Không thể nói là giá chứng khoán quá cao!
Đây là nhận định của ông Vivek Suri - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam trong Báo cáo sơ bộ về tình hình kinh tế Việt Nam sẽ được gửi đến Diễn đàn DN và Hội nghị CG giữa kỳ sắp tới.
Vivek Suri nói, chúng ta không thể kết luận chung chung là giá chứng khoán quá nóng hay được định giá quá cao mà chỉ có thể nói có một số chứng khoán định giá cao. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế tăng trưởng cao thì giá chứng khoán và chỉ số P/E cũng thường cao.
Theo báo cáo sơ bộ của WB, thị trường chứng khoán Việt Nam là câu chuyện mà bất cứ ai quan tâm đến Việt Nam cũng đều nhắc đến. Trong năm qua, thị trường chứng khoán đã có sự bùng nổ cả về số vốn và số DN niêm yết. Phần tăng trưởng chính là do những công ty niêm yết từ năm 2006 về sau tạo ra. Phần lớn các DN này đã được giao dịch trên thị trường OTC từ trước, khi chuyển lên sàn chứng khoán đã làm chính thức hóa dòng vốn và tạo ra sự bùng nổ cho thị trường
Một vấn đề mọi người đều quan tâm là liệu giá chứng khoán có quá cao không. Thực ra không có một câu trả lời tốt nhất cho vấn đề này. Ông Vivek Suri nhấn mạnh.
Theo ông Vivek Suri, thông thường khi để biết giá chứng khoán có cao không thì xem xét chỉ số P/E là chỉ số giữa giá chứng khoán so với thu nhập từng cổ phiếu. Nếu tỷ lệ này quá cao thì giá này quá cao hay quá nóng. Hiện nay, phần lớn các chứng khoán trên sàn TP. HCM có chỉ số P/E 10 - 20 - 30, thậm chí một số chứng khoán ở 40 - 50.
Tuy nhiên, thế nào là cao? Có một cách để chúng ta đánh giá là so sánh với các nước đang tăng trưởng nhanh trong thời gian qua và có thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ. Thông thường, những nước có mức tăng trưởng nhanh thì chỉ số P/E của họ cũng cao. Nguyên nhân là vì về cơ bản chỉ số P/E này thể hiện sự kỳ vọng về một doanh nghiệp. Trong một nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Việt Nam với các DN đều tăng trưởng tốt. Cho nên sự kỳ vọng sẽ lớn hơn, P/E sẽ cao và giá chứng khoán cũng cao. Vì thế không thể nhận định là giá chứng khoán quá cao.
Thực tế, chúng ta có thể thấy đối với một số chứng khoán có tình trạng đẩy giá quá cao nhưng có những chứng khoán giá hoàn toàn phù hợp với giá trị và hoạt động DN.
Được biết, trong báo cáo của mình, WB tiếp tục có sự đánh giá tích cực về phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam được hy vọng sẽ tăng trưởng ở mức 8,5% trong năm nay. Hơn thế, WB cho rằng, điểm nổi bật của Việt Nam là sự tăng trưởng ổn định, bền vững... và điều đó thể hiện tốc độ tăng trưởng được duy trì đều đặn qua nhiều năm gần đây. Và đây là một cơ sở cho thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển với nhiều kỳ vọng.
VNN
|