Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản thời hội nhập
Nông nghiệp – thủy sản ngày càng bị ràng buộc bởi nhiều quy định khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Ngoài mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các quy định còn là rào cản kỹ thuật của các nước nhằm chống lại sự xâm nhập hàng hóa của quốc gia khác trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Định vị lại cây trồng chủ lực
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng (chuyên viên Bộ Nông nghiệp bang New South Wales, Australia), trong quá trình phát triển để hội nhập, nông nghiệp VN nói chung (bao gồm lâm và thủy sản), bộc lộ những lỗ hổng lớn trong dây chuyền sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, chất lượng và nhất là ATVSTP.
Trong khi đó, tay nghề của lực lượng sản xuất chiếm đa số là nông dân lại chưa ngang tầm với vị thế của một quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu. Hàm lượng chất xám tạo nên giá trị gia tăng trong sản phẩm làm ra chưa cao. Vì vậy, dù là quốc gia hàng đầu xuất khẩu nông sản, nhưng tính bền vững trong sản xuất chưa có, đang bộc lộ khiếm khuyết lớn từ giống, kỹ thuật, chăm sóc cho đến thu hoạch và sau thu hoạch. Điều quan trọng, đời sống và thu nhập của nông dân VN vẫn còn thấp, bấp bênh.
Việc tổ chức lại sản xuất là yêu cầu bức bách, không thể phát triển tự phát, hết cây con này đến cây con khác với điệp khúc “trồng, chặt”. Đến lúc phải tính toán lại lợi thế so sánh, lợi nhuận thật sự mang lại cho nông dân để định vị lại cây trồng chủ lực và có các bước đi phù hợp, không thể chạy theo số lượng mãi.
Trong sân chơi WTO, rau quả là mặt hàng giao dịch lớn nhất, với gần 103 tỷ USD, nhưng xuất khẩu rau quả VN những năm qua rất ì ạch, bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, chưa thể hiện đúng tiềm năng; trong khi lúa gạo, cà phê, cao su giao dịch nhỏ hơn rất nhiều, không quá 10 tỷ USD/ năm cho mỗi loại. Những mặt hàng nông sản khác như trà, điều nhân, hồ tiêu lại càng nhỏ hơn, khoảng 3 tỷ USD/ năm.
Nhìn lại cơ cấu, cây lúa vẫn còn “độc canh” với khoảng 7 triệu ha gieo trồng hàng năm (chiếm 74% diện tích đất nông nghiệp), trên 1 triệu ha cao su, trà, cà phê và 1,4 triệu ha trồng cây ăn trái, rau quả và hoa (chiếm 15% diện tích). Dù là cây cung cấp lương thực cho mọi người, nhưng giá trị lợi nhuận mang lại trên đơn vị diện tích lại kém nhất, nên nông dân trồng lúa có thu nhập thấp nhất.
Trong khi đó, mức đầu tư của Nhà nước về con người, công tác nghiên cứu, bảo dưỡng đất đai và kỹ năng lao động cho các loại cây khác kém xa cây lúa. Về mặt kinh tế và hiệu quả sử dụng đất, việc định vị cây trồng và quy hoạch sản xuất nông nghiệp như vậy chưa hợp lý.
Bảo vệ nông sản ngay trên sân nhà
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VASEP, cần tiếp cận, thúc đẩy chuyển đổi về chất toàn bộ hệ thống chuỗi giá trị nông-thủy sản theo hướng bền vững. Thay vì tiếp cận sản lượng, cần tiếp cận giá trị gia tăng. Quy hoạch và sản xuất tập trung là cần, nhưng cái tuyệt đối cần là các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung phải thi hành tốt các yêu cầu về chất lượng, ATVSTP.
Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar… bắt đầu chú ý vào cá tra, ba sa, VN chỉ có thể tiếp tục đứng vững nếu có chính sách đầu tư và nghiên cứu cơ bản về giống cá này, như Đài Loan (Trung Quốc) có hẳn một viện nghiên cứu cá rô phi, để giữ vững ngôi vị quốc gia dẫn đầu về nuôi và xuất khẩu loại cá này. Khi trở thành cường quốc xuất khẩu nông-lâm-thủy sản về lượng, đã đến lúc chúng ta cần chiếm lĩnh vị trí hàng đầu về chất, tăng hàm lượng chất xám trong giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập người nông dân.
Nhanh chóng xây dựng bộ quy trình VietGAP
Tiến sĩ Joseph Ekman (chuyên viên Bộ Nông nghiệp bang New South Wales - Australia) cho rằng, muốn gia nhập WTO thành công, có thể đi vào thị trường thế giới thì VN phải chứng tỏ khả năng cung cấp các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về ATVSTP theo tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practice - nông nghiệp an toàn).
Các nước trong WTO đều đặt ra những yêu cầu riêng về ATVSTP như EU có EureGAP, Australia có Fresh care… không chỉ đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng còn là rào cản kỹ thuật mà các nước sử dụng để hạn chế mặt hàng nhập khẩu nào đó. Vì vậy, bên cạnh việc “trông giỏ” để “bỏ thóc” nhằm định vị lại cây trồng chủ lực và đáp ứng cho được những yêu cầu kỹ thuật đặt ra của mỗi quốc gia nhập khẩu nông sản, VN cần tham khảo bộ AseanGAP (quy trình GAP chính thức của các nước thành viên Asean, vừa công bố đầu tháng 11-2006) và các yêu cầu của bộ EuroGAP để nhanh chóng xây dựng bộ quy trình VietGAP.
Từ đó có chương trình tập huấn tập trung cho bà con và xem đây là hình thức “trợ cấp” của Nhà nước giúp nông dân tham gia vào cuộc chơi WTO một cách hợp lệ, lúc đó mới nói đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu nông sản. Điều quan trọng không kém, bộ VietGAP cũng phải được sử dụng như là một “rào cản” bảo vệ nông sản trong nước, buộc hàng nông sản các nước nhập khẩu vào VN cũng phải đáp ứng những quy định này.
SGGP
|