Khi các tổng công ty “chơi” cổ phiếu
Trong báo cáo tổng kết kinh doanh năm 2006 của nhiều tổng công ty nhà nước, lần đầu tiên thấy xuất hiện mục đầu tư tài chính.
Thực chất, đây là khoản đầu tư mua cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược trong các công ty, ngân hàng cổ phần của các tổng công ty.
Tính tới cuối năm 2006, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra Group) đã đầu tư qua hình thức góp vốn với các công ty con, công ty liên kết với số tiền 547 tỉ đồng theo mệnh giá cổ phiếu. Ngoài ra, Satra còn góp 2 triệu đô la Mỹ vào Quỹ Đầu tư Việt Nam, mua hơn 4 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội (Habubank) để trở thành cổ đông chiến lược nắm 5% vốn của ngân hàng này, tham gia đầu tư và sáng lập Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt và mua cổ phiếu của các công ty khác.
Đầu năm nay, Satra Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của Ngân hàng Phương Nam khi mua 1 triệu cổ phiếu của ngân hàng này với giá 80 tỉ đồng.
“Đầu tư tài chính là lĩnh vực khá mới đối với chúng tôi nhưng chúng tôi xác định đây là hình thức hỗ trợ trở lại cho kinh doanh của công ty. Chẳng hạn như chúng tôi góp vốn vào Habubank để các công ty thành viên có thể được hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng, hay đầu tư vào Rồng Việt để hỗ trợ các công ty thành viên niêm yết ở thị trường chứng khoán”, ông Huỳnh Văn Minh, Tổng giám đốc Satra Group, cho biết.
Cũng trong năm qua, Satra Group còn góp vốn cùng với đối tác trong liên doanh Công ty Bia Việt Nam để mua lại toàn bộ Công ty Bia Fosters Việt Nam với giá 105 triệu đô la Mỹ, mua 80% giá trị của Công ty Bia Quảng Nam (trong số 17,6 triệu đô la Mỹ).
Trong năm qua, chỉ riêng lợi nhuận sau thuế mà Satra được chia từ Công ty liên doanh Bia Việt Nam lên tới 363 tỉ đồng. Bên cạnh đó, toàn bộ cổ tức được chia từ đầu tư cổ phiếu là 18,6 tỉ đồng, và theo ông Minh, năm nay con số này có thể lên tới 300 tỉ đồng khi mà nhiều cổ phiếu Satra Group mua trong năm ngoái năm nay mới được chia cổ tức.
Mạnh tay hơn Satra Group là tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Rubber Group - VRG), trước đây là Tổng công ty Cao su Việt Nam. Mấy năm qua, giá mủ cao su xuất khẩu hồi phục mạnh mẽ và ở mức cao khiến VRG rủng rỉnh tiền bạc để đầu tư tài chính.
Ông Lê Quang Thung, Tổng giám đốc VRG, cho biết đến nay VRG và 18 công ty cao su thành viên đã đầu tư 1.746 tỉ đồng vào cổ phiếu của 42 công ty cổ phần. “Các công ty cổ phần mà chúng tôi mua cổ phiếu chủ yếu thuộc các lĩnh vực có liên quan tới ngành công nghiệp vỏ ruột ô tô, xe máy, chế biến đồ gỗ. Điều này phù hợp với định hướng phát triển đa ngành của VRG”, ông Thung nói.
Chẳng hạn cuối năm ngoái, VRG đã chi ra 24 tỉ đồng để mua cổ phần (chiếm 60% vốn điều lệ) của Công ty Cao su Bến Thành ở TP.HCM.
Không dừng lại ở mức đầu tư nói trên, kế hoạch của VRG, theo ông Thung, là sẽ tham gia mua cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược, thậm chí là có thể nắm giữ cổ phần chi phối ở các doanh nghiệp sản xuất vỏ ruột, băng tải cao su thuộc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem) như Công ty Cao su Sao Vàng, Công ty Cao su Đà Nẵng, Casumina.
Để hỗ trợ thực hiện kế hoạch này, VRG đã tăng nguồn vốn cho Công ty Tài chính Cao su hơn 400 tỉ đồng và thành lập Công ty cổ phần Chứng khoán Cao su.
Tuy nhiên, đầu tư tài chính hiện nay của các tổng công ty đang gặp một số vướng mắc mà chính các công ty cũng như cơ quan quản lý nhà nước chưa có hướng xử lý. Ông Minh cho biết theo kế hoạch, tới cuối năm 2008 Satra Group sẽ cổ phần hóa công ty mẹ theo phương thức giữ nguyên phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng sao cho Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối.
“Khó nhất của chúng tôi bây giờ là định giá tài sản công ty mẹ ở các khoản đầu tư tài chính, định giá theo mệnh giá cổ phiếu hay định giá theo giá trị thị trường. Nếu định giá theo mệnh giá thì thiệt thòi cho Nhà nước còn định giá theo giá thị trường thì theo giá nào, vì thị trường luôn biến động và chưa chắc nhà đầu tư mua cổ phiếu khi cổ phần hóa chấp nhận cách định giá đó”, ông Minh cho hay.
Vướng mắc này đã được ông trao đổi với một số cơ quan tài chính ở Trung ương, nhưng các cơ quan này cũng chưa có cách giải quyết.
Tìm đối tác chiến lược
Song hành với trào lưu bán cổ phần cho nước ngoài, gần đây các ngân hàng thương mại ráo riết tìm đối tác chiến lược trong nước thông qua việc chuyển nhượng cổ phần cho doanh nghiệp.
Ngay trước Tết, thị trường ghi nhận năm “vụ” đầu tư lớn của các tổ chức vào ngân hàng. Tổng công ty Dầu khí (PetroVN) hiện đang nắm giữ 100 tỉ đồng mệnh giá cổ phiếu của Ngân hàng Toàn Cầu (G-Bank) và tên của ngân hàng này đã có thêm danh từ dầu khí. G-Bank mới ra đời năm ngoái, nhưng đã kịp nâng vốn lên 500 tỉ đồng (tổng tài sản 2.000 tỉ đồng).
Không chỉ “ông lớn” dầu khí biết bỏ tiền vào lĩnh vực ngân hàng đang ăn nên làm ra, các đại gia khác hoặc công khai hoặc ngấm ngầm, cũng đầu tư vào ngành kinh doanh tiền tệ. Trong số này, đáng kể có Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) trở thành cổ đông nắm giữ 10% cổ phiếu Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank).
Trước đó Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng đã nắm giữ mỗi đơn vị khoảng 5% cổ phần Habubank. Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), vốn là Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn Nhơn Ái, mới chuyển lên đô thị chưa lâu, nhưng đã kịp ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tổng công ty Cao su và Tập đoàn Than - Khoáng sản.
Nổi “đình đám” nhất là việc Công ty Kinh Đô bỏ ra 90 triệu đô la Mỹ để sở hữu 180 tỉ đồng mệnh giá cổ phiếu Ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank với giá gấp tám lần mệnh giá. Đây là vụ chuyển nhượng cao giá nhất và lớn nhất tính theo giá thị trường của giới đầu tư trong nước vào ngân hàng đến nay.
Tuổi trẻ
|