Thứ Sáu, 29/06/2007 06:41

Mở mắt là thấy giá tăng!

Liên tục từ đầu tháng 6-2007 đến nay hàng loạt mặt hàng đồng loạt tăng giá. Theo các nhà sản xuất, nguyên nhân là do chi phí đầu vào như nguyên liệu, xăng dầu tăng. Tuy nhiên, thực tế giá tăng còn do nguyên nhân khác...

Từ ngày 28-6, theo thông báo của nhà sản xuất dầu ăn Simply, giá sản phẩm này bắt đầu tăng thêm 10.000-15.000 đồng/thùng tùy loại. Trước đó, hầu hết nhãn hiệu dầu ăn khác như Neptune, Tường An, Nakydoco... cũng đồng loạt tăng giá. Theo một số tiểu thương tại các chợ, đây là lần thứ... 5 kể từ ngày 30-4 đến nay  các sản phẩm dầu ăn được nhà sản xuất tăng giá với mức tăng từ 10.000-20.000 đồng/thùng (12 lít) mỗi lần.

Nhiều mặt hàng thực phẩm khác như sản phẩm gia cầm, trứng gia cầm, sản phẩm thủy hải sản, rau củ quả cũng đã tăng giá mạnh. Theo ban quản lý chợ Bình Điền, TP.HCM, giá cá các loại tăng từ 2.000 đồng/kg, rau củ quả tăng 5-15%.

Giá các loại vật liệu xây dựng như ximăng, sắt thép cũng tăng chóng mặt trong thời gian gần đây. “Loại phi 6 chắc giá 9,85 triệu đồng/tấn, nhà ở ngoài Q.11 tính thêm 100.000 đồng/tấn chuyên chở”, bà B. - chủ cửa hàng thép xây dựng trên đường Hùng Vương (Q.6) - nói.

Theo bà B., từ đầu tháng sáu đến nay giá thép đã tăng khoảng 1 triệu đồng/tấn so với mức giá cách nay hai tháng, chưa kể xăng dầu cũng lên giá nên tiền công chuyên chở phải tăng thêm. Các đại lý ximăng cũng đang bắt đầu tăng giá, dù thông tin từ các nhà sản xuất khẳng định chưa điều chỉnh tăng giá mặt hàng này. “Mỗi khi giá thép tăng, các đại lý ximăng cũng ăn theo tăng giá” -  giám đốc kinh doanh một công ty ximăng thừa nhận.

Giá tăng do giá đầu vào?

Theo ông Nguyễn Trí Công - chủ trại chăn nuôi heo Trí Công (Đồng Nai), 70% nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi gia súc tại thị trường trong nước phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu, nên khi giá mặt hàng này trên thế giới tăng đột biến đã đẩy giá thành heo nuôi tăng cao. Cụ thể giá các loại nguyên liệu nhập khẩu chính từ Mỹ, Canada như  đậu nành, bắp, tấm… đã tăng 200-1.000 đồng/kg so với đầu năm 2007.

Ông Công phân tích: hiện nay nếu một con heo nặng 100kg xuất chuồng sẽ có giá 2,4 triệu đồng, chỉ tính riêng chi phí thức ăn đã hết 2,1 triệu đồng/con. “Giá đầu vào tăng vọt  nên giá heo hơi hiện nay đã ở mức 25.000-26.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với đầu năm. Tuy nhiên, mức này so với thị trường thế giới vẫn còn khá thấp, như Trung Quốc, giá heo hơi đã lên 43.000-44.000 đồng/kg” - ông Công cho biết.

Tương tự, giá mặt hàng dầu ăn cũng tăng mạnh, theo ông Michael Oliveriro - giám đốc nhãn hiệu dầu ăn Neptune - là do giá dầu cọ trên thế giới tăng từ gần 500 USD/tấn lên 775 USD/tấn. Ông Michael Oliveriro cho biết nhu cầu đối với loại dầu cọ và dầu đậu nành - nguyên liệu chế biến dầu ăn - đang tăng mạnh trên toàn cầu, do một số nước sử dụng nguyên liệu này để sản xuất nhiên liệu sinh học, trong khi nguồn cung có hạn nên xu hướng giá trên thị trường của nguyên liệu này liên tục tăng.

Trong khi đó, theo nhân viên một hãng sản xuất dầu ăn, có hiện tượng “kê giá” tại các đại lý theo kiểu “tát nước theo mưa”. Chẳng hạn, sản phẩm của đơn vị này tại một số đại lý cao hơn 10.000-14.000 đồng/thùng so với giá công bố của công ty.

