Thứ Sáu, 29/06/2007 14:07

Việt Nam sẽ khủng hoảng thiếu năng lượng, nếu...

Bài viết của TS. Nguyễn Thành Sơn, Trưởng ban kiêm Giám đốc điều hành Dự án phát triển vùng than đồng bằng Bắc bộ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV).

Việc mất cân bằng năng lượng ở Việt Nam trong tương lai (thiếu điện, phải nhập khẩu than cùng với việc phải nhập khẩu xăng, dầu, khí đốt) sẽ là rào cản lớn nhất cho việc phát triển nền kinh tế.

Việt Nam là một trong những nước nghèo về các nguồn tài nguyên năng lượng, với mức quy đổi về nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu, khí, uranium, và thủy điện) tính bình quân trên đầu người rất thấp so với mức bình quân của nhiều nước khác. Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng lại không tối ưu. Điển hình là việc xuất khẩu than và dầu thô của Việt Nam hiện nay đang song hành với việc nhập khẩu nhiệt điện, xăng, dầu và khí đốt.

Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chỉ có hai con đường: phát triển các cơ sở khai thác, sản xuất, chế biến, cung ứng năng lượng; nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng.

Chi phí đầu tư để sản xuất ra cùng một đơn vị năng lượng đắt hơn ít nhất 2,5 lần so với chi phí đầu tư để tiết kiệm hay nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Con số khô khan này rất có ý nghĩa khi Việt Nam đang thiếu vốn đầu tư cho các ngành năng lượng.

Theo kinh nghiệm của các nước đi trước, ít nhất 30% nhu cầu năng lượng có thể và cần phải được đáp ứng bằng biện pháp tiết kiệm. Đây là yếu tố mà các nhà hoạch định chính sách năng lượng quốc gia cần lưu tâm nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tổn thất đang rất lớn

Hiện nay, Bộ Công nghiệp đang chủ trì soạn thảo luật về tiết kiệm năng lượng, nhưng chủ yếu đề cập tiết kiệm điện.

Vấn đề tiết kiệm năng lượng cần được tiếp cận một cách toàn diện, khoa học, trong đó điện chỉ là một thành phần nhỏ. Năng lượng cần được tiết kiệm trong tất cả các khâu: thăm dò, khảo sát, quy hoạch, thiết kế, khai thác, chế biến, vận chuyển và trong sử dụng. Các lãng phí, tổn thất về năng lượng ở Việt Nam đang xảy ra ở tất cả các khâu này.

Ít nhất 30% nguồn tài nguyên than, dầu mỏ, khí đốt bị tổn thất (nằm lại trong lòng đất) trong quá trình thăm dò khảo sát, do chúng ta không đủ điều kiện để khai thác nên đã áp dụng các tiêu chuẩn tính trữ lượng theo hướng chấp nhận tổn thất cao.

Trong khâu quy hoạch và thiết kế, ít nhất 50% nguồn tài nguyên năng lượng đã được thăm dò bị tổn thất tiếp do phụ thuộc vào công nghệ khai thác. Ví dụ với than đá, nếu thiết kế khai thác được bằng công nghệ lộ thiên, tổn thất khoảng 30%, nếu khai thác bằng hầm lò, tổn thất khoảng 70%. Dầu mỏ và khí đốt cũng có thể tổn thất không ít hơn 30% do nguyên nhân công nghệ, quy trình khai thác.

Trong khâu chế biến, tổn thất năng lượng đã được khai thác còn rất cao. Từ than nguyên khai chế biến thành than sạch (qua các nhà máy sàng tuyển) tổn thất 10-15%, từ than sạch hay từ dầu mỏ và khí đốt chế biến thành điện năng (qua các nhà máy phát nhiệt điện) tổn thất trên 50-60% (phụ thuộc vào các chu trình nhiệt của lò hơi).

Trong khâu vận chuyển năng lượng đã được chế biến, tổn thất cũng đáng kể: than, dầu mỏ hay khí đốt vận chuyển từ nơi khai thác đến các nhà máy điện hoặc đến các hộ tiêu dùng khác tổn thất 2-3%, điện năng vận chuyển từ các nhà máy phát điện đến các hộ tiêu dùng tổn thất 5-10%.

 Và cuối cùng, trong khâu tiêu dùng năng lượng, tổn thất cũng ít nhất 30% (ví dụ, chỉ sử dụng biến tần cho các động cơ điện, nhiều đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) đã tiết kiệm được hơn 30% điện năng).

Nếu chỉ đề cập đến tiết kiệm điện năng thì chúng ta mới chỉ đề cập đến khả năng và nhu cầu tiết kiệm ở một phần rất nhỏ của tiết kiệm năng lượng. Có thể nói, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của chúng ta là rất lớn.

