)

>   Tháng 8 sẽ quản lý thuê bao di động trả trước (27/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật