Không dễ nhảy vào sân chơi ngân hàng
Hơn 20 bộ hồ sơ xin thành lập ngân hàng cổ phần vẫn nằm trên giấy vì quy chế cấp phép chưa được thông qua. Kế hoạch lập ngân hàng con của các nhà băng nước ngoài cũng có nguy cơ đình hoãn vì chưa có văn bản hướng dẫn.
Quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần lẽ ra phải ban hành trong tháng 3, song Ngân hàng Nhà nước đề nghị lui lại đến đầu tháng 4. Tuy nhiên, đến 18/4, dự thảo lần cuối mới được trình Thủ tướng Chính phủ, một phần lý do là có nhiều quan điểm trái ngược, người thì cho rằng các điều kiện cấp phép quá ngặt nghèo, người lại lo vẫn còn lỏng tay. Về trình tự thủ tục, Ngân hàng Nhà nước có quyền chủ động ký quyết định ban hành quy chế. Song đây là vấn đề nhạy cảm, văn bản phải được trình lên Chính phủ trước khi chính thức ban hành.
Đầu năm ngoái, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2006 về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng con 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên hơn một năm đã trôi qua, thông tư hướng dẫn thi hành nghị định vẫn trong giai đoạn dự thảo, dù theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kể từ 1/4, Việt Nam phải thừa nhận sự tồn tại của loại hình ngân hàng con 100% vốn nước ngoài.
Một nguồn tin cho hay nhiều khả năng, phải sang tuần sau quy chế cấp phép thành lập ngân hàng cổ phần và thông tư hướng dẫn Nghị định 22 mới được thông qua và có thể thông qua cùng lúc.
Cuộc đua chưa biết đích
Hồ sơ xin cấp phép lập ngân hàng gửi tới Ngân hàng Nhà nước đã lên đến trên dưới 25 bộ. Đó là chưa kể rất nhiều trường hợp đánh tiếng, dạm hỏi bằng lời. Đáng chú ý, đã có hiện tượng các tỉnh, thành chạy đua thành lập ngân hàng cổ phần phục vụ cho hoạt động của riêng địa phương mình. Tương tự, một số tổng công ty nhà nước cũng đánh tiếng xin mở nhà băng với lý do đơn vị mình đang có nhiều dự án lớn và rất khát vốn.
Với khối hàng nước ngoài, đến nay mới có ngân hàng Hong Kong Thượng Hải - HSBC của Anh và ANZ của New Zealand và Australia công khai kế hoạch lập ngân hàng con. Cả hai tập đoàn này không giấu tham vọng mở thêm hàng chục chi nhánh mới.
Tuy nhiên, sân chơi ngân hàng vốn đã kén người nay càng kén người hơn. Cổng ra vào phải mở rộng theo cam kết WTO, song khi các quy định mới được ban hành, không phải ai cũng đáp ứng được luật chơi.
Theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng quy chế cấp phép thành lập ngân hàng vừa đảm bảo yêu cầu rõ ràng, minh bạch, song phải chặt chẽ, nhằm sàng lọc kỹ lưỡng và tránh tình trạng lập để bán giấy phép. Chuyện lập ngân hàng chỉ nhằm mục đích thu xếp vốn vay cho các dự án của tổng công ty, hay của tỉnh cũng đáng lo ngại, bởi sẽ nảy sinh rủi ro khi ngân hàng tiến hành cho vay đối với các cổ đông của mình. Về nguyên tắc, ngân hàng là định chế tài chính trung gian, việc cho vay đối với các thể nhân, pháp nhân có liên quan tới hội đồng quản trị ngân hàng phải được giám sát chặt chẽ, nếu không sẽ nảy sinh tình trạng phân biệt đối xử khách hàng, che giấu thông tin...
Vì vậy, trong dự thảo quy chế cấp phép thành lập ngân hàng, các yêu cầu đối với bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát... đều căn cứ trên những thông lệ tốt của quốc tế trong quản trị ngân hàng và chặt chẽ hơn nhiều so với quy định hiện hành của Việt Nam. Theo quy định, các nhà đầu tư nước ngoài không được phép góp vốn thành lập ngân hàng mới, chỉ được phép mua cổ phần của các ngân hàng nội địa đã hoạt động tối thiểu là 2 năm, với một hạn mức nhất định, không quá 30%. Nếu quy định này được thông qua, nhiều khả năng những hồ sơ xin lập ngân hàng thương mại cổ phần mà cổ đông tham gia góp vốn là cá nhân (hoặc tổ chức) nước ngoài sẽ không được chấp nhận.
Đáng chú ý, dự thảo quy chế trình Chính phủ hôm 18/4 còn đưa thêm một quy định rất chặt chẽ về nguồn vốn góp thành lập ngân hàng. Theo đó, vốn góp thành lập ngân hàng phải là nguồn thuộc sở hữu của cổ đông, không được sử dụng tiền vay dưới mọi hình thức và các tổ chức, cá nhân góp vốn phải cam kết trước pháp luật về nguồn vốn góp. Theo ban soạn thảo, đặc điểm của ngân hàng là sử dụng vốn tự có của mình để hoạt động, huy động vốn từ công chúng và cho vay lại. Do đó, vốn điều lệ phải minh bạch, rõ ràng và hợp pháp.
Các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài được thừa nhận như một pháp nhân Việt Nam và được đối xử bình đẳng với các ngân hàng nội địa. Vì vậy, tất cả những quy định khắt khe trong quy chế cấp phép thành lập ngân hàng cổ phần sẽ áp dụng chung cho cả hai loại hình trong và ngoài nước. Ngoài ra, ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ chịu thêm một số ràng buộc khác, được quy định trong thông tư hướng dẫn Nghị định 22. Đặc biệt, ngân hàng trung ương của nước nguyên xứ phải ký cam kết (bản ghi nhớ, thỏa thuận, thư trao đổi và các văn bản khác có giá trị tương đương) về hợp tác quản lý, giám sát hoạt động và trao đổi thông tin với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới ký thỏa thuận trao đổi thông tin thanh tra ngân hàng với các cơ quan ở Đài Loan, Hàn Quốc và Nga. Một số nước và khu vực khác như Đức, Thụy Điển, Trung Quốc, ASEAN, chỉ mới ký thỏa thuận tăng cường hợp tác song phương, hỗ trợ nguồn nhân lực về thể chế, chứ không phải là thỏa thuận về quản lý, giám sát và trao đổi thông tin thanh tra như yêu cầu trong dự thảo thông tư. Ngân hàng Nhà nước đang có kế hoạch ký thỏa thuận về với các cơ quan ở Australia, Singapore, Trung Quốc, Hong Kong, chưa có kế hoạch ký với Mỹ và các nước EU.
Để ký được một thỏa thuận theo đúng yêu cầu trong thông tư nêu trên, hai bên phải mất vài ba tháng. Như vậy, những ngân hàng đến từ Mỹ, EU, Australia như HSBC hay ANZ sẽ phải chờ một thời gian nữa mới có cơ hội lấn sâu vào thị trường Việt Nam.
VNE
|