Săn công ty bằng cổ phiếu
Không ít người đang lao vào cuộc chơi cổ phiếu với giấc mơ làm giàu nhanh. Nhưng cũng có không ít doanh nhân lao vào cuộc chơi khác: thâu tóm các công ty bằng thị trường cổ phiếu.
* Tưởng lãi hóa... lỗ nặng!
Năm ngoái, công ty du lịch C. hoàn tất thủ tục lên sàn đấu giá. Lãnh đạo thành phố, tổng công ty chủ quản đều cho phép công ty du lịch C. theo cơ chế mới: bán ra 80% cổ phiếu, chỉ giữ lại 20% cổ phiếu nhà nước. Ngày kết thúc đấu giá, cả Ban Giám đốc công ty du lịch C. vỗ tay phấn khởi vì giá đấu giá cao gấp đôi giá khởi điểm. Nhưng chỉ vài tháng sau, lãnh đạo công ty trên bật ngửa vì hóa ra những cá nhân đứng tên đấu giá trúng đều đã chuyển nhượng hết cổ phiếu cho một ngân hàng cổ phần lớn ở TPHCM! Có nghĩa là các cá nhân tham gia đấu giá thật ra đều là người của một tổ chức, và công ty C. (giờ là công ty CP du lịch C.) có nguy cơ bị “nuốt chửng” bởi một tập đoàn tài chính!
Đầu năm nay, mọi chuyện rõ ràng, ngân hàng cổ phần A. công bố đã nắm giữ 70% cổ phiếu của C. và cử ngay 2 phó giám đốc sang C. nắm quyền điều hành. Giám đốc trung tâm du lịch của công ty C. giờ được điều về phòng tổ chức chờ… việc. Cán bộ công nhân viên cũng xôn xao bất an vì “ông chủ” mới tổ chức ký hợp đồng ngắn hạn để sàng lọc. Một công ty du lịch lớn của nhà nước rơi vào tay tư nhân một cách ngoạn mục!
*
Đằng sau bài toán cổ phần hóa
Tại sao ngân hàng A “săn” cổ phiếu công ty C.? Không ít chuyên gia trong ngành du lịch phân tích: công ty C. hiện sở hữu gần 20 mặt bằng, cơ sở đẹp tọa lạc ở khu Chợ Lớn. Nhưng khi định giá để cổ phần hóa, dù giá cổ phiếu sau đấu giá lên gấp 3-4 lần so giá khởi điểm, mua vẫn còn lời.
Đơn cử khoảng 20 cơ sở kinh doanh của công ty C. sau đấu giá thu được có 126 tỷ đồng, nhưng chỉ riêng nhà hàng A.H. nổi tiếng vùng Chợ Lớn thuộc công ty C., theo đánh giá của giới kinh doanh ẩm thực- giá trị thương hiệu và tài sản cố định của A.H. đã đáng để mua với cái giá 120 tỷ đồng! Đó là chưa kể giá trị thương hiệu của du lịch C. và một hệ thống các khách sạn, nhà hàng, xe vận chuyển du lịch và nhiều cơ sở kinh doanh khác. Phía đại diện bên A. sau khi tiếp quản đã tận dụng ngay cơ hội khai thác các mặt bằng hiếm có này, như: thu hồi ngay một mặt bằng chuẩn bị đầu tư xây cao ốc 15 tầng, giải thể 2 mặt bằng đang kinh doanh du lịch và xe máy đem cho thuê với doanh thu cao gấp đôi…
Cách đây 1 năm, một ngân hàng khác cũng đã áp dụng cách này định thôn tính một loạt 3 khách sạn của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Còn bây giờ, mục tiêu nhắm đến của các nhà đầu tư là các công ty nhà nước chuyển đổi cổ phần hoá. Công ty nào càng nhiều mặt bằng đẹp, sở hữu nhiều bất động sản chuẩn bị lên sàn, là bị săn lùng cổ phiếu. Bởi lẽ phải thừa nhận một điều: khâu định giá tài sản từ khi chuẩn bị đến khi lên sàn đấu giá, giá trị tài sản chênh lệch nhau nhiều lần. Một đơn vị khác cũng thuộc Saigontourist đang sở hữu nhiều mặt bằng khá lớn ngay trung tâm TPHCM cũng đang đứng trước nguy cơ này, khi đã bị một tổ chức nắm giữ đến 40% cổ phiếu.
Đây vẫn là những bài học nóng hổi cho các công ty nhà nước đang muốn chuyển đổi cổ phần hóa.
SGGP
|