Những bất cập khác

Vấn đề an ninh năng lượng là điều mà những người có trách nhiệm về năng lượng của Việt Nam chưa nhận thức thấu đáo và điều này phần nào được thể hiện qua chính sách xuất khẩu tài nguyên.

Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu hơn 50% sản lượng than và gần 100% dầu thô khai thác. Riêng việc xuất khẩu than sang Trung Quốc, nếu thống kê đầy đủ, con số thực tế còn cao hơn số liệu báo cáo nhiều. Đối với bản thân TKV, việc xuất khẩu than hiện nay là “hiệu quả”.

Còn đối với nền kinh tế thì sao? Chỉ cần công khai giá than xuất khẩu sang Trung Quốc của TKV và giá điện mà tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang mua cũng từ Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy rõ xuất khẩu năng lượng “thô” có hiệu quả ra sao.

Câu hỏi được đặt ra hiện nay là kinh tế năng lượng của Việt Nam sẽ đi tới đâu trong tương lai? Câu trả lời không có gì là bí mật: sau năm 2015, sẽ phải nhập khẩu than, sau năm 2020 sẽ phải có điện nguyên tử, và tổng sản lượng than của Việt Nam trong tương lai nếu khai thác tối đa cũng chỉ đáp ứng 50% nhu cầu. Lượng than nhập khẩu của Việt Nam sẽ cao hơn cả sản lượng than hiện nay.

Nhưng lời giải cho câu hỏi tiếp theo là nhập khẩu than từ đâu thì chưa ai trả lời được. Ngay trong phương án quy hoạch phát triển ngành than được Bộ Công nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2006, vấn đề Việt Nam sẽ nhập than ở đâu và như thế nào còn đang bỏ ngỏ.

Nếu sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp, chúng ta có thể đẩy lùi các niên hạn trên thêm ít nhất 10 năm. Được như vậy, có lẽ Việt Nam chỉ phải nhập khẩu than sau năm 2025 và kịp đưa nhà máy điện nguyên tử với lò phản ứng thế hệ thứ tư (chứ không phải lò phản ứng thế hệ thứ ba đã lạc hậu) vào phát điện sau năm 2030.

Hậu quả khó lường

Việc mất cân bằng năng lượng và thiếu điện toàn diện trên cả nước chắc sẽ diễn ra, nhưng Việt Nam có thể hạn chế và đẩy lùi thời điểm xảy ra.

Muốn vậy, việc đầu tiên cần làm là xây dựng chiến lược của quốc gia về khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp (than đá và dầu khí). Tiếp đến là các cơ chế của Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường nói chung, và thị trường năng lượng nói riêng.

Thiếu điện là căn bệnh trầm kha của tiến trình phát triển kinh tế ở mọi giai đoạn và ở nhiều nước. Nhưng, việc mất cân bằng năng lượng ở Việt Nam trong tương lai (thiếu điện, phải nhập khẩu than cùng với việc phải nhập khẩu xăng, dầu, khí đốt) sẽ chính là rào cản lớn nhất cho việc phát triển nền kinh tế, sẽ làm giảm đáng kể sức hút vốn đầu tư, triệt tiêu mọi khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm, làm mất cơ hội tăng GDP.

Hiện nay, có thể coi Việt Nam là nước xuất khẩu về năng lượng. Nhưng chỉ sau năm 2015-2020, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu về năng lượng.

Thời gian không còn dài. Nếu tính bình quân trong quá khứ, một dự án về phát triển năng lượng kéo dài không ít hơn 8-10 năm, thì có thể nói Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng.

TBKTSG

Các tin tức khác

>   XK đồ gỗ sang Mỹ: Lửng lơ nguy cơ chống bán phá giá (29/06/2007)

>   Phát hiện "tạp chất lạ" trong nước cam ép Splash (29/06/2007)

>   Nhiều cơ hội cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao (29/06/2007)

>   Mở mắt là thấy giá tăng! (29/06/2007)

>   5/2008: Vietnam Airlines đón chiếc B787-8 đầu tiên (29/06/2007)

>   Thủ tướng quyết định mức xử lý sai phạm ở Vietnam Airlines (29/06/2007)

>   Hải quan Lào Cai và Hà Khẩu hợp tác chống buôn lậu (29/06/2007)

>   Parkson mở Trung tâm thương mại thứ ba tại VN (29/06/2007)

>   Lee & Man đầu tư hơn 600 triệu USD vào Hậu Giang (29/06/2007)

>   VN-Lào-Campuchia hợp tác phát triển du lịch (29/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật