Thứ Ba, 02/01/2007 17:32

Sôi động chi trả cổ tức cuối năm

Thời điểm đầu năm, các ngân hàng TMCP đang chuẩn bị phương án phân phối lợi nhuận cùng các kế hoạch trọng yếu trong năm 2007. Với một năm làm ăn thịnh vượng, các ngân hàng TMCP tiếp tục dẫn đầu trong nhóm các doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất, đem lại niềm vui lớn cho cổ đông và nhà đầu tư.

* Đa dạng cách chi trả

Các ngân hàng TMCP trong năm qua hoạt động rất hiệu quả. Hầu như các chi nhánh, phòng giao dịch mở ra đều ăn nên làm ra, có lượng khách hàng tăng trưởng ổn định. Mức cổ tức đã được các ngân hàng dự kiến chi trả cho cổ đông rất cao.

Cổ tức ACB là 38%, cao hơn 10% so với năm ngoái; trong đó trả bằng tiền mặt 8% và bằng cổ phiếu 30%. Phương án phân chia cổ tức này sẽ được hội đồng quản trị trình Đại hội đồng cổ đông thông qua trong phiên họp sắp tới.

Ông Lê Đắc Sơn, Phó Tổng giám đốc VPBank, cho biết năm 2006 lợi nhuận trước thuế và dự phòng rủi ro của VPBank dự kiến đạt 175 tỷ đồng, sẽ đảm bảo tỷ lệ thu nhập trên mỗi cổ phiếu là 24% – 25%. VPBank chia cổ tức cho cổ đông gồm 3 đợt trong năm. Đợt cuối sẽ được ngân hàng chi trả vào tháng 1-2007 bằng 10% còn lại.

Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, trong phương án phân phối lợi nhuận năm nay Sacombank sẽ đảm bảo chi trả cổ tức từ 20% đến 22% bằng cổ phiếu, phần còn lại sẽ bổ sung vào việc nâng vốn điều lệ để phục vụ cho mục tiêu phát triển ngân hàng từ đây đến năm 2010.

Một trong những nguyên nhân làm cho cổ phiếu Eximbank ở trong cơn sốt chưa từng có từ trước tới nay là đề án phân phối lợi nhuận của ngân hàng này. Theo giới đầu tư, năm nay Eximbank dự kiến chia cổ tức 55% với các phương án đưa ra, như có thể chi trả cổ tức bằng cổ phiếu 38% và tiền mặt là 17%, hoặc chia hết 55% bằng cổ phiếu cho tất cả các cổ đông hiện hữu.

EAB dự kiến năm nay cũng chia cổ tức từ 30% đến 35%, trong đó trong năm 2007 sẽ phát hành thêm 385 tỷ đồng cho cổ đông lấy từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, cụ thể mỗi cổ đông sẽ được thưởng thêm 50% giá trị cổ phần đang sở hữu…

Các ngân hàng TMCP “bậc trung” cũng đã mạnh tay chia cổ tức khá cao cho cổ đông hiện hữu. OCB dự trù mức cổ tức chia cho cổ đông năm nay từ 15% đến 18%. SCB chia cổ tức 2006 và phần thặng dư vốn sẽ là 45,91%, được chia bằng cổ phiếu tùy theo thời gian góp vốn của cổ đông hiện hữu.

* Tiền mặt hay cổ phiếu?

Cách chia cổ tức phổ biến nhất hiện nay là trích lại một phần lợi nhuận để tăng vốn điều lệ hoặc tái đầu tư, vừa trả cổ tức bằng tiền mặt vừa trả bằng cổ phiếu. Tuy nhiên cổ phiếu ngân hàng đang rất được giá nên cổ đông nào cũng muốn được chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo ông Võ Trọng Thủy, Phó Tổng giám đốc ACB, việc sở hữu cổ phiếu sẽ giúp cổ đông có cơ hội hưởng chênh lệch giá khi giao dịch mua bán trên thị trường thứ cấp. Đối với ngân hàng, cách chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp gia tăng quy mô vốn điều lệ, là nền tảng để mở rộng hoạt động kinh doanh, củng cố mức độ gắn bó giữa cổ đông và ngân hàng, gia tăng lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán...

Ngoài ra, việc phân chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí nhiều hơn so với phương án phát hành cổ phiếu thu hút vốn từ bên ngoài.

Phần lợi nhuận để chia dưới dạng cổ phiếu cho cổ đông hay cổ đông tiếp tục bỏ tiền vào để nâng vốn điều lệ ngân hàng lên bản chất là như nhau. Giả sử một năm ngân hàng lời 20% so với vốn điều lệ, 20% cổ tức đó được chia cho cổ đông bằng cổ phiếu, nhiều cổ đông nghĩ rằng đem số cổ phiếu được chia đó bán ra thị trường sẽ lãi gấp nhiều lần cổ tức được hưởng bằng tiền mặt.

Nhưng nếu ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt, sau đó cho nâng vốn điều lệ, cổ đông có thể được quyền mua thêm 20% - 40% cổ phiếu mới với giá 1-1 thì cổ phiếu mới đó cũng có giá trị tương đương như được chia từ lợi nhuận.

Như vậy cách chia nào cũng nhắm đến việc bảo vệ quyền lợi cho cổ đông. Ông Lê Đắc Sơn cho biết ngay khi cổ đông nước ngoài được phép mua 20% cổ phần ngân hàng Việt Nam, VPBank sẽ tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.172 tỷ đồng. Số vốn điều lệ tăng thêm 422 tỷ đồng này là số tiền OCBC sẽ trả cho VPBank để sở hữu đủ 20% cổ phần tại VPBank và được chia đều cho các cổ đông hiện hữu của VPBank với tỷ lệ 38%.

Dự kiến, năm 2007 VPBank sẽ chia cổ tức một phần bằng tiền mặt và một phần bằng cổ phiếu…

SGGP

Các tin tức khác

>   Ngân hàng Đông Á: Lộ trình bứt phá vươn lên (02/01/2007)

>   Dầu ăn Con Két-Nakydaco: Đầu tư để đứng vững trên thị trường (02/01/2007)

>   Công ty Cổ phần HOPACO: Bước chuyển lớn (02/01/2007)

>   Cổ phần hóa ba tổng công ty dệt may (02/01/2007)

>   Kết quả đấu giá cổ phần của Công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) (01/01/2007)

>   Cổ phần hóa Vietnam Airlines (01/01/2007)

>   Cổ phần hóa 53 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (31/12/2006)

>   Cty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông tăng vốn điều lệ và chi tạm ứng cổ tức 6 tháng cuối năm 2006 (30/12/2006)

>   Hà Nội: Lúng túng xử lý doanh nghiệp chậm cổ phần hoá (30/12/2006)

>   Doanh nghiệp sau cổ phần hóa có quyền như thế nào về tài sản là đất đai? (30/12/2006)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật