Thứ Sáu, 29/06/2007 14:14

Đoàn doanh nghiệp TPHCM thắng lớn với các hợp đồng ký kết với doanh nghiệp Mỹ

Nhiều cơ hội cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao

Trong tổng số hơn 20 hợp đồng, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác kinh tế vừa được ký kết trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết giữa 17 doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Mỹ, chỉ riêng đoàn doanh nghiệp tại TPHCM đã chiếm đến 8 đơn vị với hơn 10 hợp đồng, thoả thuận hợp tác kinh tế…

Tham vọng sản xuất năng lượng sạch

Trong bảng tổng hợp các thỏa thuận đã ký kết giữa doanh nghiệp 2 nước, bản thỏa thuận hợp đồng xây dựng cụm công nghiệp cảng biển và cụm nhà máy nhiệt điện 3.600MW cùng với hợp đồng cho vay tài chính và cung cấp thiết bị giai đoạn 1 có tổng trị giá ngót nghét 4 tỷ USD giữa Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group - SIG) với một tập đoàn lớn hàng đầu thế giới tại Mỹ, được xếp đầu tiên. Đây cũng là một trong hai hợp đồng có giá trị lớn nhất trong toàn bộ các hợp đồng, thỏa thuận đã được ký kết giữa doanh nghiệp 2 nước.

Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tân Tạo, chỉ riêng dự án xây dựng cụm công nghiệp cảng biển và cụm nhà máy nhiệt điện đã chiếm hơn 2,5 tỷ USD. Theo dự kiến, dự án này sẽ được triển khai trong vòng 3 năm và ông có tham vọng xây dựng cụm công nghiệp này thành cụm công nghiệp đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam. “Cụm công nghiệp sẽ rộng khoảng vài ngàn hécta.

Chúng tôi sẽ kêu gọi đầu tư vào đây các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn và công nghiệp công nghệ sạch. Đây là những lĩnh vực mà Hoa Kỳ rất có thế mạnh và thông qua cụm công nghiệp này, chúng tôi muốn thúc đẩy hơn nữa đầu tư của các nhà công nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam”.

“Bật mí” thêm về kế hoạch của mình, vị chủ tịch Tập đoàn SIG cho biết ông dự định năm 2008 sẽ khởi công xây dựng nhà máy phong điện đầu tiên của Việt Nam với công suất 120 MW tại Bình Định để cung cấp điện sạch cho các nhà máy trong cụm công nghiệp của ông. Tổng chi phí đầu tư cho nhà máy phong điện này ước khoảng 200 triệu USD và sản xuất theo công nghệ tiên tiến nhất của Mỹ.

“Đầu tư vào phong điện chi phí rất lớn, giá bán phong điện lại đắt gấp rưỡi so với giá bán điện nhiệt điện hoặc thủy điện nhưng bù lại, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Mỹ, sẽ cần mua điện này sản xuất để tăng giá trị sản phẩm theo yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới thời gian tới. Tôi tính rồi, chỉ riêng các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tập đoàn chúng tôi thôi đã tiêu thụ từ 50% đến 70% sản lượng điện do nhà máy sản xuất nên khả năng thu hồi vốn sẽ rất nhanh. Ngoài ra, chúng tôi muốn đi tiên phong trong sản xuất năng lượng sạch ở Việt Nam”, ông Đặng Thành Tâm trả lời thắc mắc của chúng tôi về việc vì sao chọn đầu tư nhà máy phong điện với kinh phí lớn để phục vụ các cụm công nghiệp mà không phải là các loại điện khác.

“Nhìn rất xa, dự đoán chính xác yêu cầu phát triển và bắt rất đúng “mạch” của nhà đầu tư, đó là thế mạnh làm nên thành công tại các khu công nghiệp do SIG xây dựng. Đó cũng là yếu tố quan trọng khiến các nhà đầu tư lớn của Hoa Kỳ luôn thích chọn SIG làm đối tác”, một CEO của Mỹ nhận xét.

