Ngành bia đang được đầu tư mạnh
Nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến cổ phiếu của các nhà máy bia. Trên sàn giao dịch OTC, nhiều cổ phiếu các nhà máy bia đã có giá giao dịch trên 9.0. Đầu tư vào các nhà máy bia đang trong quá trình cổ phần hóa, các dự án sản xuất mới đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất thực phẩm chế biến đã triển khai các dự án đầu tư xây dựng các nhà máy bia mới, với công suất lớn… Ngành bia đang trở thành trung tâm thu hút vốn đầu tư.
Nơi hội ngộ của các đại gia
Ngay trước Tết Đinh Hợi, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tung ra thị trường một nhãn hiệu bia mới ZoRok. Đây là sản phẩm của Liên doanh Vinamilk và tập đoàn bia hàng đầu của Mỹ là SABMiller.
Công nghệ do phía đối tác nước ngoài chuyển giao. Trước đó một năm, những thông tin về một nhà máy bia do Vinamilk đầu tư đã được loan ra, chủ yếu làm bia nhẹ cho phụ nữ, đã gây chú ý trong các nhà đầu tư ngành bia và người tiêu dùng.
Vào thời điểm đó, nhiều người thắc mắc, bia nhẹ cho phụ nữ liệu có bán được không khi phụ nữ Việt Nam không có thói quen uống bia nhiều. Thực tế, chai ZoRok khi trình làng được thiết kế đẹp, nhỏ gọn theo tiêu chuẩn quốc tế, nồng độ cồn tương đương như các loại bia chai khác.
Chỉ có điều, nếu những vị bia trong nước thường quen gu như Sài Gòn, Tiger có vị hơi đắng thì Zorok hoàn toàn không đắng, uống có cảm giác nhẹ hơn nhưng vẫn say.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamikl cho biết, liên doanh sản xuất bia này được gọi tên là SABMiller Việt Nam, có công suất giai đoạn đầu 50 triệu lít/năm và cuối năm nay sẽ nâng cấp lên 100 triệu lít/năm.
Với một gu uống mới, bằng hệ thống đại lý đã xây dựng, tiếp thu kinh nghiệm mở hệ thống đại lý và bán hàng của SAB Miller, ZoRok hy vọng trở thành một đối thủ mới nặng ký trên thị trường bia Việt Nam.
Trong khi đó, cũng vào thời điểm những ngày đầu năm 2007, tại TP Vinh, trong hội nghị khách hàng toàn quốc của Tổng Công ty Bia Rượu và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), giữa cái rét căm căm, những cô gái chân dài từ Sài Gòn được thuê ra đứng hai bên đường vào hội trường để quảng cáo cho một sản phẩm bia mới, bia Guinees.
Đây là sản phẩm của Sabeco nhập khẩu từ đối tác nước ngoài để làm quen với thị trường. Loại bia đen này cũng nhanh chóng có mặt trên thị trường trong dịp Tết Đinh Hợi vừa qua, với gu uống lạ, mặc dù giá không rẻ chút nào.
Sabeco đã tiến hành bước quảng bá đầu tiên trên thị trường để chuẩn bị chiến lược sản xuất loại bia này tại nhà máy bia Sài Gòn - Bình Dương, có công suất 50 triệu lít/năm.
Nhiều người hy vọng loại bia này sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, vì Sabeco là một trong những nhà sản xuất bia hàng đầu tại Việt Nam, có sản phẩm chiếm lĩnh thị trường và người Việt Nam cũng quen với các thương hiệu bia của Sabeco từ lâu.
Như vậy, trên thị trường Việt Nam, ngoài các nhãn hiệu bia nội như Sàigòn, 333, Saigon Special, Saigon Export; các nhãn hiệu bia của Tổng Công ty Rượu Bia và Nước giải khát Hà Nội (Habeco)…; hàng loạt các nhãn hiệu bia địa phương Bến Thành, Nada, Huda, Festival… thì nay cũng đã có mặt nhiều nhãn hiệu bia của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới và liên doanh với doanh nghiệp trong nước trên thị trường như Tiger, Heineken, Coors Light, Poster’s Lager, Larue, BGI, Bivina, Carlsberg và Halida của Việt Hà.