Giá cao do phân phối nhiều tầng

Nhiều hãng sản xuất thép cho rằng đang chịu... lỗ (?) do giá phôi thép thế giới hiện lên tới 535 USD/tấn, tính ra giá thành sản xuất thép hơn 10 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, số phôi thép đang được các nhà sản xuất sử dụng đã được nhập khẩu trước đó có giá chỉ 470-480 USD/tấn. Tính ra giá thành của một tấn thép thành phẩm khi xuất xưởng trung bình chỉ khoảng 9,4 triệu đồng/tấn.

Thế nhưng giá thép bị đội lên một phần do đang tồn tại một hệ thống phân phối nhiều tầng. Từ nhà phân phối chính, hàng được giao xuống các đại lý “con”, cứ qua mỗi khâu như vậy mức chênh lệch lại tăng thêm một nấc khoảng 150.000-200.000 đồng/tấn, và khi đến tay người tiêu dùng, giá thép nghiễm nhiên đội lên ít nhất 400.000-500.000 đồng/tấn so với mức giá xuất xưởng.

Các nhóm hàng có chỉ số tăng giá cao nhất trong sáu tháng đầu năm gồm: nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 8,24%); hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống (6,8%), trong đó thực phẩm tăng 7,32%, lương thực tăng 5,56%. Hai nhóm hàng này đã đóng góp vào chỉ số tăng giá chung là 3,73%. Giá bất động sản tại Hà Nội, TP.HCM trong tháng ba, tháng tư tăng phổ biến khoảng 50%. (Thống kê của Cục Quản lý giá)

* Bà Trần thị Huyền Hương (Q.5, TP.HCM):

“Cầm hơi” làm quen với việc tăng giá

Tâm lý những người nội trợ chúng tôi trước các đợt tăng giá là chờ đợi để làm quen với giá mới. Phản ứng đầu tiên sẽ chuyển qua mặt hàng ít tăng hơn hoặc giảm bớt thức ăn trong bữa cơm. Nhưng thấy con mình đang tuổi lớn ăn ít đi, bố mẹ nào không xót! Việc tăng giá dồn dập trong thời gian gần đây thật sự là áp lực rất lớn với những người ngày ngày phải đảm bảo bữa ăn tươm tất cho gia đình như chúng tôi. Thậm chí giá tăng nhưng thực phẩm ngon cũng khá hiếm. Hơn một tháng nay, loại thịt nguyên đùi mà nhà tôi vẫn thường mua rất ít, cô bán hàng quen cứ bảo “tại chị ra trễ quá”. Ngay đến loại rau hành ngò mua 2.000 đồng mới đủ dùng.

* Bà Đặng Yến Hương (Q.Bình Tân, TP.HCM):

Ám ảnh trong cả giấc ngủ!

Bây giờ mỗi lần đi chợ tôi nặng nề lắm, như cực hình. Nhiều đêm đang ngủ, tôi bật dậy nhẩm tính ngày mai mua gì cho bữa ăn. Cơn lốc tăng giá ảnh hưởng đến tâm lý những người sống dựa vào lương hưu như gia đình tôi lắm. Cái gì cũng lên gần gấp đôi, đậu cô ve từ 5.000 đồng lên 8.000 đồng/kg, bí rợ 4.000 đồng lên 7.000 đồng/kg..., chưa kể cá, thịt. Ngày trước chỉ cần 60.000 đồng là có bữa cơm cho sáu người trong gia đình đầy đủ thịt, cá, rau. Bây giờ hai vợ chồng cố bớt xén bữa trưa lại để tối con đi làm về gia đình có bữa cơm tươm tất hơn. Chỉ mong có sự kiểm soát giá hợp lý để giảm bớt những cơn đau đầu của các bà nội trợ chúng tôi mỗi lần đi chợ. 

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   5/2008: Vietnam Airlines đón chiếc B787-8 đầu tiên (29/06/2007)

>   Thủ tướng quyết định mức xử lý sai phạm ở Vietnam Airlines (29/06/2007)

>   Hải quan Lào Cai và Hà Khẩu hợp tác chống buôn lậu (29/06/2007)

>   Parkson mở Trung tâm thương mại thứ ba tại VN (29/06/2007)

>   Lee & Man đầu tư hơn 600 triệu USD vào Hậu Giang (29/06/2007)

>   VN-Lào-Campuchia hợp tác phát triển du lịch (29/06/2007)

>   Công ty cao su Hàn Quốc khánh thành nhà máy Bình Dương (29/06/2007)

>   Hải quan Lào Cai và Hà Khẩu hợp tác chống buôn lậu (29/06/2007)

>   'Có thể thiếu 1.000 MW điện mỗi ngày' (28/06/2007)

>   Nhân lực làm thương hiệu: Thị trường còn bỏ ngỏ (28/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật