Nạn taxi cát cứ nhà ga, bến xe, bệnh viện
Tại Ga Sài Gòn, chúng tôi chứng kiến một gia đình đông người muốn đi taxi 7 chỗ trong khi dãy dài xe Mai Linh chờ sẵn chỉ còn xe 4 chỗ. Một nhóm tài xế taxi 7 chỗ của Vinasun đằng xa kia chỉ đứng vẫy tay rối rít, kêu gọi í ới, chứ không đưa xe vào chỗ gia đình đó, giống như đang có một ranh giới vô hình mà các tài xế này không thể bước qua.
Bà N.T.T xuống xe lúc 8 giờ 30, dự định đón taxi của hãng quen thuộc đối với bà là Saigon Sun nhưng tìm mãi không thấy. Cả Bến xe Miền Đông rộng lớn bà chỉ thấy xe của 2 hãng Miền Đông và Mai Linh. Hỏi nhân viên bến xe thì bà biết chỉ có 2 loại taxi này thường trực ở đây, các hãng khác khách phải gọi điện mới tới.
Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe Miền Đông xác nhận, bến xe chỉ có 2 loại taxi này được đậu bên trong sân. Các hãng khác đậu bên ngoài, chỉ được vào sân rước khách khi được yêu cầu. "Trước đây chỉ có HTX Rạng Đông (thương hiệu Taxi Miền Đông) độc quyền đậu trong sân. Khoảng một năm trở lại đây, chúng tôi đã ký hợp đồng với hãng Mai Linh. Mỗi công ty được đậu 2 chiếc/lần, cao điểm có thể đậu 4 chiếc", ông Thừa nói. Theo Ban giám đốc bến xe, hằng tháng HTX Rạng Đông trả cho bến xe 5 triệu đồng còn Mai Linh là 12 triệu đồng. Một số công ty taxi khác muốn vào ký hợp đồng để đưa taxi vào nhưng bến xe từ chối với lý do không còn bãi đậu. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đó không phải là lý do chính mà cái chính là công ty nào tham gia chạy các tuyến đường dài, có hợp đồng bến bãi với bến xe thì mới được "đặc cách" cho đậu taxi (như Rạng Đông chạy tuyến Bến xe Miền Đông -Vũng Tàu, Mai Linh chạy tuyến Đà Lạt...).
Tình trạng taxi "mua bãi" cũng diễn ra ở Ga Sài Gòn. Hai hãng taxi là Mai Linh và Vinasun là "trùm" tại đây, trong đó xe của hãng Mai Linh chiếm đa số. Nhà ga chính của Ga Sài Gòn có hai cửa, đa số khách đi ra bằng cửa bên hông, ở đây có một hàng dài taxi xanh Mai Linh chờ sẵn. Xe của Vinasun đậu ở cửa trước, muốn đón khách thì tài xế của hãng này chỉ có cách đứng từ xa vẫy, kêu chứ không được chạy xe vào. Người điều hành của hãng taxi Vinasun cho biết: "Chúng tôi chỉ có thể đậu ở ngoài này, hàng phía trong là của Mai Linh vì họ đã làm ở ga này lâu rồi, xe khác vào đậu đón khách là có bảo vệ ga đuổi ra. Công ty đã nhiều lần phản ánh với nhà ga nhưng cho đến giờ vẫn chưa thấy nhà ga trả lời". Trao đổi với phóng viên Thanh Niên chiều 26.6, ông Đỗ Quang Văn, Phó trưởng ga Sài Gòn cho biết: "Ngoài hai hãng taxi trên thì chúng tôi còn có lực lượng xe ôm, xe liên tỉnh và sắp tới sẽ có xe buýt đón khách trong sân ga. Cả hai hãng xe này đều phải có nghĩa vụ tài chính với ga nên chúng tôi cũng chẳng thiên vị cho ai. Việc sắp xếp chỗ đậu của từng hãng xe cũng nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho sân ga" (?).
Tại các bệnh viện, tình hình cũng tương tự. Ban giám đốc bệnh viện sau khi "chấm" một hãng taxi nào đó thì ký hợp đồng độc quyền cho taxi đó được ra vào rước khách, đồng thời được đậu một vài chiếc thường trực tại địa điểm dành sẵn. Chẳng hạn, Bệnh viện Từ Dũ cho Mai Linh độc quyền rước khách, Bệnh viện Gia Định ưu ái cho Gia Định Taxi... Việc "ưu ái" bắt tay này đã tạo một sân chơi không bình đẳng giữa các hãng taxi đồng thời tước mất quyền được lựa chọn dịch vụ taxi của khách hàng. Một số người buôn bán ở Bến xe Miền Đông cho biết, việc xích mích, va chạm thậm chí đánh nhau giữa các tài xế taxi để giành khách ở đây diễn ra thường xuyên. Ngay cả tài xế của 2 hãng "đặc cách" là Miền Đông và Mai Linh cũng từng xông vào choảng nhau. Các hãng taxi có "hợp đồng mua bãi" thường cậy thế chủ bãi để bắt nạt tài xế các hãng taxi khác.
Tiếp xúc với chúng tôi, lãnh đạo nhiều hãng taxi thừa nhận có tình trạng chia "lãnh địa" như một luật bất thành văn giữa các hãng taxi. Việc cát cứ này tùy thuộc vào mối quan hệ của hãng và đơn vị đang quản lý bến bãi công cộng; đồng thời cũng tùy thuộc vào khả năng tài chính của các hãng taxi trong việc chung chi cho các đơn vị này.
Rõ ràng, bằng lập luận kiểu "để đảm bảo trật tự, phục vụ hành khách, bệnh nhân tốt nhất...", những đơn vị quản lý các công trình công cộng như nhà ga, bến xe, bệnh viện công... đã thản nhiên xem công trình công cộng đó như tài sản riêng của mình để tự do ban phát cho hãng taxi này, hãng taxi nọ thu lợi trong khi trách nhiệm của họ là phải làm sao để công trình công cộng đó đem lại lợi ích tốt nhất cho người dân.
Ông Võ Ba, Giám đốc Future Taxi, đề nghị các đơn vị quản lý các bến taxi công cộng phải công bằng đối với tất cả các hãng. Khi khách có nhu cầu họ được chọn lựa hãng xe mình thích ở "văn phòng taxi mini", nơi các hãng taxi "niêm yết" hình ảnh, số phone... Khi nhân viên "văn phòng taxi" gọi thành công một chiếc taxi nào thì hãng taxi đó có nghĩa vụ nộp cho "văn phòng" một mức phí nào đó.
Thanhnien
|