Nóng từ đầu tư đến sàn chứng khoán
Mới đây, những người quen thường hỏi chúng tôi có khả năng mua được cổ phiếu của một số hãng bia hay không. Đơn cử như cổ phiếu của Công ty Bia Sài Gòn - miền Tây, từ chỗ giá chỉ khoảng 3.0 nay đã lên đến 9.5, trong khi chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trên thị trường OTC, giá cổ phiếu của các nhà máy bia này đang nóng và được săn tìm. Bia Sài Gòn - miền Tây, được gom lại từ các nhà máy bia của Sabeco tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Sài Gòn - Cần Thơ, Sài Gòn - Sóc Trăng…
Các nhà máy này có công suất nhỏ, 25 - 50 triệu lít/năm, chủ yếu sản xuất các nhãn hiệu bia của Sabeco phục vụ thị trường.
Trong khi đó, vốn đầu tư đổ vào ngành bia đang tăng rất cao. Chỉ riêng Sabeco hiện có công suất (kể cả gia công) đã đạt trên 530 triệu lít/năm, nhưng vẫn chưa đủ cung ứng cho thị trường.
Sabeco đang chuẩn bị triển khai hàng loạt dự án đầu tư mới và đưa các dự án đang đầu tư vào hoạt động.
Trước mắt, các dự án Sài Gòn - Đắc Lắc và Sài Gòn - Bình Dương sẽ đưa sản phẩm tham gia thị trường trong năm nay. Sabeco cũng đang mau chóng đưa nhà máy Bia Sài Gòn - Củ Chi có công suất 200 triệu lít/năm vào hoạt động.
Đồng thời, các dự án mở rộng năng lực mới như Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh 200 triệu lít/năm, Sài Gòn - Quảng Ngãi công suất 200 triệu lít/năm đang chuẩn bị đấu thầu máy móc thiết bị và xây dựng nhà xưởng.
Năm qua, giới đầu tư cũng chú ý đến vụ Asia Pacific Breweries (APB) mua lại Tập đoàn bia Foster tại Việt Nam.
APB đã hoàn thành quá trình tiếp nhận các nhà máy tại Đà Nẵng và Tiền Giang, phát triển các thương hiệu của Foster’s như BGI, Larue, Larue Export, Larue Superior… Công ty này đã nâng cấp Nhà máy Bia Việt Nam tại TPHCM lên 230 triệu lít/năm, Hà Tây lên 50 triệu lít/năm, hợp tác với Bia Qui Nhơn đưa công suất từ 20 triệu lít bia lên 100 triệu lít/năm, Bia Quảng Nam có công suất 25 triệu lít/năm.
Ngay trước Tết Nguyên đán, UBND tỉnh Long An, Ban Quản lý Khu Công nghiệp Đức Hòa 3, Long An, vừa tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Kronenbourg Việt Nam.
Đây là dự án xây dựng nhà máy sản xuất bia cao cấp và thức uống có cồn do Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) và Tập đoàn Scottish & New Castle (S&N) của Anh Quốc liên doanh hợp tác.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 6 ha, với tổng số vốn đầu tư 75 triệu USD, khi đi vào hoạt động sẽ có công suất 150 triệu lít/năm.
Đây cũng là kết quả sau một thời gian Vinataba kiên trì đàm phán với đối tác nước ngoài để liên doanh này ra đời, với sự chuyển giao công nghệ từ phía đối tác.
Dự án này cũng nằm trong quá trình tái cấu trúc lại mô hình tổ chức nhằm thúc đẩy Vinataba trở thành một tập đoàn chế biến thực phẩm hàng đầu ở Việt Nam.
Có thể thấy, dòng vốn đầu tư đang chảy vào ngành sản xuất bia rất lớn, báo hiệu một sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường tiêu thụ bia tại Việt Nam.
SGGP
|