Tiền nhàn rỗi dân cư: Chảy từ tiết kiệm qua chứng khoán
Thị trường chứng khoán phát triển, trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hàng đầu, thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Điều này là nguyên nhân khiến tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng của dân cư bị giảm và chảy mạnh qua chứng khoán.
Báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, trong 3 tháng đầu năm, điểm đáng chú ý nhất trên lĩnh vực huy động vốn và cho vay của nền kinh tế là tiền gửi VND của dân cư tăng rất thấp, chỉ tăng 6,6% so với mức tăng 13,2% của cùng kỳ năm ngoái. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nguyên nhân của tình trạng này do thời gian qua nhiều DN đã phát hành cổ phiếu, trái phiếu để tăng vốn và rất nhiều người dân đã dùng tiền đầu tư vào chứng khoán thay vì gửi vào ngân hàng.
Tuy nhiên, việc giảm tiền gửi vào dân cư không ảnh hưởng nhiều đến tổng huy động vốn của các ngân hàng. Đơn giản là khi các tổ chức phát hành cổ phiếu và trái phiếu thu hút lượng vốn lớn lại chuyển vào ngân hàng để gửi. Số liệu thống kê cho thấy, trong 3 tháng đầu năm tiền gửi các tổ chức kinh tế đã tăng ở mức 11,4% so với 1,05% cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, tổng huy động vốn vẫn tăng khoảng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó huy động bằng VND đã tăng tới 39,9%.
Trong khi đó, theo một thống kê của NH Nhà nước chi nhánh Hà Nội, tiền gửi dân cư thường chiếm từ 48% đến gần 50% trong tổng vốn huy động của các NH ở Hà Nội nhưng đến cuối tháng 2-2007 đã giảm xuống còn 42,5% so với cùng kỳ của những năm trước. NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng cho thấy, sau những đợt nâng lãi suất huy động dưới nhiều hình thức, tổng vốn huy động của các NH trên địa bàn tính đến ngày 28/2 cũng chỉ ước đạt 303.700 tỉ đồng, chỉ tăng 0,8% so với một tháng trước và tăng 6,4% so với cuối năm 2006 mức tăng trưởng bình quân khoảng 23%/tháng.
Việc giảm huy động vốn từ dân cư có thể là nguyên nhân khiến rất nhiều các ngân hàng cổ phần tăng lãi suất huy động vốn. Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) vừa biểu lãi suất mới, lãi suất huy động VND theo hình thức lĩnh lãi cuối kỳ của SeABank có biên độ tăng từ 0,06%/năm đến 0,12%/năm. Cụ thể, các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng cũng được điều chỉnh tăng lên 7,74%/năm, 8,70%/năm và 9,06%/năm. Lãi suất tiết kiệm đồng USD được điều chỉnh tăng ở các kỳ hạn 1 tháng 4,4%/năm,2 tháng 4,6%/năm, 3 tháng 4,75%/năm và 6 tháng 5,05%/năm. Lãi suất tiết kiệm đồng EUR cũng tăng 0,1%/năm ở hầu hết các kỳ hạn, cụ thể đối với kỳ hạn 1 tháng lãi suất là 1,7%/năm, 2 tháng là 1,9%/năm, 3 tháng là 2,1%/năm, 6 tháng là 2,3%/năm, 9 tháng là 2,7%/năm.
Ngân hàng Quốc tế (VIB Bank) cho biết, từ ngày 2/4/2007, ngân hàng này sẽ tăng lãi suất huy động tiết kiệm USD trên toàn quốc. Theo biểu lãi suất mới, lãi suất tiết kiệm đồng USD tăng từ 0,05% đến 0,4%/năm theo từng kỳ hạn. Cụ thể như sau: kỳ hạn 2 tháng, lãi suất là 4,5%/năm; kỳ hạn 3 tháng, lãi suất là 4,7%/năm; kỳ hạn 6 tháng, lãi suất là 5%/năm; kỳ hạn 9 tháng, lãi suất là 5,05%/năm; kỳ hạn 12 tháng, lãi suất là 5,15%/năm; kỳ hạn 18 tháng, lãi suất là 5,18%/năm.
Một hướng tăng huy động khác là các ngân hàng mở rộng khuyến mãi, Ngân hàng Đầu tư - Phát triển cho biết, sau khi kết thúc chương trình tiết kiệm dự thưởng đợt 2/2006 với tổng giải thưởng hơn 7,6 tỷ đồng trong đó có 3 xe ô tô Civic trao cho giải đặc biệt sẽ chuẩn bị triển khai chương trình mới dự kiến giải đặc biệt sẽ nâng lên thành Mercedes.
Trong khi đó, VPBank đã làm mới một chương trình khuyến mãi lớn của mình phát hành thêm 99.999 phiếu dự thưởng đồng thời tăng gấp đôi số lượng giải thưởng chương trình khuyến mại “Gửi tiền trúng xe Innova” trong năm mới. Như vậy, tổng giải thưởng của chương trình sẽ tăng lên 2.222 giải thưởng với trị giá 2 tỷ 664 triệu đồng. Ông Lê Đắc Sơn - Tổng giám đốc VPBank – cho biết: sau 3 tháng triển khai chương trình, nguồn vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư tại VPBank tăng mạnh. VP Bank hy vọng tiếp tục chương trình này trong năm mới sẽ nguồn vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư trong thời gian triển khai chương trình sẽ tăng thêm 2.000 tỷ đồng, vượt 120% kế hoạch đặt ra.
VNN
|