Thứ Tư, 27/06/2007 09:53

“Các nhà đầu tư Mỹ không nên bỏ lỡ thời cơ"

Nội dung cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thưa ông, chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá là thành công tốt đẹp. Với tư cách là Chủ tịch VCCI, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Có thể nói kinh tế là nội dung quan trọng nhất của chuyến đi thăm Hoa Kỳ lần này của Chủ tịch nước và phái đoàn Việt Nam. Gần đây, chúng ta nói nhiều đến làn sóng đầu tư của các nền kinh tế thế giới vào Việt Nam hậu WTO.

Đó chính là dòng đầu tư của các “đại gia” từ các nước công nghệ cao trên thế giới mà với tiềm lực rất lớn về vốn và thị trường thì tôi tin là Mỹ sẽ vươn lên vị trí đứng hàng đầu trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam. Chuyến đi của Chủ tịch nước với đoàn doanh nhân đông đảo sang Hoa Kỳ lần này đã góp phần thúc đẩy làn sóng đầu tư đó.

Trong chương trình của chuyến đi, Chủ tịch nước và đoàn doanh nghiệp đã dành khá nhiều thời gian để gặp gỡ làm việc với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn của Hoa Kỳ. Và một loạt các hợp đồng, các thoả thuận kinh tế đã được ký kết. Các thoả thuận hợp đồng mà chúng ta đã đạt được tập trung trong lĩnh vực mà nền kinh tế của chúng ta đang cần là tài chính, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực.

Phải nói là bên cạnh nguồn đầu tư trực tiếp thì những đầu tư gián tiếp đạt được cũng là thành công của chuyến đi. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam và trở thành đối tác chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam. Có một số doanh nghiệp Việt Nam cũng chuẩn bị mua cổ phần của doanh nghiệp Mỹ.

Cùng với các hợp đồng đã ký, còn nhiều hợp đồng rất lớn trong lĩnh vực công nghệ cao cũng đang được cả hai phía đang chuẩn bị tích cực và tôi tin rằng trong thời gian sắp tới sẽ có các dự án lớn được triển khai.

Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được sau chuyến đi?

Trong chuyến đi lần này, ngày 21/6, hai bên đã ký được một Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA). Có thể nói đây là bước tiếp theo của Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) ký năm 2000 và là bước mở đầu của một hiệp định thương mại tự do.

Theo TIFA, hai bên sẽ thành lập một Hội đồng hợp tác song phương mà những người đứng đầu đã được nâng lên ở cấp Bộ trưởng để có những quyền hạn lớn hơn trong việc bàn những định hướng chính sách lớn, những sáng kiến hợp tác thúc đẩy quan hệ song phương cũng như giải quyết những vướng mắc trong quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại.

TIFA có thể coi là cột mốc quan trọng, bởi thế, ngay sau đó, nhiều văn bản hợp đồng mới đã được ký. Tổng số các dự án đầu tư và thương mại đã được ký ước tới con số kỷ lục: 11 tỷ USD, nhưng còn nhiều nữa những dự án chưa được công bố. Từ thực tế này chúng ta có thể khẳng định rằng không bao lâu nữa, Hoa Kỳ có thể chiếm vị trí dẫn đầu trong làn sóng đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Mỹ sẽ trở thành đối tác chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam.

Có nhận định cho rằng hoạt động xúc tiến thương mại của chúng ta với Hoa Kỳ còn yếu so với hoạt động xúc tiến đầu tư, và có lẽ vì thế chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội lớn trong sản xuất kinh doanh. Ông có nghĩ thế không?

Đúng thế. Tôi nghĩ kể cả đầu tư và thương mại, ta đều cần phải đẩy mạnh, song về thương mại thì cần xúc tiến mạnh mẽ hơn. Thị trường Mỹ là một thị trường khổng lồ, dung lượng thị trường yêu cầu, ngay cả dệt may giầy dép, đang còn rất lớn.

Ngay cả nhập khẩu, chúng ta cũng phải đẩy mạnh vì Hoa Kỳ là thị trường của những máy móc công nghệ nguồn, những máy móc thiết bị hiện đại vào bậc nhất thế giới cho nên cũng phải đẩy mạnh nhập khẩu để hiện đại hoá nền kinh tế trong nước.

Thế nhưng hiện nay chúng ta đang vấp phải những rào cản. Ví dụ trong lĩnh vực dệt may đang bị áp dụng cơ chế giám sát không công bằng. Phía Mỹ cũng đang còn rào cản để hạn chế ta nhập khẩu những hàng hoá kỹ thuật cao. Vì thế, điều quan trọng là hai chính phủ phải tiếp tục hợp tác với nhau để cải thiện tình hình, dỡ bỏ các rào cản này.

Điều này không chỉ có lợi cho phía Việt Nam mà cũng rất cần cho Mỹ vì với lợi địa thế của Việt Nam trong khu vực, nếu Mỹ phát triển được thị trường ở Việt Nam thì sẽ có cơ hội mở rộng ra cả ASEAN và Trung Quốc. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam đang có nhu cầu mở cửa và phát triển cơ sở hạ tầng, đây chính là cơ hội lớn mà các nhà đầu tư Mỹ chớ bỏ lỡ thời cơ. Hy vọng rằng sau chuyến đi này, cả hai bên đều nỗ lực để cùng phát triển.

Để điều đó mau chóng trở thành hiện thực, Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước sẽ làm gì và hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?

Để hỗ trợ cho việc này, trong chuyến đi, VCCI đã ký văn bản hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ tập hợp và tổ chức các doanh nghiệp Việt Nam đang muốn vào thị trường Mỹ và doanh nghiệp Mỹ muốn tìm đối tác làm ăn với Việt Nam để tạo thành diễn đàn chung. Thông qua hoạt động này sẽ tạo được một kênh thông tin về nhau giữa hai cộng đồng doanh nghiệp.

Đây cũng là diễn đàn đối thoại giữa doanh nghiệp hai nước với các cơ quan Chính phủ hai nước để tiếp tục hoàn thiện và thúc đẩy việc ban hành những văn bản pháp luật và chính sách. Đồng thời nó cũng tạo điều kiện xây dựng cơ chế làm việc giữa hai bên.

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Foxconn muốn đầu tư gần 5 tỷ USD vào VN (27/06/2007)

>   Thêm một đoàn tàu du lịch chất lượng cao. (27/06/2007)

>   Nạn taxi cát cứ nhà ga, bến xe, bệnh viện (27/06/2007)

>   Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản thời hội nhập (27/06/2007)

>   Giá thép trong nước đã cạnh tranh được thép Trung Quốc (27/06/2007)

>   Tháng 8 sẽ quản lý thuê bao di động trả trước (27/06/2007)

>   Các doanh nghiệp tự đốt cháy kho số của mình (26/06/2007)

>   6 tháng, vốn FDI vượt 5 tỷ USD (26/06/2007)

>   Sau vụ 3-MCPD thị trường nước chấm có "sạch" hơn? (26/06/2007)

>   120 doanh nghiệp Hàn Quốc chuẩn bị đến VN tìm cơ hội hợp tác đầu tư (26/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật