Ngân hàng Đông Á: Lộ trình bứt phá vươn lên
Với đà phát triển ổn định từ các năm trước, năm 2007 Ngân hàng TMCP Đông Á (EAB) đã hoạch định một kế hoạch phát triển mạnh mẽ, định hướng trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu nước ta.
Chỉ bằng nội lực sẵn có, quyết tâm của hội đồng quản trị cùng sự nhạy bén trong kinh doanh của ban điều hành, EAB đã không ngừng tăng tốc phát triển trở thành ngân hàng TMCP đi đầu trong triển khai các dịch vụ ngân hàng và giải pháp cho thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta.
EAB đã đẩy mạnh dự án hiện đại hóa và mở rộng hợp tác với các đối tác lớn, như kết nối thanh toán thẻ với Tập đoàn China Union Pay, hợp tác với Tập đoàn Visa International và Ngân hàng United Overseas…
Trước xu thế hội nhập, EAB đang triển khai lộ trình bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài trong tiến trình tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2007.
Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc EAB, cho biết giai đoạn đầu EAB sẽ phát hành 520 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu cho các cổ đông trong nước (bao gồm cổ phiếu thưởng từ quỹ bổ sung vốn điều lệ, bán cho cổ đông hiện hữu, CBCNV và cổ đông chiến lược trong nước) để tăng từ 880 tỷ đồng vốn điều lệ lên 1.400 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 EAB sẽ phát hành thêm 600 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài để tăng từ 1.400 tỷ đồng thành 2.000 tỷ đồng. Được biết ứng cử viên hàng đầu trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của EAB là Tập đoàn Citigroup (thông qua đơn vị cung cấp các dịch vụ tiêu dùng của tập đoàn này là Citibank).
EAB và Citibank đã ký biên bản ghi nhớ, trong đó hai bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đặc biệt Citibank mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của EAB và được tham gia góp đến 29% vốn cổ phần của EAB đến cuối năm 2007.
Dự kiến trong quý 1-2007 EAB sẽ bán 10% vốn điều lệ cho đối tác nước ngoài. Đến quý 3-2007, EAB sẽ tăng lên 29%. Nếu thời điểm đó Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa đồng ý cho một đối tác tham gia đến 29% thì EAB sẽ mời gọi các tổ chức tài chính khác tham gia nhằm đảm bảo tổng vốn cho các đối tác nước ngoài chiếm 30% vốn điều lệ của EAB.
Theo ông Bình, đối với EAB, hợp tác là cơ hội để tiếp cận kinh nghiệm về quản trị, đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và hiệu quả sử dụng vốn từ các ngân hàng nước ngoài. Việc tăng vốn điều lệ đạt 2.000 tỷ đồng trong năm 2007 sẽ được EAB tập trung sử dụng cho nhiều mục tiêu phát triển ngân hàng.
Cụ thể EAB sẽ sử dụng khoảng 35% vốn điều lệ cho vay trung dài hạn; 10% vốn điều lệ cho các công ty trực thuộc; đầu tư 50% xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa, đổi mới trang thiết bị…
SGGP
|