Nữ trang PNJ khoe mình với thế giới

Cũng với những đánh giá rất cao đối với doanh nghiệp Việt Nam, ông Steven Zale, Chủ tịch tập đoàn ZaleMark – tập đoàn đối tác trong hợp đồng chuyển nhượng thương hiệu với Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) của TPHCM – cho biết ông chọn PNJ để hợp tác trước hết vì danh tiếng về chất lượng sản phẩm của công ty sản xuất nữ trang lớn nhất nhì Việt Nam này.

Theo hợp đồng đã được ký kết, Công ty PNJ được phép sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nữ trang mang nhãn hiệu Dermete của tập đoàn ZaleMark - tập đoàn chuyên thiết kế, sản xuất và kinh doanh nữ trang cao cấp của Hoa Kỳ - dưới sự trợ giúp về kỹ thuật, thiết kế của công ty này và được phép sử dụng thương hiệu ZaleMark tại Việt Nam trong 3 năm.

Tuy trị giá hợp đồng đã ký kết chỉ hơn 20 triệu USD nhưng nói như bà Cao Thị Ngọc Dung, Giám đốc Công ty PNJ, đây là cơ hội tuyệt vời cho nữ trang Việt Nam xâm nhập vào thị trường nữ trang cao cấp thế giới, trước hết là thị trường Mỹ, vì ZaleMark - với hệ thống các cửa hàng nữ trang cao cấp của mình trên khắp nước Mỹ - chính là cầu nối tốt nhất để thế giới biết đến sản phẩm nữ trang Việt Nam. “Và mọi việc cũng sẽ không dừng lại ở đây” - bà Dung cho biết thêm - “Sau Dermete, PNJ sẽ cố gắng để có thể tiếp tục giành được hợp đồng sản xuất, kinh doanh và sử dụng các thương hiệu Seventeen (nữ trang bằng bạc cho giới trẻ), Divas Choice (nữ trang bằng kim cương)… của ZaleMark ở thị trường Đông Nam Á! Ngoài việc kinh doanh, thông qua các hợp đồng này, chúng tôi mong muốn tiếp cận với công nghệ sản xuất cũng như trình độ thiết kế nữ trang tiên tiến của thế giới. Lộ trình này chính là lộ trình ngắn nhất để nâng cao công nghệ sản xuất nữ trang trong nước”.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi ngay tại Los Angeles, ông Steven Zale cũng khẳng định điều này. Ông nói: “PNJ là doanh nghiệp làm ăn có uy tín. Tay nghề của công nhân PNJ rất cao. Vì thế, các sản phẩm nữ trang của PNJ hoàn toàn có khả năng thâm nhập thị trường quốc tế nếu có điều kiện. Chúng tôi đã hợp tác sản xuất thử với PNJ suốt 3 năm qua và biên bản ký kết hôm nay mới là phẩn mở đầu của việc hợp tác chính thức - tôi tin là lâu dài - giữa hai bên trong thời gian tới!”.

Công nghệ “gia công sau kính” sẽ phát triển...

Không như ông Đặng Thành Tâm hay bà Cao Thị Ngọc Dung mà những chuyến tháp tùng ra nước ngoài với các đoàn công du của quan chức thành phố hay chính phủ đã trở nên quen thuộc, ông Bùi Chí Công, Giám đốc Công ty cổ phần kính nghệ thuật Art Glass tại TPHCM lại lần đầu tham gia một chuyến đi quan trọng như thế này.

