Tiền nước ngoài “rồng rắn” vào Việt Nam
Hàng loạt quĩ đầu tư nước ngoài đang “xếp hàng” để rót vốn vào VN vì đầu tư tại thị trường VN đang mang lại “siêu lợi nhuận”.
70 quĩ nước ngoài chờ vào VN
Giới đầu tư truyền tai nhau năm ngoái lợi nhuận của nhiều quĩ đầu tư nước ngoài “nghe mà khiếp!”. Có hai quĩ đã “trả lại” cho nhà đầu tư khoảng 140%, tức nhà đầu tư bỏ vào 1 USD thì được trả 1,4 USD, phần vốn góp giữ nguyên. Một quĩ khác do đầu tư nhiều vào bất động sản chưa thể có lãi ngay nên trả chừng 60%, tức bỏ vào 1 USD thì được nhận 0,6 USD.
Lợi nhuận lớn từ thị trường VN đã tạo nên một hấp lực lớn đối với các tổ chức tài chính nước ngoài. Số liệu đưa ra trong một cuộc hội thảo về tài chính cuối tuần qua cũng làm nhiều người “giật mình”, rằng có đến 70 quĩ nước ngoài đang chờ để gia nhập thị trường.
Hiện tất cả số liệu về đầu tư gián tiếp nước ngoài vào VN đều là ước đoán, vì thị trường OTC vẫn nằm ngoài vòng kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Riêng ba quĩ đầu tư lớn nhất trên thị trường đang nắm gần 4 tỉ USD. Dragon Capital đang quản lý khoảng 1,5 tỉ USD, kế đến là VinaCapital với gần 1,3 tỉ USD và Indochina Capital với gần 1 tỉ USD. VinaCapital cũng mới vừa hoàn tất chuyến đi đến các trung tâm tài chính trên thế giới để huy động 250-300 triệu USD cho quĩ đầu tư chuyên về hạ tầng.
Chính sự lớn mạnh ngoài dự kiến của ba quĩ này đã buộc các tổ chức tài chính nước ngoài khác phải vào cuộc để không quá chậm chân trong trong cuộc chơi này. Công ty Mekong Capital cũng vừa hoàn tất huy động 100 triệu USD cho quĩ thứ ba của mình có tên gọi Azalea Fund. Quĩ đầu tiên của Mekong chỉ có số vốn 18,5 triệu USD, quĩ thứ hai tăng lên 50 triệu USD và đến quĩ thứ ba đã tăng gấp đôi.
Những năm trước, một khoản đầu tư của Mekong Capital thường dừng lại ở vài trăm ngàn USD, nay quĩ phải tăng lên 5-6 triệu USD. Sự phát triển của thị trường chứng khoán đã đẩy giá trị của các doanh nghiệp tư nhân tăng chóng mặt, buộc Mekong Capital phải đưa ra giá cao mới mong được làm “đối tác chiến lược”.
Sau Azalea Fund, một loạt quĩ khác đang chờ Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép. Trong số này có một quĩ đầu tư của Nhật, dự kiến có số vốn 200 triệu USD. Các tổ chức tài chính của Trung Quốc và Hong Kong cũng đã đặt chân đến VN thông qua việc thành lập công ty tư vấn đầu tư tài chính.
Hầu hết đã chuẩn bị tiền để sẵn sàng cho các cuộc đấu giá của các doanh nghiệp nhà nước cỡ bự trong thời gian sắp tới. Các chuyên gia tài chính dự kiến sẽ có thêm gần 2 tỉ USD đổ vào thị trường VN trong năm 2007.
Nhất chứng khoán, nhì nhà đất
Theo lãnh đạo một quĩ đầu tư, hầu hết quĩ đầu tư đều nhắm vào cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn và trên thị trường OTC. Đây là lĩnh vực đầu tư xem chừng “dễ ăn” nhất vì việc phân tích các doanh nghiệp vẫn còn đơn giản và rủi ro không cao do các quĩ không bỏ tiền nhiều vào một doanh nghiệp nào và hầu hết là đầu tư ngắn hạn. Lĩnh vực thứ hai đang “nóng” do một số quĩ lớn đang “bành trướng” là bất động sản. Bất động sản được xem là “hàng nằm” của các quĩ bởi thời gian đầu tư và thu hồi vốn khá dài.
Theo đánh giá của các quĩ, Mekong Capital và BankInvest đang chọn cho mình “phân khúc thị trường” khó ăn nhất bởi họ chỉ chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân. Sau hơn nửa năm tìm kiếm, BankInvest đã công bố hai dự án đầu tư đầu tiên là Công ty bảo hiểm AAA và Công ty chế biến gỗ Đức Thành.
Đến VN trước BankInvest khá lâu, đến nay Mekong Capital đã đầu tư tổng cộng 12 doanh nghiệp, trong đó có những tên tuổi khá nổi tiếng trên thị trường như nhựa Tân Đại Hưng, dây điện từ Ngô Han, may Minh Hoàng, Saigon Gas, tin học Lạc Việt... Đáng lưu ý là Ngô Han có hai lần nhận đầu tư, một lần vào tháng 4-2005 với 1,85 triệu USD và lần thứ hai vào tháng 1-2007 với 1,91 triệu USD.
Theo các chuyên gia, việc một số quĩ đầu tư ưu ái dành vốn cho khu vực tư nhân là một điểm sáng trong hàng loạt quĩ đang muốn đánh nhanh, thắng nhanh trên thị trường chứng khoán. “Tôi cho rằng BankInvest và Mekong Capital là những nhà đầu tư rất kiên nhẫn, họ bỏ vốn vào các doanh nghiệp VN trong thời gian dài, hỗ trợ phát triển để đến một ngày các doanh nghiệp này lớn mạnh. Chính sự có mặt của họ đã góp phần kích thích sự thành lập mới và tìm đường phát triển khác biệt của các doanh nghiệp trong khu vực này” - một chuyên gia nhận định.
Các công ty quản lý quĩ trong nước cũng không ngồi yên chịu thua. Công ty cổ phần quản lý quĩ Phú Lân vừa thành lập một quĩ mới toanh có tên gọi Lion Capital.
Ông Louis Nguyen - giám đốc điều hành quĩ - cho biết quĩ chuẩn bị huy động 200 triệu USD từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. “Chúng tôi dự kiến sẽ đến Mỹ, châu Á và châu Âu để gây quĩ, và hiện đã chuẩn bị hơn 10 dự án chờ giải ngân” - ông Louis Nguyen nói.
Theo ông, sở dĩ ông phải phân quĩ của mình làm hai “túi” riêng cho vốn trong nước và vốn nước ngoài vì nếu là vốn trong nước thì sẽ không bị hạn chế về tỉ lệ sở hữu khi đầu tư.
Tuổi trẻ
|