Công ty CP mua bán điện có điều tiết được giá điện?
Các chuyên gia cho rằng Công ty MBĐ nếu được thành lập theo mô hình CP là không đúng với tinh thần Luật Điện và Quyết định 26/2006/QĐ-TTg. Sau khi Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có tờ trình số 462/TTr-EVN-HĐQT xin Thủ tướng phê duyệt đề án thành lập Công ty cổ phần mua bán điện (CP MBĐ), Thủ tướng đã giao Bộ Công nghiệp chủ trì lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về đề án, trình Thủ tướng trong tháng 7 tới.
Trên thực tế, đề án thành lập công ty CP MBĐ đã không nhận được sự đồng tình ủng hộ của Ngân hàng Thế giới và đặc biệt là các chuyên gia trong ngành công nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng Công ty MBĐ nếu được thành lập theo mô hình CP là không đúng với tinh thần Luật Điện và Quyết định 26/2006/QĐ-TTg. Lý do được đưa ra: trong giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh, để khuyến khích đầu tư vào các nguồn mới và tạo nên cạnh tranh trong khâu phát điện nhằm giảm áp lực tăng giá điện, một Đơn vị mua duy nhất (công ty MBĐ) sẽ được thành lập để đàm phán và mua toàn bộ điện năng từ các đơn vị phát điện; đồng thời bán lại điện cho các đơn vị phân phối. Vì vậy, Công ty này không thể vừa đại diện cho các đơn vị phát điện (bên bán) vừa đại diện cho các đơn vị phân phối điện (bên mua).
Hợp đồng mua bán điện vốn mang tính chất dài hạn nên nếu trao vào tay một công ty CP hình thành với mục đích hoạt động trong một thời gian ngắn (đến khoảng 2014) sẽ không đảm bảo độ tin cậy cho các nhà đầu tư nguồn điện khi đầu tư các nguồn mới và sẽ được đánh giá là có rủi ro cao hơn khi ký hợp đồng với công ty MBĐ do nhà nước quản lý và bảo lãnh dẫn đến giá điện ký giữa Công ty CP MBĐ và các nhà đầu tư sẽ cao hơn.
Nếu Công ty MBĐ là công ty CP hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, thì Công ty này sẽ phải làm mọi cách để tối đa hoá lợi nhuận của công ty và từng thành viên cũng tìm cách tối đa hoá lợi nhuận của riêng công ty mình thông qua chi phối các hoạt động của Công ty CP MBĐ. Điều này có nghiã là Công ty CP MBĐ sẽ phải nâng giá mua điện từ các đơn vị phát điện do cổ đông chiến lược sở hữu, giảm giá mua điện từ các nguồn phát không sở hữu bởi các cổ đông chiến lược và tăng giá bán điện cho công ty phân phối điện để tăng lợi nhuận và đảm bảo cổ tức cho các cổ đông của Công ty. Như vậy, Công ty CP MBĐ đã đẩy toàn bộ rủi ro về giá điện cho công ty phân phối và sẽ đẩy áp lực tăng giá điện một cách nghiêm trọng. Hoạt động của Công ty MBĐ dưới hình thức doanh nghiệp đa sở hữu, đa ngành nghề như trong đề án sẽ cản trở các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng điều tiết giá điện.
Các ý kiến phân tích còn chỉ rõ: EVN cho rằng mô hình Công ty CP MBĐ sẽ giải tỏa tâm lý nặng nề về sự độc quyền của EVN trong việc mua điện từ các nhà đầu tư nhưng trên thực tế, với mô hình tổ chức ngành điện liên kết dọc hiện nay, vai trò độc quyền nhà nước đối với ngành điện đã chuyển về cho EVN thành độc quyền doanh nghiệp. Khi đề xuất hình thành Công ty MBĐ theo hình thức công ty CP với chức năng mua toàn bộ điện từ các nhà máy điện và bán lại cho các công ty phân phối, trong khi công ty CP MBĐ lại do EVN và 7 cổ đông sáng lập hiện nắm giữ trên 80% tổng công suất nguồn toàn hệ thống thì thực chất là chuyển từ độc quyền của một doanh nghiệp nhà nước sang độc quyền của một doanh nghiệp CP mang tính tư nhân.
Ngoài ra, trong các cổ đông chính còn có các cổ đông nắm giữ các ngành công nghiệp quan trọng như than, dầu khí, các tập đoàn này cũng sẽ có thể lợi dụng vị thế độc quyền này để thu được lợi nhuận cao hơn từ các khâu cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện và làm giá điện càng tăng cao. Điều này sẽ là cản trở lớn cho thị trường điện không phát triển cũng như làm mất vai trò của một doanh nghiệp nhà nước chủ đạo trong đảm bảo an ninh cung cấp điện cho xã hội và nền kinh tế.
Trong mô hình liên kết dọc hiện tại, EVN đóng vai trò hết sức quan trọng trong đảm bảo an ninh cung cấp điện, vì EVN sẽ mua điện từ tất cả các nhà máy điện và phân phối lại cho các công ty phân phối. Tuy được nhà nước giao cho một khối lượng tài sản rất lớn và chịu trách nhiệm MBĐ đảm bảo cung cầu nhưng tình hình thiếu điện dẫn đến cắt điện trên diện rộng trong những tháng mùa khô các năm gần đây cho thấy EVN chưa thực sự hoàn thành tốt chức năng được giao.
Theo tính toán của nhiều cơ quan chức năng, sản lượng điện trong các tháng 4, 5 cuối mùa khô năm nay chỉ thiếu từ 100 – 150 triệu kWh nhưng EVN đã yêu cầu các Công ty điện lực cắt giảm lượng điện lên tới 500 – 600 triệu kWh. Nhiều chuyên gia khẳng định: thực sự công suất thiếu hụt không nhiều như EVN nêu mà để giảm lượng điện phải mua từ các nguồn điện giá cao (nhiệt điện dầu, tua bin khí chạy dầu) và giảm lỗ tức thời, EVN đã cắt giảm nhiều hơn mức cần thiết gây ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống xã hội. Liệu hiện tượng này có thể được loại trừ khi chức năng đảm bảo cung cấp điện được giao vào tay một công ty CP MBĐ hoạt động vì mục đích lợi nhuận?
Việc thành lập Công ty MBĐ (SB) là điều kiện tiên quyết và cần thiết cho phát triển thị trường phát điện cạnh tranh. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong số ít các nước đang thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, không có nước nào có công ty mua buôn điện theo hình thức CP. Các nước thường thành lập SB như một đơn vị hưởng phí (non-profit) hoặc công ty do nhà nước sở hữu để đảm bảo tính độc lập, công bằng, minh bạch và điều tiết được chi phí trong giá điện.
TTXVN
|