Tuy mới “chân ướt chân ráo” nhưng sau chuyến đi, ông lại mang về cho công ty không phải 1 mà đến 2 hợp đồng xuất khẩu đèn bằng kính màu và gạch thuỷ tinh trang trí trị giá gần 4 triệu USD. Ngoài ra, ông cũng đã đạt được thỏa thuận với Công ty Stained Glass Overlay - một công ty nổi tiếng về sản phẩm thủy tinh xây dựng tại California (Mỹ) - về việc sử dụng nhãn hiệu của công ty trên trong sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và tại Mỹ. “Phía đối tác đặt vấn đề cung cấp nguyên liệu, đào tạo chuyên gia, xây dựng hệ thống bán hàng và tiếp thị cho chúng tôi cũng như sẽ mua sản phẩm do chúng tôi sản xuất để bán trong hệ thống bán hàng có mặt ở 37 quốc gia khác nhau trên thế giới của họ. Tháng 7 tới, phía đối tác sẽ sang Việt Nam. Chúng tôi dự kiến sẽ ký kết hợp đồng chính thức ngay trong lần gặp lại này”. Trao đổi với chúng tôi trong thời gian quá cảnh tại sân bay ở Osaka (Nhật Bản), ông Công phấn khởi cho biết như vậy.

Kính nghệ thuật trong xây dựng là một sản phẩm mới nhưng lại là “sản phẩm của tương lai” nhờ các ưu điểm như độ chịu nén cao; độ mài mòn thấp; chịu được ẩm mốc, acid, kiềm; giá thành rẻ… Tại Việt Nam, Công ty Art Glass được coi là công ty chuyên nghiệp duy nhất sản xuất mặt hàng này theo công nghệ cao của Đức với nhiều chủng loại sản phẩm như kính ghép màu, gạch thủy tinh trang trí (mosaic glass). Điều đó lý giải vì sao Art Glass “lọt” vào mắt xanh của đối tác quan trọng tại Hoa Kỳ.

Theo ông Công, các sản phẩm của ông thuộc vào giai đoạn “gia công sau kính” trong quy trình sản xuất kính xây dựng. Ở Việt Nam hiện nay, rất ít doanh nghiệp sản xuất được sản phẩm chất lượng cao ở công đoạn này nên việc tiêu thụ sản phẩm cho công đoạn sản xuất kính tấm (công đoạn thứ nhất trong sản xuất kính xây dựng – vốn có rất nhiều doanh nghiệp đang sản xuất ở Việt Nam) gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, với thỏa thuận vừa đạt được, công ty của ông sẽ mở ra hướng tiêu thụ mới cho các doanh nghiệp sản xuất kính tấm trong nước đồng thời thúc đẩy phát triển ngành sản xuất sản phẩm gia công sau kính với giá trị gia tăng rất cao cho công nghiệp Việt Nam.

Nói về chuyến đi, ông Công cho biết: “Tháp tùng với đoàn của Chủ tịch nước, vị thế của mình được tăng lên trong mắt đối tác. Mặt khác, nếu không cùng đi với các vị lãnh đạo, thật khó có thể gặp gỡ được cùng một lúc hàng trăm nhân vật chủ chốt, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của các doanh nghiệp trong – ngoài nước. Chính nhờ gặp được những nhân vật như vậy mà mọi việc hợp tác giữa các bên được bàn bạc, trao đổi và quyết định nhanh chóng. Tôi hy vọng mình và các doanh nhân khác có thêm nhiều dịp tháp tùng các đoàn công tác quan trọng như thế này để tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư”.

SGGP

Các tin tức khác

>   Việt Nam sẽ khủng hoảng thiếu năng lượng, nếu... (29/06/2007)

>   XK đồ gỗ sang Mỹ: Lửng lơ nguy cơ chống bán phá giá (29/06/2007)

>   Phát hiện "tạp chất lạ" trong nước cam ép Splash (29/06/2007)

>   Nhiều cơ hội cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao (29/06/2007)

>   Mở mắt là thấy giá tăng! (29/06/2007)

>   5/2008: Vietnam Airlines đón chiếc B787-8 đầu tiên (29/06/2007)

>   Thủ tướng quyết định mức xử lý sai phạm ở Vietnam Airlines (29/06/2007)

>   Hải quan Lào Cai và Hà Khẩu hợp tác chống buôn lậu (29/06/2007)

>   Parkson mở Trung tâm thương mại thứ ba tại VN (29/06/2007)

>   Lee & Man đầu tư hơn 600 triệu USD vào Hậu Giang (29/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật