Thủy sản Bến Tre huy động vốn cho các dự án lớn
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre chuẩn bị phát hành 3 triệu cổ phiếu để huy động vốn đầu tư mở rộng nuôi và chế biến cá tra.
Công ty vừa công bố thông tin rất chi tiết về kết quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh, những thuận lợi và rủi ro... Sau đây là những thông tin quan trọng về Thủy sản Bến Tre.
Công ty Thủy sản Bến Tre là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nghêu và cá tra hàng đầu của Việt Nam. Sản phẩm chính của công ty là nghêu, cá tra và tôm sú đông lạnh. Các sản phẩm của công ty xuất sang thị trường EU là nghêu, cá tra, tôm được khách hàng đánh giá cao.
Doanh thu và lợi nhuận của công ty năm 2006 tăng so với 2005 lần lượt là 17,27% và 220,79% chủ yếu là do sản phẩm nghêu và cá mang lại. Năm 2006, sản lượng nghêu tăng 23,91% và sản lượng cá tăng 24,89% so với năm 2005. Công ty Thủy sản Bến Tre đứng đầu các doanh nghiệp xuất khẩu nghêu của Việt Nam, năm 2005 chiếm 24% thị phần (2.660 tấn) và năm 2006 chiếm 21% thị phần (2.677 tấn).
Lợi thế cạnh tranh mặt hàng nghêu của công ty là có thị phần lớn nhất, tọa lạc ngay tại tỉnh có sản lượng nghêu lớn nhất nước (sản lượng 45.000 tấn/năm, diện tích nuôi 5.000 ha), có trang thiết bị công nghệ chế biến nghêu hoàn chỉnh, công suất lớn, công nhân có tay nghề cao, chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn cao nhất về vi sinh và về cảm quan, có mối quan hệ đối tác với nhiều khách hàng lớn tại các thị trường nhập khẩu chính.
Tuy nhiên, Công ty Thủy sản Bến Tre cũng có những rủi ro chính sau: Rủi ro về nguyên liệu đầu vào: ngoài một phần tôm sú nguyên liệu do công ty tự nuôi, phần lớn nguyên liệu nghêu, cá do công ty mua bên ngoài. Do đó, các biến động của thị trường nguyên liệu đầu vào đều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Đối với sản phẩm nghêu: sản lượng nghêu nuôi hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên nên trong các năm qua, do công tác bảo vệ nguồn lợi nghêu giống chưa tốt, chưa có biện pháp khai thác, bảo vệ và tái tạo phù hợp nên lượng nghêu giống xuất hiện ngày càng giảm. Trong quá trình nuôi, thời tiết nắng nóng kéo dài, môi trường ô nhiễm, xuất hiện tảo độc... cũng làm nghêu nuôi chết nhiều.
Đối với sản phẩm cá tra: Tình trạng phát triển thiếu qui hoạch dẫn đến tình trạng thừa thiếu cá trong từng thời điểm, nguy cơ suy thoái môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch bệnh phát triển.
Rủi ro về thị trường tiêu thụ: Nhu cầu thủy sản ở các thị trường truyền thống và lớn nhất là Nhật, EU và Mỹ vẫn tiếp tục tăng trong bối cảnh dịch cúm gia cầm lan rộng làm ảnh hưởng đến nhiều nước. Tuy nhiên, việc xâm nhập vào các thị trường này vẫn còn nhiều rủi ro do sự cạnh tranh của sản phẩm cùng loại, sự thay đổi hành vi người tiêu dùng, đặc biệt là qui định của nước nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng nghiêm ngặt với quy định ngày càng ít kháng sinh, hoá chất được phép sử dụng, các mức giới hạn cho phép ngày càng thấp, tần suất lấy mẫu hàng nhập khẩu tăng khi cần thiết và thiết bị phân tích ngày càng có độ nhạy cao.
Đối với sản phẩm cá tra, các nước Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... đang nghiên cứu, phát triển nuôi cá da trơn nên sẽ trở thành các đối thủ cạnh tranh mới của cá tra Việt Nam sau vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ.
Mục đích chính của đợt phát hành lần này là huy động vốn đầu tư 2 dự án:
Thứ nhất là dự án đầu tư xây dựng vùng nuôi cá tra nguyên liệu với công nghệ kỹ thuật nuôi: áp dụng qui trình nuôi thâm canh cá tra thịt trắng, mật độ cao 40 con/m2, năng suất 400 tấn/ha/vụ, có sử dụng chế phẩm sinh học.
Công suất dự án: 2 năm nuôi 3 vụ, tạo nguồn nguyên liệu ổn định 15.000 tấn cá tra/năm đạt tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư của dự án 168,695 tỷ đồng, hoàn toàn từ vốn tự có của công ty, không vay vốn ngân hàng. Tỷ lệ thu nhập nội bộ (IRR) là 19% và hiện giá thu nhập ròng của dự án (NPV) là 80,66 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là 4,5 năm.
Thứ hai, dự án đầu tư mở rộng phân xưởng chế biến cá tra fillet với công suất 5.000 tấn thành phẩm cá tra fillet/năm. Mức tăng trưởng của sản lượng cá tra fillet xuất khẩu của công ty trong 3 năm qua bình quân 39,75%, tương đương 850 tấn/năm.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng và tận dụng cơ hội mở rộng thị trường, công ty cần thiết phải đầu tư mở rộng phân xưởng chế biến, công suất của phân xưởng mở rộng dự kiến 5.000 tấn/năm là mức công suất phù hợp, nâng công suất chế biến từ 8.000 tấn/năm hiện nay lên 13.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư 78,362 tỷ đồng, trong đó từ vốn tự có của công ty là 31,305 tỷ và vay ngắn hạn là 47,057 tỷ đồng.
Tỷ lệ thu nhập nội bộ (IRR) là 21% và hiện giá thu nhập ròng của dự án (NPV) là 52,38 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là 4,5 năm.
TBKTVN
|