Lại dời ngày khớp lệnh liên tục: Nhà đầu tư chán nản
Chiều 30/5, Phó giám đốc TTGDCK TP. HCM (HoSTC) Lê Hải Trà cho biết, việc thực hiện khớp lệnh liên tục dự kiến bắt đầu từ 4/6 sẽ không thực hiện kịp, còn đến khi nào mới thực hiện thì… chưa biết. Như vậy, đây là lần thứ 3, khớp lệnh liên tục bị dời lại.
|
Hình VNE | Vì sao lại hoãn?
Từ 18 - 31/5, HoSTC phối hợp với các CTCK thành viên thử nghiệm giao dịch khớp lệnh liên tục vào các buổi chiều và mời nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, có rất ít nhà đầu tư đến sàn giao dịch thử.
Sàn chứng khoán Rồng Việt chỉ có 1 đến 2 khách/phiên, đông như SSI cũng không quá 10 người. Các nhà đầu tư được mở một tài khoản ảo, đặt lệnh thử và theo dõi lệnh có được khớp hay không nhưng ít nhất 5 phút sau họ mới biết qua... nhân viên môi giới.
Giám đốc một CTCK nói: “Nếu khớp lệnh liên tục từ 4/6 thì tôi tin chắc ít nhất 10 CTCK chưa đáp ứng kịp về kỹ thuật. Phòng môi giới công ty tôi khảo sát thử khách hàng và cho kết quả có đến 60% nhà đầu tư chưa hiểu rõ lắm về phương thức này”.
Phó giám đốc một CTCK tại Hà Nội cho biết, các nhà đầu tư đang quen với việc khớp lệnh định kỳ nên nếu chuyển sang khớp lệnh liên tục chắc chắn sẽ có bỡ ngỡ và có khả năng thua thiệt nhỏ. Tuy nhiên, không vì thế mà không tiến hành khớp lệnh liên tục, bởi việc khớp lệnh liên tục không những giúp cho giá cổ phiếu được xác định chính xác hơn mà còn khiến cho khối lượng giao dịch cũng tăng lên. Giá cổ phiếu được xác định chính xác hơn ở chỗ nhà đầu tư không thể đặt mua với giá trần và bán với giá trần như khớp lệnh định kỳ vì sẽ thua thiệt ngay mà buộc họ phải theo dõi sát diễn biến thị trường. Còn khối lượng giao dịch tăng bởi lẽ cùng một khoảng thời gian khớp lệnh liên tục có khả năng giao dịch được nhiều hơn so với khớp lệnh định kỳ.
Về việc khớp lệnh liên tục, ông Trần Văn Chính (sàn ACBS TP. HCM) nói: “Thực ra thì cũng như đặt lệnh mua bán tại sàn Hà Nội thôi, muốn dễ giao dịch thì cứ nhìn khung giá rồi đặt, vài phiên rồi quen, chứ đọc, học lý thuyết lại đâm ra khó giao dịch”.
Giám đốc Công nghệ thông tin (CNTT) CTCK VnDirect Huỳnh Minh Vũ cho biết:
“Về mặt kỹ thuật, việc thay đổi từ khớp lệnh định kỳ sang khớp lệnh liên tục không quá khó với các CTCK vì trình độ CNTT trong ngành tài chính Việt Nam hiện nay cũng khá hiện đại”. Theo Phó giám đốc Chi nhánh TP. HCM CTCK Bảo Việt Võ Hữu Tuấn thì “không thể đợi tất cả đều hoàn thiện hết rồi mới thực hiện, đã quá muộn và duy trì phương thức khớp lệnh định kỳ lạc hậu càng lâu càng bất lợi. Cái mới bao giờ cũng khó khăn nhưng không làm thì không thể giải quyết được hết vì sẽ còn nhiều thứ phát sinh”. Tuy nhiên, nếu bây giờ HoSTC, các CTCK và nhà đầu tư cùng muốn mau chóng thực hiện khớp lệnh liên tục và “đi mãi sẽ thành đường” cũng không thể được vì Bộ Tài chính và UBCKNN chưa “bật đèn xanh”. Lý do là HoSTC và các CTCK vẫn chưa sẵn sàng hoàn toàn và nếu có sai sót thì thiệt hại sẽ không lường được, chưa kể lòng tin sẽ bị xói mòn nên Bộ Tài chính và UBCKNN cần xem xét kỹ.
Nhà đầu tư chán nản
Việc thận trọng trên là hoàn toàn cần thiết vì quá trình khớp lệnh định kỳ vẫn xảy ra sai sót, nhưng việc HoSTC cứ thông báo ngày thực hiện sau đó lại dời đến 3 lần khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc và cho biết họ sẽ không quan tâm đến những thông tin liên quan nữa, khi nào HoSTC làm thì giao dịch theo.
Giám đốc một CTCK mới hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM cũng tỏ ra lo ngại trước những thay đổi liên tục này vì “niềm tin trên TTCK còn quan trọng hơn tiền bạc”.
Chuyên gia chứng khoán Huy Nam băn khoăn: “Thông tin từ HoSTC là một trong ít nguồn thông tin mà nhà đầu tư tin cậy nhất, nếu cứ dời liên tục như vậy, HoSTC sẽ tự làm giảm uy tín và độ tin cậy về thông tin của họ”.
Theo TP
|