Thứ Sáu, 09/03/2007 08:07

'Thị trường OTC đã đến mức báo động đỏ'

Cổ phiếu chưa phát hành đã được rao bán, giá chỉ đáng 1 đồng nhưng được tô hồng, thổi phồng lên 10, 50 đồng, theo Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng, đó là hai dạng lừa xuất hiện nhiều trên các sàn giao dịch phi tập trung (OTC).

- Nhiều người cho rằng các ngân hàng và công ty chứng khoán tăng vốn ồ ạt song sử dụng phần vốn tăng thêm đó chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng là họ cầm vốn đó đi đầu tư tài chính vào nhiều doanh nghiệp khác lẫn nhau trên thị trường. Ông nhìn nhận thế nào?

- Những người huy động vốn chân chính bao giờ cũng đi kèm với việc định hướng sẽ đầu tư vào nơi nào. Nhưng có nhiều công ty hô hoán nhau chia "gain", theo kiểu huy động vốn rồi có phần thặng dư, sau đó tách thành cổ phiếu và chia. Rất ít công ty đảm bảo mức cổ tức bằng cổ tức, đồng thời lại chia lợi nhuận. Nhìn vào một doanh nghiệp, người ta quan tâm xem lợi tức phát sinh từ vốn chủ sở hữu là bao nhiêu, chứ không phải là số cổ phiếu được chia từ phần vốn huy động thêm. Nhìn như vậy sẽ phân biệt được đâu là những công ty huy động vốn để đầu tư thật và hiệu quả và ai lợi dụng sốt nóng của thị trường để huy động vốn trong dân rồi chia.

- Ông bình luận gì khi mà trên thị trường OTC người ta vẫn đua nhau mua bán trao tay, thậm chí mua cả cổ phiếu chưa phát hành?

- Cổ phiếu chưa có mà đã mang bán cũng là một dạng lừa đảo, lừa đảo chứng từ. Nhưng kiểu này còn dễ phát hiện và có biện pháp xử lý. Nghiêm trọng hơn đó là thổi phồng những cái đang có để mang bán. Ví dụ tôi muốn nâng giá cổ phiếu, chỉ cần rỉ tai người này, người kia rằng công ty chuẩn bị bắt tay với một đối tác lớn, có dự án lớn. Lừa đảo theo kiểu đánh bóng, tô hồng để nâng giá cổ phiếu rất khó hiện và khó quy trách nhiệm. Nhà đầu tư phải tự cảnh giác và tự chịu trách nhiệm với tiền túi của mình. Nhưng tôi nhấn mạnh, thị trường OTC hiện nay chứa rất nhiều yếu tố rủi ro và lừa đảo.

- Vậy những thiệt hại có thể lường trước với các nhà đầu tư cá nhân là gì, nhất là khi thị trường đảo chiều?

- Giống hệt câu chuyện mua đất ngày xưa. Anh mua đất Hoàn Kiếm, đến ngày nó đắt hết cỡ lại chuyển sang mua ở Đống Đa, rồi khi đất nội thành Hà Nội đều tăng cao hết cỡ, người ta lại chuyển sang mua cả đất ruộng. Ngay cả những miếng đất trước đây kêu gọi khai hoang, Nhà nước cho thêm tiền cũng chẳng ai dám nhận, mà lúc đó họ cũng đổ xô mua. Nhiều người mua đất nhưng chưa bao giờ nhìn thấy miếng đất của mình. Trong đầu mang máng nhớ mình có miếng đất ở đâu đấy, đến lúc thị trường đảo chiều, không bán được nhưng chẳng biết để làm gì. Những ai mua đất bằng tiền tiết kiệm của mình còn đỡ. Ai mua bằng tiền vay ngân hàng thì mất luôn cả nhà cửa, đất đai.

- Một số công ty đang có ý định lưu ký tập trung với các loại cổ phiếu chưa niêm yết. Ông thấy giải pháp này thế nào?

- Theo Luật Chứng khoán hiện nay, toàn bộ các công ty có trên 50 cổ đông đều phải lưu ký ở Trung tâm Lưu ký Quốc gia. Tuy nhiên, nếu không giao dịch tập trung thì việc lưu ký tập trung rất khó khả thi. Câu chuyện lưu ký chỉ là một giải pháp, giúp hạn chế tình trạng mua bán cổ phiếu giả, chứ không thể loại trừ được cổ phiếu đã bị thổi phồng giá trị, thông tin sai lệch. Muốn làm được điều thứ hai, cần có một trung tâm công bố thông tin, với những quy chuẩn nhất định. Thị trường nhiều khi vận hành theo thông tin không chính thức. Nhưng ít nhất là chúng ta phải có một chỗ mà nếu cần thông tin chính thống, người ta có thể vào đó để tra cứu. Khi đã có rồi, thích nghe thông tin nào để đầu tư là chuyện của mỗi người. Theo tôi, công bố thông tin minh bạch còn quan trọng hơn cả lưu ký. Ngày xưa người ta sợ tình trạng không có cổ phiếu mà đã đem bán, giống như sợ tiền giả. Nay, vẫn là tiền thật, nhưng 1 đồng, họ nói lên tận 50 đồng, điều đó còn nguy hiểm hơn.

