Chuyện về người hành nghề chứng khoán
Những ngày vừa qua, TTCK ấm trở lại, và tình trạng nghẽn lệnh ở các CTCK lại trở thành vấn đề được nhiều người chú ý. Tuy nhiên, nguyên nhân của chuyện nghẽn lệnh không thể hoàn toàn đổ lỗi cho CTCK, vì dù sao, điều này cũng bắt nguồn từ hệ thống giao dịch. Và vấn đề quan tâm khác mà nhà đầu tư đòi hỏi từ phía các CTCK chính là sự chuyên nghiệp của đội ngũ hành nghề…
Không chuyên nghiệp từ những điều trông thấy
Nhiều nhà đầu tư cảm thấy bực mình khi mà họ đang cố gắng gửi lệnh thật nhanh, thì tại quầy giao dịch, một nhân viên cứ hì hục “mổ cò” từng chữ để kiểm tra tính khả thi của lệnh. Chưa hết, nhà đầu tư còn bực mình vì khi “lắng tai nghe” tiếng đọc lệnh, họ mới biết rằng, nhân viên còn chưa biết hết các mã chứng khoán. Cô Huệ, nhà đầu tư cá nhân tại một CTCK (đã hoạt động được hơn 7 tháng), cho biết: “Tôi mở tài khoản ở đây, một phần vì chưa có nhiều nhà đầu tư, phần vì nhân viên ở đây rất nhiệt tình và lịch sự. Nhưng có một điều rất kém là tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên còn quá thấp, đôi khi cảm thấy sốt ruột trước cách làm của họ”. Chuyện còn đáng nói hơn nữa khi mà sự thiếu chuyên nghiệp còn thể hiện ở sự đam mê nghề nghiệp. Tại quầy giao dịch, trong lúc các nhà đầu tư xếp hàng chờ đến lượt nhập lệnh, nhân viên giao dịch lại quay sang… nuối tiếc với nhân viên khác vì lệnh của mình đã không được khớp.
Việc thao tác chậm hoặc hay nhầm lẫn của nhân viên CTCK đôi khi giúp nhà đầu tư cười rạng rỡ vì mua đúng mã lên, nhưng đôi khi cũng dẫn đến tranh cãi làm dở khóc, dở cười khi sau đó, giá cứ liên tục rớt. Tất nhiên, để cho xong chuyện, đôi khi, lãnh đạo công ty lại phải rút tiền túi ra để đền bù cho nhà đầu tư, tránh gây tai tiếng. Nhưng, đôi khi cũng chẳng biết lỗi tại ai để mà… cảnh cáo.
Một trong những tiêu chí chuyên nghiệp của broker được đưa ra là phải am hiểu tài chính, có kiến thức thực tế và sử dụng ngoại ngữ tốt. Vậy nhưng, ngoại trừ một số trưởng, phó phòng của CTCK có vốn ngoại ngữ khá tốt, số còn lại, nhất là nhân viên giao dịch thì khả năng ngoại ngữ đều dưới mức trung bình. Và mỗi lần có khách nước ngoài hỏi thăm, lập tức các nhân viên chạy nháo nhào để tìm người… nói chuyện. Còn kiến thức căn bản về tài chính và chứng khoán thì không hẳn broker nào cũng tốt, có lẽ một phần vì hiện nay, broker chủ yếu thực hiện chức năng giao dịch hơn là tư vấn.
Và những điều chưa biết…
Một nhân viên mới của CTCK X kể rằng, ngày đầu đến làm việc, anh rất ngưỡng mộ hình ảnh công ty, nhưng sau nhìn cách phòng tự doanh và phòng phân tích làm việc, anh thấy nản quá. Theo quan sát của anh, phòng phân tích cũng gồm một vài người, trong đó có cả người tốt nghiệp ở nước ngoài về, nhưng phân tích công ty theo kiểu 10 chỉ số tài chính cơ bản và để đó, không có nhận xét, bình luận, đánh giá sâu doanh nghiệp. Khi nhân viên phòng tự doanh “cảm thấy” mã chứng khoán nào đó tốt, lập tức đề nghị phòng phân tích gửi bản phân tích doanh nghiệp phát hành, sau đó mới quyết định mua hay không? Đây thật là chuyện rất ngược đời, vì muốn thành công trên thị trường, tận dụng cơ hội, thời điểm là yêu cầu hết sức quan trọng, ngay cả nhà đầu tư cá nhân cũng có chiến lược thông tin và cập nhật thông tin, lựa chọn, phân bổ danh mục đầu tư rõ ràng, vậy mà một tổ chức chuyên nghiệp lại không làm được điều đó.
Tất nhiên, chuyện chuệch choạc như vậy ở CTCK không phải là nhiều, nhưng nó vẫn tồn tại và cần được khắc phục. Trong giai đoạn thị trường bùng nổ hay trầm lắng, tự doanh vẫn là nguồn thu hết sức quan trọng cho CTCK, nhưng kiểu hoạt động như vậy thì làm sao có thể tự doanh tốt, nói gì đến tư vấn đầu tư? Và nếu không cải thiện được mức độ chuyên nghiệp, sẽ khó lòng có thể đảm bảo giữ chân nhà đầu tư khi thị trường chuyển sang giai đoạn mới, phát triển hơn cả về chất và về lượng.
ĐTCK
|