Hanosimex: Đầu tư để tăng sức cạnh tranh hội nhập
Trong những năm gần đây, giới kinh doanh thời trang khi nói đến sản phẩm hàng dệt kim là nhắc đến các sản phẩm của Công ty Dệt May Hà Nội (Hanosimex), vì các sản phẩm này có chất lượng cao và mẫu mã đẹp.
Năm 2006, doanh số công ty ước đạt trên 1.500 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đạt 42 triệu USD. Đây là bước khởi đầu thuận lợi của công ty để đạt kế hoạch 2.000 tỷ đồng vào năm 2010.
* Chuyển đổi mô hình
Để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh với quy mô lớn, từ năm 2005, Hanosimex đã chính thức chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con. Sau 2 năm hoạt động theo mô hình mới, công ty đã thành lập được 13 nhà máy thành viên với hơn 5.000 lao động.
Ông Nguyễn Khánh Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Dệt May Hà Nội cho biết, ngoài việc sắp xếp lại sản xuất cho hợp lý từ công ty mẹ đến công ty con, Hanosimex đã di dời các nhà máy dệt, nhuộm, hoàn tất vải dệt kim vào các khu công nghiệp nhằm mở rộng năng lực, kết hợp hiện đại hóa thiết bị sản xuất, đáp ứng đủ nhu cầu sản lượng vải cho các xí nghiệp may quần áo dệt kim phục vụ cho xuất khẩu.
Để hợp lý hóa quản lý và sản xuất, Hanosimex đã sáp nhập Nhà máy Sợi Vinh vào Công ty Dệt May Hoàng Thị Loan và tiến hành cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp này. Trong đó, Hanosimex giữ vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước chiếm 55% tổng số vốn điều lệ.
Như vậy, công ty có điều kiện đầu tư vốn vào công ty con, quan hệ hoàn toàn là quan hệ kinh tế, trong đó công ty mẹ có điều kiện hỗ trợ công ty con về thị trường, công nghệ và cả đơn hàng. Công ty con có thể phát huy tính chủ động trong quản lý, tiết kiệm chi phí sản xuất, tiếp nhận sự hỗ trợ của công ty mẹ để phát triển sản xuất, song song với việc chủ động tìm kiếm các đơn hàng cho riêng mình nếu thấy có lợi hơn.
Hanosimex cũng đã CPH Công ty Dệt Hà Đông và Công ty May Đông Mỹ nhằm đa dạng hóa vốn sở hữu và có điều kiện phát hành thêm cổ phiếu cũng như đưa lên sàn chứng khoán đểâ thu hút vốn đầu tư cho nhu cầu hiện đại hóa sản xuất.
Ngoài ra, Hanosimex đã tiếp nhận, củng cố và đang thực hiện CPH Công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu Hải Phòng, đồng thời mua 30% tổng số cổ phiếu của Công ty Dệt May Huế.
Việc sắp xếp, CPH và đầu tư vốn đã giúp Hanosimex huy động được nguồn vốn nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, thay đổi các thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến một cách đồng bộ và khép kín từ khâu kéo sợi, dệt, nhuộm đến khâu hoàn tất may sản phẩm, giúp công ty có những bước đột phá sản xuất kinh doanh, từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và giảm được giá thành.
* Tăng khả năng cạnh tranh trong hội nhập
Năm 2005, Hanosimex đã đầu tư thêm 165 tỷ đồng cho các dự án mở rộng nhà máy sợi và đổi mới dây chuyền sản xuất ống giấy; dự án đầu tư thêm một xí nghiệp chuyên may hàng dệt kim thời trang. Ngoài ra, công ty cũng đầu tư hoàn thiện và áp dụng hệ thống công nghệ thông tin vào quản lý doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng quản lý từ khâu sản xuất đến công tác điều hành kinh doanh.
Việt Nam đã gia nhập WTO, các rào cản về thương mại, hạn ngạnh xuất khẩu được dỡ bỏ, việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược mới trong sản xuất cũng như kinh doanh để tăng sức cạnh tranh trên mọi thị trường, từ thị trường nội địa đến thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Khánh Sơn cho biết, Hanosimex đã và đang triển khai nhiều kế hoạch cho các dự án đầu tư để tăng tính cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Trong đó, công ty sẽ tiếp tục đầu tư cho một số xí nghiệp dệt may lớn với các công nghệ sản xuất hiện đại nhất hiện nay; đầu tư vào dự án nhà máy sản xuất xơ bông có công suất lớn với tổng kinh phí dự toán khoảng 50 đến 60 triệu USD; đầu tư vào dự án nhà máy sợi mới có công suất 16.000 tấn/năm với tổng số vốn đầu tư hơn 50 triệu USD… Đây là những dự án đầu tư chiến lược để Hanosimex thực sự là một doanh nghiệp mạnh trong ngành dệt may Việt Nam.
SGGP
|