- Người ta đang nói nhiều đến khả năng thị trường chứng khoán sẽ trải qua đợt điều chỉnh ngay đầu quý II tới. Xin cho biết dự báo của ông?

- VN-Index tăng trưởng phụ thuộc nhiều thứ, đôi khi chịu ảnh hưởng mạnh của tâm lý, lên xuống không theo quy luật. Tôi thường phân tích trên cơ sở các thông tin chính thống, trong khi thị trường giai đoạn này đang vận hành chủ yếu theo thông tin không chính thức. Vì vậy, có thể những dự báo ngắn hạn của tôi không chính xác lắm.

Nhưng về lâu dài, trong 5 năm tới, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn phát triển tốt. Thị trường chứng khoán là biểu hiện nhìn thấy của nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới không có lý do gì không tăng trưởng tốt. Uy tín quốc gia đang tăng cao, dòng vốn nước ngoài đang vào Việt Nam rất nhiều, lớn hơn rất nhiều khả năng cung ứng hiện tại của Việt Nam.

- SSI đang kinh doanh chứng khoán, nay lại thành cổ đông chính của PG Bank, khiến người ta dễ liên tưởng tới câu chuyện tương tự trong quá khứ, các đại gia đua nhau lập ngân hàng để hút vốn đầu tư bất động sản rồi đi đến chỗ đổ vỡ hàng loạt. Ông lý giải thế nào về quyết định đầu tư của mình?

- Nếu bảo rằng tôi lập ngân hàng để lấy tiền kinh doanh chứng khoán nhân lúc thị trường đang nóng, tôi trả lời dứt khoát là: Không. Và thực tế, phần dư nợ mà ngân hàng PG Bank cho SSI vay hoàn toàn bằng không.

Chúng tôi là công ty chứng khoán, nhưng đang làm thay cả công việc của một ngân hàng. Mỗi ngày số dư tiền gửi của khách hàng lên đến 1.500 tỷ đồng. Nếu có một ngân hàng chiến lược, tất cả việc thu tiền, chi tiền, quản lý tiền, anh có thể tin tưởng để vào ngân hàng đó, thay vì phải xé lẻ đi gửi ở nhiều nơi khác nhau như hiện nay. Chúng tôi lập ngân hàng để phục vụ mục đích đó, chứ không phải để có tiền đem đi kinh doanh chứng khoán.

Tôi không lấy trường hợp của tôi để bao quát cho tất cả mọi người. Tâm lý chung của mỗi người là nếu có cơ hội làm ra tiền một cách chính đáng thì chẳng ai muốn làm bậy. Tất nhiên có những người không có cửa làm đúng, hoặc làm mãi không được thì có thể phải làm bậy. Nhưng ngay cả khi làm bậy, đó cũng không phải là động cơ chính của họ.

Ngân hàng cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) có tiền thân là Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn Đồng Tháp Mười. Vốn điều lệ của PG Bank là 200 tỷ đồng, với sự tham gia góp vốn của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (chiếm 40% vốn) và Công ty Chứng khoán Sài Gòn. Theo kế hoạch, cuối năm nay PG Bank sẽ tăng vốn lên 500 tỷ đồng và đạt 1.000 tỷ đồng trong 2008.

VNE

Các tin tức khác

>   Nhà xuất khẩu cá tra lớn thứ ba bán cổ phiếu (08/03/2007)

>   Ngành bia đang được đầu tư mạnh (08/03/2007)

>   Khi các tổng công ty “chơi” cổ phiếu (08/03/2007)

>   CTCP Du lịch Tân Định (Fiditourist) ĐHCĐ năm 2007 (08/03/2007)

>   CTCP Đầu tư - Kinh doanh nhà thông báo chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu (08/03/2007)

>   Săn công ty bằng cổ phiếu (08/03/2007)

>   Khuyến khích công đoàn mua hơn 5% giá trị doanh nghiệp (08/03/2007)

>   Cty cổ phần Xây dựng 41 bán đấu giá cổ phần đợt 2 (08/03/2007)

>   Thủ tướng yêu cầu làm rõ về độ cao của cáp treo Vinpearl (08/03/2007)

>   EVN đặt mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa vào 2008 (08/03/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật