'Có thể thiếu 1.000 MW điện mỗi ngày'
Lượng điện này sẽ thiếu trong thời điểm hệ thống khí Nam Côn Sơn ngừng hoạt động để bảo dưỡng và nâng cấp trong 3 đợt từ ngày 1-6/7; 29/8 đến 16/9 và 29-30/9. Ông Ngô Sơn Hải, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, cho biết sắp tới có nhiều đợt cắt điện mới.
- Ông dự báo như thế nào về tình hình điện trong thời gian tới?
- Trong thời gian sửa chữa hệ thống khí Nam Côn Sơn, khả năng thiếu điện sẽ rất cao, đặc biệt nếu thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng như hiện nay. Do các nhà máy sản xuất điện từ khí chiếm 35% công suất điện trên toàn hệ thống nên trong những ngày không có khí, các tổ máy sẽ chuyển sang chạy dầu. Vấn đề khó khăn hiện nay là những tổ máy này được thiết kế chủ yếu để chạy khí nên khi chuyển sang chạy dầu sẽ có những yếu tố không lường trước được.
Chẳng hạn như tổ máy Phú Mỹ 2.2 được thiết kế chỉ chạy dầu năm ngày mỗi năm thì đợt này phải chạy dầu với thời gian gần một tháng. Điều đó sẽ khiến khi chuyển tổ máy sang chạy dầu có thể xảy ra các trường hợp hoạt động không ổn định, có thể gặp sự cố lúc nào không biết, công suất tối đa của tổ máy khi chạy bằng dầu sẽ thấp hơn so với chạy bằng khí nên đương nhiên lượng điện sản xuất sẽ thiếu hụt so với trước.
Ngoài việc chuyển các tổ máy khí sang chạy dầu, EVN cũng sẽ tăng cường mua điện từ Trung Quốc với sản lượng điện cao nhất. Đối với các nhà máy nhiệt điện, tập đoàn đã chỉ đạo điều chỉnh lịch, kế hoạch sửa chữa nguồn, sửa chữa lưới điện, cố gắng tránh sửa chữa trong thời gian hệ thống khí Nam Côn Sơn ngừng hoạt động.
Tất nhiên cũng không thể tránh được toàn bộ do hiện nay (mùa lũ) là mùa sửa chữa của các nhà máy nhiệt điện. Các nhà máy nhiệt điện đã hoạt động gần như suốt cả mùa khô, và cuối mùa khô thường gặp sự cố nên đến nay buộc phải ngừng hoạt động để sửa chữa.
Chúng tôi còn cố gắng tăng mức nước ở các hồ thủy điện để giữ được công suất tối đa cho các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, hiện chỉ có hồ Hòa Bình giữ được nước, còn các hồ Trị An, Ialy nước chưa về nên mặc dù các nhà máy chạy tiết kiệm nhưng nước trong hồ gần như vẫn ở mực nước chết.
Nếu đầu tháng 7 lũ về có thể có nước nhưng nếu lũ lớn quá, mực nước hồ Hòa Bình vượt quá 98m thì lại phải xả nước để chống lũ, khi đó mực nước hồ sẽ tụt xuống nên công suất tối đa của Nhà máy điện Hòa Bình sẽ tụt theo.
- Việc đưa thêm các nhà máy điện mới vào hoạt động để “giải nguy” trong thời điểm đó như thế nào?
- Đến nay cũng không có thêm được nguồn điện mới nào khác ngoài Nhà máy điện Uông Bí mở rộng và Nhà máy điện Cà Mau. Đối với Cà Mau, hiện mới chỉ có một tổ máy hoạt động nên chúng tôi đã đề nghị phải chạy tối đa hai tổ máy của Cà Mau trong thời gian hệ thống khí Nam Côn Sơn sửa chữa. Mỗi tổ máy này có công suất 240 MW. EVN cũng đã chỉ đạo Ban quản lý dự án Uông Bí mở rộng phải phát điện ở mức cao nhất có thể (200 MW). Tuy nhiên, không thể dựa hoàn toàn vào hai nguồn mới này được.
- Như vậy chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng cắt điện?
- Thiếu điện tất yếu sẽ phải cắt điện. Chúng tôi đã thông báo cho các sở điện lực về nguy cơ thiếu điện để họ chủ động làm việc với khách hàng, thông báo cắt điện theo đúng quy định. Từ trước đến nay, sở điện lực các địa phương đã có sẵn bảng phân bổ công suất và đều đã thỏa thuận với các địa phương về danh sách ưu tiên những khu vực cần đảm bảo điện. Nếu cắt điện thì sẽ cố gắng đảm bảo mức cao nhất đối với những khu vực tổ chức thi đại học, kể cả khi có sự cố thì cũng phải tìm mọi cách tránh các địa điểm thi đại học.
- Dự báo đợt cắt điện lần này có xảy ra nhiều hơn so với các đợt trước đây không?
- Khả năng này phụ thuộc nhiều việc huy động vào các tổ máy chạy dầu và phụ thuộc việc có hay không các sự cố. Tuy nhiên, so với các đợt trước thì đợt này chưa chắc cắt nhiều như vậy. Thời gian căng nhất là vào các giờ cao điểm buổi sáng 8h30-12h và buổi chiều 16h-20h. Đây là thời điểm nhu cầu sử dụng điện cao nhất.
Điện lực Đà Nẵng vừa có thông báo về việc sẽ tiến hành cắt điện trên diện rộng, kéo dài trong nhiều ngày. Lý do, hệ thống cung cấp khí từ mỏ khí Nam Côn Sơn phải tạm dừng để sửa chữa đã ảnh hưởng đến việc phát điện của Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, khiến nguồn điện quốc gia bị thiếu hụt nghiêm trọng. Theo đó, dự kiến khoảng 25% điện lưới trên địa bàn TP Đà Nẵng sẽ bị luân phiên cắt giảm. Trước mắt việc cắt giảm sẽ bắt đầu từ ngày 1 đến 6/7.
Để đảm bảo việc cung ứng điện cho nhu cầu sinh hoạt của người dân, đặc biệt là cho kỳ thi tuyển sinh đại học sắp đến, ngành điện lực Đà Nẵng đã lên phương án cấp ưu tiên cho các điểm thi và một số cơ quan trọng yếu khác, đồng thời huy động các tổ máy chạy diesel phát bù. Do công suất thiếu hụt trên lưới khoảng 20 MW nên trong thời gian trên vẫn có nhiều khu vực, nhà máy quan trọng như Trung tâm Y tế Hòa Vang, nhà máy nước sân bay... vẫn phải bị chịu cảnh cắt điện.
Tuổi Trẻ
|