Thứ Hai, 28/05/2007 17:42

Nhà đầu tư Trung Quốc lao vào chứng khoán

Hãng Reuters mới đây đã có bài viết cảnh báo về thị trường chứng khoán đang sốt nóng của Trung Quốc và nguy cơ đối với làn sóng các nhà đầu tư cá nhân đang lao vào thị trường này.

"Dù cho vay với lãi suất cao gấp 10 lần lãi suất ngân hàng, cửa hiệu cầm đồ ở Bắc Kinh của Xu Wei vẫn tấp nập người đến đặt ôtô, nhà cửa và các đồ vật có giá trị khác để lấy tiền đổ vào thị trường chứng khoán.

Ông chủ Xu lý giải cho sự tấp nập này bằng câu "thị trường chứng khoán béo bở lắm. Lời lãi từ chứng khoán cao hơn tiền lãi mà người ta trả cho tôi rất, rất nhiều lần".

Sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán

Nhà kinh tế Zhu Jianfang làm việc tại Công ty Chứng khoán Trung Quốc ở Bắc Kinh ước đoán, ít nhất 12% trong tổng số 1,3 tỷ dân của Trung Quốc tham gia thị trường chứng khoán.

Sau quy định cấm các ngân hàng cho khách hàng vay tiền để đầu tư chứng khoán, sự sôi động của thị trường chứng khoán không hề suy giảm, bởi nhà đầu tư đã tìm được những cách khác để nuôi giấc mộng làm giàu với thị trường chứng khoán.

Một số ngân hàng lớn đã "bắt tay" với các cơ quan nhà nước, theo đó, những nhân viên có công việc ổn định ở các cơ quan này có thể vay không cần thế chấp số tiền lên tới 200.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 26.300 USD) trong thời gian tối đa một năm.

Hua Chao, nhân viên một cơ quan nhà nước, tuần trước đã vay ngân hàng 150.000 NDT để đầu tư vào chứng khoán. Anh này khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Vụ đầu tư này chỉ sau 1 năm sẽ mang lại cho tôi ít nhất 70.000 NDT, trong khi tôi chỉ phải trả lãi ngân hàng có 9.000 NDT".

Những người không có gì quý giá để cầm cố, cũng không thể dùng công việc làm tín chấp như Hua Chao thì có thể viện đến người thân, bạn bè. Yan Dong, làm việc tại một công ty quảng cáo, tháng 2 vừa qua đã mượn 200.000 NDT của mẹ vợ và anh em họ để đầu tư chứng khoán. Sau 2 tháng rưỡi, số tiền này được nhân lên gấp đôi và thế là Yan vừa có tiền trả nợ, vừa có tiền để chơi tiếp.

Hua và Yan chỉ là 2 trong số hàng chục triệu công dân Trung Quốc thuộc đủ mọi tầng lớp đang lao như thiêu thân vào thị trường chứng khoán.

Ông Zhu Jianfang ước tính có khoảng 50 triệu nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến. Số liệu thống kê chính thức cho thấy nhà đầu tư cá nhân sở hữu tới 99% trong tổng số 90 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán ở Trung Quốc và nắm khoảng 60% trong tổng số vốn 2 nghìn tỷ USD của thị trường cổ phiếu hạng A.

Vì sao hàng chục triệu người dân Trung Quốc lại "phát sốt phát rét" với thị trường chứng khoán? Câu trả lời trước hết nằm ở những tấm gương làm giàu nhanh như Yan Dong, thứ nữa là ở những con số đầy hấp dẫn như thị trường chứng khoán Trung Quốc: tăng hơn 300% chỉ trong 18 tháng và từ đầu năm đến nay tăng 55%.

Giá các cổ phiếu nhỏ - mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư cá nhân - cũng tăng với tốc độ chóng mặt. Cổ phiếu của Công ty khung thép Zhejiang Hangxiao từ đầu năm đến nay tăng gấp 8 lần, bất chấp việc công ty bị phạt vì cung cấp thông tin sai về các hợp đồng lớn với Ăngôla; của công ty sản xuất kem đánh răng LMZ và tập đoàn vận tải Shanghai Ba-shi tăng gấp 5 lần và của tập đoàn sợi hoá học Jilin tăng gấp 4 lần...

Hậu quả khó lường

Tình trạng người dân đổ xô vào thị trường chứng khoán khiến giới chức Trung Quốc rất lo ngại. Ngày 18/5, Thống đốc Ngân hàng trung ương Zhou Xiaochuan, sau lời cảnh báo thị trường chứng khoán đang ở trong tình trạng bong bóng, đã quyết định tăng lãi suất huy động tiền gửi để ngăn chặn làn sóng tài chính đổ từ ngân hàng sang thị trường chứng khoán và hạn chế sự phi mã của thị trường chứng khoán.

Nhưng biện pháp này xem ra không làm nguội được "bầu nhiệt huyết" của các nhà đầu tư. Bằng chứng là thị trường chứng khoán tiếp tục tăng mạnh trong vài phiên giao dịch ngay sau đó, chỉ đổi chiều trong duy nhất phiên 24/5 do có thêm những lời cảnh báo từ cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Kết thúc tuần này, chỉ số chứng khoán Thượng Hải vẫn tăng tới gần 150 điểm so với tuần trước.

Cùng chung nhận định về quả bong bóng thị trường chứng khoán, cựu cố vấn của Ngân hàng Trung ương Yu Yongding đã đưa ra lời cảnh báo trên tạp chí Chứng khoán Trung Quốc: "Một khi quả bong bóng vỡ sẽ tác động khôn lường đến nền kinh tế và sự ổn định xã hội (thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện chiếm hơn 70% GDP và tương đương với 115% GDP năm 2001).

Tệ hơn, đối tượng lãnh hậu quả nặng nề nhất lại là những nhóm người "yếu" nhất như nông dân, nội trợ và công nhân. Thị trường chứng khoán vỡ cũng đồng nghĩa với làn sóng các khoản nợ xấu, bởi một tỉ lệ không nhỏ các khoản vay từ ngân hàng đang nằm ở thị trường chứng khoán.

Nhưng xem ra, giới đầu tư không hề nao núng trước những lời cảnh báo và sự lo lắng này. Thí dụ điển hình là nhà đầu tư Hua Chao vẫn khẳng định như đinh đóng cột: "Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng ít nhất là đến hết Olympic Bắc Kinh 2008. Thật sai lầm nếu bỏ qua cơ hội không biết bao giờ mới lặp lại này"./.

TTXVN

Các tin tức khác

>   STB thông báo phát hành cổ phiếu ra công chúng (28/05/2007)

>   Lòng tin và bản cáo bạch (28/05/2007)

>   Cổ phiếu Việt Nam hấp dẫn vì tài sản bị định giá thấp (28/05/2007)

>   Xu hướng đầu tư ngắn hạn vào cổ phiếu điện (28/05/2007)

>   Sẽ có trên 100 công ty chứng khoán? (28/05/2007)

>   Tiền nước ngoài “rồng rắn” vào Việt Nam (28/05/2007)

>   Sẽ có thêm 2 tỉ USD đổ vào thị trường chứng khoán VN (28/05/2007)

>   SDA tăng vốn điều lệ lên 70 tỷ đồng (26/05/2007)

>   PAN sẽ phát hành 3,8 triệu cổ phiếu mới. (26/05/2007)

>   Thủy sản Bến Tre huy động vốn cho các dự án lớn (26/05/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật