Thứ Sáu, 29/06/2007 16:09

Giá tăng là do kiểm soát không hiệu quả

Sáu tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 5,2% so với cuối năm 2006. Trong thời gian này, hầu hết các nhóm hàng đều có tốc độ tăng cao hơn cùng kỳ năm trước và mức tăng sẽ chưa dừng ở đó. Vì sao giá lại tăng nóng?

Ông NGUYỄN TIẾN THỎA - cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết:

- Loại trừ các yếu tố tâm lý, yếu tố lợi dụng sự biến động của thị trường để tăng giá không hợp lý, chúng tôi đánh giá có ba nhóm nguyên nhân chính tác động đến giá thị trường.

Thứ nhất là nguyên nhân cung - cầu. Thời gian qua, nhiều hàng hóa dịch vụ phục vụ tiêu dùng trên thị trường thế giới tăng cao làm giá tiêu dùng trong nước tăng theo. Nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ tết, lễ hội tăng, trong khi thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra làm suy giảm nguồn cung của một số loại thực phẩm nên đã đẩy giá tăng.

Thứ hai là nguyên nhân về tiền tệ. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều làm tăng cung ngoại tệ, gây sức ép tăng giá đồng VN, đồng thời góp phần làm tăng tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế. Vốn đầu tư gián tiếp cũng tăng nhanh. Tín dụng cũng có xu hướng tăng nhanh.

Thứ ba là nguyên nhân từ chính sách điều hành. Ngay từ đầu năm, Nhà nước đã chủ động điều chỉnh giá đối với một số loại vật tư đầu vào cơ bản của nền kinh tế. Đó là việc tăng giá bán điện bình quân lên 7,6% từ tháng một; tăng giá bán xăng hai lần, tháng ba tăng 8,9%, tháng năm tăng 7,2%; tăng 20% giá bán than cho sản xuất ximăng, giấy, phân bón và 10% bán cho sản xuất điện.

Thông thường đầu năm nhu cầu tiêu dùng rất cao, các tháng tết và sau tết bao giờ giá cũng tăng cao nhất trong năm mà mình lại tăng các mặt hàng đầu vào thì giá tiêu dùng càng tăng cao.

Việc tăng giá các mặt hàng điện, than, xăng ngay từ đầu năm có thể coi là một chính sách sai lầm?

- Quyết định tăng giá đó không sai bởi cùng với việc đảm bảo tăng trưởng chúng ta cũng không thể để các ngành đó lỗ, vì nếu lỗ thì làm sao có tăng trưởng. Nếu cứ giữ cứng giá cũ và không có hàng hóa cung ra thị trường thì đó mới là sai lầm. Đây là những quyết định buộc phải làm nhưng vấn đề quan trọng là khả năng kiểm soát sau đó.

Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giá cả tăng cao là do Nhà nước đã tung một lượng tiền lớn ra thị trường để mua ngoại tệ dẫn tới tình trạng mất cân đối hàng - tiền?

- Chúng ta mua ngoại tệ là để hạn chế sự tăng giá của đồng VN, để khỏi ảnh hưởng tới xuất khẩu. Bỏ tiền ra mua ngoại tệ nhưng chúng ta lại có những biện pháp “hút” tiền về bằng cách bán trái phiếu, bán các giấy tờ có giá.

Thưa ông, những tháng còn lại của năm 2007 liệu giá sẽ còn tăng?

- Từ nay đến cuối năm thị trường vẫn tiềm ẩn các yếu tố kéo giá thị trường tăng. Lý do là mặt bằng giá thị trường thế giới khó trở về mức thấp như trước đây mà có khả năng nhích lên nên sẽ tác động trực tiếp làm tăng giá thị trường trong nước.

Trong khi đó, những bất ổn của thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu dùng và sức mua tăng cao, nhất là thời gian từ tháng mười dương lịch đến tết âm lịch...

Có khả năng hai nhóm hàng sẽ tăng giá gồm nhóm lương thực, thực phẩm và nhóm dầu, các sản phẩm gốc dầu. Lương thực tăng vì các công ty phải mua gạo để hoàn thành hợp đồng xuất khẩu gạo, trong khi giá gạo thế giới tăng nên sẽ kéo giá trong nước tăng.

Thực phẩm tăng vì năm ngoái dịch bệnh nên đàn gia súc chưa phục hồi kịp, chi phí chăn nuôi cao. Nhóm dầu, sản phẩm gốc dầu tăng do đây là những sản phẩm chúng ta phụ thuộc vào thế giới, mà giá thế giới có xu hướng nhích lên.

Chúng tôi dự báo nếu tổ chức triển khai đồng bộ có hiệu quả các giải pháp thì có thể chỉ số giá tiêu dùng sáu tháng cuối năm sẽ tăng trong khoảng 7-7,5% so với tháng mười hai năm ngoái, đạt được mục tiêu kiểm soát tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (8,5%).

Theo ông, cần có những biện pháp nào để bình ổn giá?

- Phải thực hiện nhiều biện pháp như: Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, thực hiện các biện pháp đẩy mạnh kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán, giữ ổn định tỉ giá, giữ ổn định các lãi suất chủ đạo của đồng VN.

Cần có các biện pháp tài chính để góp phần giảm giá, tạo sức ép cạnh tranh. Kiểm soát chặt chẽ việc thu chi ngân sách, phấn đấu mức bội chi ngân sách nhà nước trong khoảng 5% GDP.

Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán, tạo điều kiện để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững. Thực hiện kiểm soát giá đối với những hàng hóa, dịch vụ quan trọng, tính cạnh tranh hạn chế. Giám sát giá bán xăng do doanh nghiệp qui định, không để các doanh nghiệp lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường, liên minh độc quyền về giá ấn định mức giá cao bất hợp lý... 

Các nhóm hàng có chỉ số tăng giá cao nhất trong sáu tháng đầu năm gồm: nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 8,24%); hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống (6,8%), trong đó thực phẩm tăng 7,32%, lương thực tăng 5,56%.

Hai nhóm hàng này đã đóng góp vào chỉ số tăng giá chung là 3,73%. Giá bất động sản tại Hà Nội, TP.HCM trong tháng ba, tháng tư tăng phổ biến khoảng 50%.

Nguồn : Cục Quản lý giá

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   VN chưa có tên trong CLB triệu phú thế giới (29/06/2007)

>   Thủ tướng: Việt Nam sẽ tích cực hợp tác với WB (29/06/2007)

>   Du khách Thái Lan đến Huế tăng đột biến (29/06/2007)

>   Đoàn doanh nghiệp TPHCM thắng lớn với các hợp đồng ký kết với doanh nghiệp Mỹ (29/06/2007)

>   Việt Nam sẽ khủng hoảng thiếu năng lượng, nếu... (29/06/2007)

>   XK đồ gỗ sang Mỹ: Lửng lơ nguy cơ chống bán phá giá (29/06/2007)

>   Phát hiện "tạp chất lạ" trong nước cam ép Splash (29/06/2007)

>   Nhiều cơ hội cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao (29/06/2007)

>   Mở mắt là thấy giá tăng! (29/06/2007)

>   5/2008: Vietnam Airlines đón chiếc B787-8 đầu tiên (29/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật