CPH thời chứng khoán: Thị trường cần cổ phiếu nhưng CPH quá chậm
Không cần phải nói, vào thời điểm chứng khoán đang sốt như hiện nay, một doanh nghiệp lên sàn hay bán đấu giá cổ phần là một cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư, còn doanh nghiệp có điều kiện thu hút vốn cho các dự án đầu tư của mình. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục cổ phần hóa (CPH) thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Theo kế hoạch, số lượng CPH khoảng 550 doanh nghiệp thì số lượng doanh nghiệp đã hoàn thành mới hơn 50. Riêng tại TPHCM, kế hoạch nửa năm là 34 thì thực tế mới được có 3 doanh nghiệp.
Chậm, hay quá chậm?
Tốc độ CPH chậm trong những tháng đầu năm dường như trái ngược với không khí có vẻ rất hào hứng từ cuối năm ngoái. Khi đó, nhu cầu trên thị trường chứng khoán đang cần rất nhiều hàng hóa là cổ phiếu của các doanh nghiệp cổ phần.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp coi đây là kênh thu hút vốn đầu tư hiệu quả. Một doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, sau khi được xử lý tài chính để CPH, niêm yết lên sàn đã đẩy giá lên rất cao và doanh nghiệp có dư tiền để đầu tư. Thậm chí, có những vấn đề buộc phải đấu giá lại, có doanh nghiệp đã thu đến hơn chục tỷ đồng tiền đặt cọc của các nhà đầu tư. Đây là một hiện tượng chưa hề có.
Cùng với quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ đẩy nhanh CPH, sắp xếp lại doanh nghiệp, trong đó không cần nắm giữ các cổ phần chi phối ở doanh nghiệp không nhạy cảm, nhiều tổng công ty mạnh cũng trong thời điểm phải tiến hành CPH và ngay sau đó phải niêm yết trên sàn chứng khoán. Chính vì vậy, không khí CPH các doanh nghiệp dường như nóng lên.
Thế nhưng, thực tế từ đầu năm đến nay, tiến độ CPH chậm hơn mong muốn. Không chỉ cả nước không đạt kế hoạch đề ra, mà tại TPHCM, dự kiến 6 tháng đầu năm nay sẽ CPH 34 doanh nghiệp, nhưng mới ban hành quyết định chuyển đổi cổ phần có 2 doanh nghiệp và sáp nhập 1 doanh nghiệp. Mặc dù vậy, TPHCM cũng đã hoàn tất việc điều chỉnh đề án sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước của TP giai đoạn 2007-2010 theo tiêu chí mới. Đây có thể là cơ sở để cho các doanh nghiệp đẩy mạnh tiến độ CPH trong thời gian tới.
Nguyên nhân sự chậm trễ là do Chính phủ ban hành những tiêu chí mới trong xác định giá trị doanh nghiệp, khiến cho nhiều doanh nghiệp đang triển khai phải dừng lại chờ hướng dẫn mới, tiến hành xác định lại giá trị doanh nghiệp theo tiêu chí mới. Thêm vào đó, thời gian qua có một số ý kiến cho rằng quá trình CPH là quá trình tư nhân hóa. Thậm chí, cần xem xét việc định giá tài sản của một số doanh nghiệp trước đây quá thấp, đã truy cứu trách nhiệm của những người trước đây, khiến đội ngũ cán bộ tham gia Ban đổi mới và quản lý doanh nghiệp các địa phương, nhất là Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp lo ngại.
Nhanh hơn, nhưng còn quyền lợi người lao động
Theo kế hoạch, không chỉ các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng tiến hành CPH để phù hợp với xu thế hội nhập mà các tổng công ty mạnh cũng nằm trong lộ trình CPH từ nay đến năm 2009. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là doanh nghiệp cam kết CPH nhanh nhất, dự kiến trong năm tới sẽ CPH xong công ty mẹ, nên năm nay tập trung CPH các công ty con. Vinatex muốn chuyển đổi nhanh vì lo ngại, nếu còn là doanh nghiệp nhà nước, sẽ khó khăn trong các cuộc kiện tụng liên quan đến bán phá giá.
Đến nay, Thủ tướng vừa đồng ý ủy quyền cho Bộ Công nghiệp ra quyết định thành lập Ban đổi mới doanh nghiệp tại Vinatex. Các doanh nghiệp trực thuộc Vinatex cũng tăng tốc để tiến hành CPH. Tuy nhiên, những doanh nghiệp còn lại là những doanh nghiệp lớn, do vậy việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, ở những doanh nghiệp mạnh, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, góp vốn liên doanh với nhiều nơi thì việc xác định giá trị tài sản, giá trị thương hiệu, quyền sử dụng đất để đưa vào giá trị doanh nghiệp rất phức tạp.
Ông Nguyễn Đình Trường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Việt Tiến cho biết, đến bây giờ khi tiến hành CPH doanh nghiệp theo nghị quyết của Vinatex, nhiều vấn đề đã phát sinh. Trước hết, giá trị doanh nghiệp tính sẽ cao hơn trước đây, đặc biệt khi giá trị thương hiệu Việt Tiến được cộng vào. Với một doanh nghiệp có thương hiệu mạnh như Việt Tiến khi bán đấu giá lần đầu, chắc chắn giá cổ phiếu sẽ khá cao.
Tuy nhiên, như vậy thì nhiều công nhân lại cảm thấy lo ngại. Bởi vì theo quy định, công nhân được mua ưu đãi bằng 70% giá bình quân đấu giá. Tuy vậy, không phải công nhân nào cũng có thể có tiền mua được hết số cổ phiếu ưu đãi của mình để thực hiện quyền làm chủ như mục đích CPH mang lại. Trong khi đó, những công nhân ở các doanh nghiệp thành viên Việt Tiến đã thực hiện CPH trước đây được mua với giá thấp, giờ được hưởng chênh lệch giá trị do nằm trong hệ thống thương hiệu chung của Việt Tiến.
Nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Bia-Rượu và Nước giải khát Sài Gòn, Tổng Công ty Bia-Rượu và Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty Phong Phú, Tổng Công ty Dệt may Hà Nội... đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hoàn tất CPH, chậm nhất là hoàn thành vào năm 2008. Đây vẫn là những doanh nghiệp mạnh, chắc chắn cổ phiếu sẽ có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư công chúng. Cùng với quá trình thúc đẩy nhanh tiến độ CPH, doanh nghiệp cần làm sao đảm bảo quyền lợi của người lao động một cách thỏa đáng và hợp pháp, đó chính là vấn đề cần phải quan tâm.
SGGP
|