Cổ phiếu Việt Nam hấp dẫn vì tài sản bị định giá thấp
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để giao dịch nhanh chóng, thuận tiện hơn - Cách quản lý còn cứng nhắc, thiếu nhất quán. Hội chợ Triển lãm đầu tư tài chính châu Á do Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Tập đoàn Nextview tổ chức trong hai ngày 26 và 27-5 đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư tài chính khu vực châu Á.
Đây cũng là điều kiện để họ tìm hiểu về thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam, là cơ hội để giới thiệu thị trường tài chính Việt Nam ra thế giới.
Phải tính giá trị trong tương lai
Các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đến vấn đề “giá trị cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có bị định giá quá cao hay không”? Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, cho biết theo đánh giá của VinaCapital ở 20 cổ phiếu hàng đầu trên thị trường niêm yết của Việt Nam có chỉ số P/E là khoảng 40, con số này khá cao so với một số nước. Ông Stephan Lai, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nextview, cho rằng: “Đầu tư vào cổ phiếu của Việt Nam là đầu tư cho tương lai, vào sự phát triển ổn định của nền kinh tế Việt Nam, của các công ty đang làm ăn rất hiệu quả, chứ không phải trong ngắn hạn. Phải tính theo nguyên tắc thị trường như thế thì mới thấy được hiệu quả đích thực của nó”. Các chuyên gia cũng cho rằng việc định giá cổ phiếu còn phải dựa trên cơ sở cung- cầu mà thị trường Việt Nam hiện nay thì cầu còn khá nhiều trong khi nguồn cung có hạn.
“Quả trứng vàng” khi cổ phần hóa
Theo bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo, hệ thống kế toán của Việt Nam khác biệt so với các nước. Ví dụ: phần tài sản thực của doanh nghiệp cao nhưng trong sổ sách thường thể hiện ít hơn (do định giá không đúng). Một doanh nghiệp nhà nước có nhiều tài sản, trong đó đất đai có giá trị lớn nhưng lại được định giá rất thấp so giá trị thực. Nhiều người cho rằng đó là “quả trứng vàng khi doanh nghiệp cổ phần hóa”.
Do tài sản bị định giá thấp hơn thực tế nên đây cũng là một trong những lý do thu hút các nhà đầu tư cạnh tranh, đưa giá cổ phiếu của các công ty lên cao. Nhưng đó mới chỉ là giá trị hữu hình, còn giá trị vô hình, thương hiệu của các công ty Việt Nam hầu như đã bị bỏ quên... Như vậy, nếu xét đến nhiều yếu tố thì chưa thể nói giá cổ phiếu đang niêm yết trên TTCK Việt Nam là cao.
Cần áp dụng công nghệ hiện đại
Ông Stephan Stadelmann, thành viên điều hành Tập đoàn Finetik của Nhật Bản, khẳng định: “Rất nhiều nhà đầu tư ở Nhật Bản, Thái Lan... muốn đầu tư vào TTCK Việt Nam số tiền rất lớn, nhưng họ muốn giao dịch trên mạng, nhanh, hiệu quả, chứ tình trạng khớp lệnh 3 phiên mỗi ngày như hiện nay là rất thô sơ. Cơ sở hạ tầng yếu kém như vậy dễ phát sinh tiêu cực trong giao dịch. Tại sao Việt Nam không áp dụng ngay các công nghệ giao dịch chứng khoán hiện đại? Theo ông Stephan Stadelmann, ở Nhật Bản hiện có trên 10 triệu tài khoản giao dịch chủ yếu qua giao dịch trực tuyến. Chỉ trong một buổi sáng, họ có thể giao dịch rất nhiều loại chứng khoán khác nhau. Bởi chỉ trong 2 giây, họ có ngay kết quả giao dịch, trong khi tại Việt Nam cả ngày mới biết được kết quả.
Thông tin, ứng xử còn khác người
Ông Albert Fong, Giám đốc Hiệp hội Môi giới chứng khoán Singapore, cho biết: Ở Singapore, tất cả những thông tin về thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư... được cung cấp đầy đủ và hết sức nhanh chóng. Còn tại Việt Nam, vấn đề cung cấp thông tin liên quan đến doanh nghiệp rất... kỳ lạ. Gần đây, một công ty vừa đấu giá cổ phần xong lại bị Nhà nước buộc hoàn thuế hàng tỉ đồng. Tại sao lại như vậy? Hay thông tin về phát hành cổ phiếu thưởng, chia cổ tức, nhà đầu tư được biết rất chậm. Đó là những rủi ro lớn nhà đầu tư nước ngoài phải chịu ngoài rủi ro về tỉ giá hối đoái khi họ đến với TTCK Việt Nam. Không những thế, ông còn đưa ra dẫn chứng về sự cứng nhắc trong quản lý của một công ty đã niêm yết. “Mới hôm trước đây thôi, tôi đến một công ty chuyên về ngành nhựa để xin một báo cáo tài chính, nhưng nhân viên công ty này lại bảo không được, phải đợi họ xin ý kiến hội đồng quản trị - ông Albert Fong nhấn mạnh - Không được, điều này thật là kỳ lạ! Tôi không sao hiểu được cách quản lý của công ty này”.
NLĐ
|