Thứ Sáu, 29/06/2007 16:24

Các nhà đầu tư lớn của Ấn Độ sẽ đến Việt Nam

Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam và xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ trong thời gian tới có rất nhiều triển vọng. Đó là khẳng định của Đại sứ Ấn Độ Lal T. Muana khi trao đổi với ĐTCK-online về chuyến thăm Ấn Độ sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (từ ngày 4-6/7/2007).

Trong những năm gần đây, đã diễn ra làn sóng đầu tư ra nước ngoài của Ấn Độ, tuy nhiên đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam còn hạn chế. Ông có thể cho biết nguyên nhân?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự thiếu vắng các dự án đầu tư mới của Ấn Độ trong thời gian qua. Tuy nhiên, sắp tới, các doanh nghiệp (DN) Ấn Độ, đặc biệt các DN sản xuất thép sẽ đến và đầu tư lớn tại Việt Nam. Các DN trong ngành công nghiệp dầu lửa, cao su... cũng vậy. Tôi chắc chắn rằng, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam sẽ tăng trưởng trong những năm tới và sẽ có ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn của Ấn Độ đến Việt Nam.

...Giống như dự án thép Thạch Khê (Hà Tĩnh) mà Công ty Thép Tata của Ấn Độ và Tổng công ty Thép Việt Nam sẽ thực hiện, thưa ông?

Công ty Thép Tata nói với tôi rằng, dự án đầu tư ở Hà Tĩnh chỉ là sự khởi đầu cho những cam kết lớn của Tata tại Việt Nam. Nhiều DN khác thuộc Tập đoàn Tata cũng đang lên kế hoạch tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Năm 2006, Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 145 triệu USD sang Ấn Độ và nhập siêu khoảng 800 triệu USD. Một số DN Việt Nam cho rằng, hàng hoá Việt Nam khó thâm nhập thị trường Ấn Độ, vì hàng rào thuế quan của Ấn Độ khá chặt chẽ và thủ tục thanh toán phức tạp. Ấn Độ có kế hoạch gì nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hoá Việt Nam?

Đúng là xuất khẩu của Việt Nam vào Ấn Độ chưa nhiều, nhưng nhiều khả năng, tình hình này sẽ có những thay đổi mạnh mẽ trong một vài năm tới. Một ngày nào đó, Việt Nam sẽ có thặng dư thương mại với Ấn Độ. Các nước ASEAN khác, như Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã và đang xuất khẩu hàng tỷ USD hàng hoá và dịch vụ sang Ấn Độ.

Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội và Lãnh sự quán Ấn Độ tại Việt Nam sẵn sàng đón tiếp các nhà xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận thị trường Ấn Độ. Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ là một diễn đàn rất tốt để giải quyết những vấn đề như vậy.

Ông có gợi ý nào giúp các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào Ấn Độ?

Hiện tại, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, với quá trình công nghiệp hoá nhanh chóng, hàng tiêu dùng nhiều khả năng sẽ chiếm vị trí chủ đạo trong xuất khẩu của các bạn. Ấn Độ đang nổi lên như một trong những thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn nhất thế giới, việc hai nước kết thúc các thỏa thuận trong khuôn khổ ASEAN và khuôn khổ song phương là vô cùng quan trọng. Chúng tôi chào đón các đoàn thương mại Việt Nam sang làm việc tại Ấn Độ và sự tham gia của các DN Việt Nam tại các hội chợ ở Ấn Độ. Chúng tôi cũng đang giải quyết các vấn đề liên quan tới kết nối giao thông đường bộ và đường thủy với các nước ASEAN nói chung và với khu vực Mekong-Ganga nói riêng.

Liên quan đến chuyến thăm thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong tuần tới, ông có thể cho biết những thỏa thuận nào sẽ được ký kết giữa hai Chính phủ trong chuyến thăm này?

Dự kiến hai bên sẽ ký kết một số thỏa thuận trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bên cạnh những thỏa thuận này, Công ty Thép Tata và Công ty Thép Essar sẽ ký các thỏa thuận hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam trước sự chứng kiến của hai Thủ tướng. Thông tin về các thỏa thuận này sẽ được công bố cho báo chí trong một vài ngày tới.

Cuối cùng, Đại sứ có thể cho biết đâu là những lĩnh vực mà Ấn Độ mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới?

Ấn Độ mong muốn được tham gia vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất thép, hydro carbon và một số lĩnh vực công nghiệp khác. Các DN Ấn Độ có thể nhìn thấy trước sự gia tăng nhu cầu về nguyên liệu công nghiệp thô và thành phẩm. Họ đang hướng tới những kế hoạch dài hạn.

Trước đây, hợp tác giữa hai nước được thực hiện dựa trên các sáng kiến và tài chính của hai Chính phủ. Giờ đây, chúng ta tiến tới quan hệ kinh tế được dẫn dắt bởi khu vực kinh tế tư nhân. Các hợp đồng hợp tác của họ sẽ không chỉ giải quyết các vấn đề song phương, mà còn cùng giải quyết những vấn đề kinh tế khu vực và toàn cầu vì lợi ích của nhân dân toàn thế giới.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   “Hạ nhiệt” giá tiêu dùng như thế nào? (29/06/2007)

>   Giá tăng là do kiểm soát không hiệu quả (29/06/2007)

>   VN chưa có tên trong CLB triệu phú thế giới (29/06/2007)

>   Thủ tướng: Việt Nam sẽ tích cực hợp tác với WB (29/06/2007)

>   Du khách Thái Lan đến Huế tăng đột biến (29/06/2007)

>   Đoàn doanh nghiệp TPHCM thắng lớn với các hợp đồng ký kết với doanh nghiệp Mỹ (29/06/2007)

>   Việt Nam sẽ khủng hoảng thiếu năng lượng, nếu... (29/06/2007)

>   XK đồ gỗ sang Mỹ: Lửng lơ nguy cơ chống bán phá giá (29/06/2007)

>   Phát hiện "tạp chất lạ" trong nước cam ép Splash (29/06/2007)

>   Nhiều cơ hội cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao (29/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật