Tiếp tay cho tư nhân thao túng DN cổ phần hóa
Đáng ra, Hacinco đã trở thành Cty cổ phần (chỉ còn chờ Chủ tịch UBND TP ra quyết định). Nhưng tất cả đều bị ngưng trệ và đang đẩy Hacinco đến bờ vực phá sản chỉ vì ý nguyện của một cổ đông ngoài Hacinco không thành.
Cty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) đang thực hiện cổ phần hóa xuôi chèo mát mái thì một cổ đông ngoài Cty có đơn phản ánh:
"Nghe nói” Cty đang mất cân đối về khả năng thanh toán tài chính đồng thời yêu cầu Cty phải kiểm toán. Ngay sau đó, quá trình CPH bị đình trệ vì những văn bản can thiệp của cơ quan quản lý, đẩy Hacinco vào cảnh lao đao…
Thao túng doanh nghiệp không thành
Đáng ra, Hacinco đã trở thành Cty cổ phần (chỉ còn chờ Chủ tịch UBND TP ra quyết định), bởi Cty đã bán cổ phần, tổ chức đại hội cổ đông và bầu ra ban lãnh đạo.
Tuy nhiên, tất cả đều bị ngưng trệ và đang đẩy Hacinco đến bờ vực phá sản chỉ vì ý nguyện của một cổ đông ngoài Hacinco không thành.
Chuyện là, trong cuộc họp Hội đồng Quản trị (HĐQT) bà Nguyễn Thị Chi - một cổ đông lớn của Hacinco, đang sở hữu số cổ phần tương ứng số tiền lên đến 16 tỷ đồng và là 1 trong 5 thành viên HĐQT nhất quyết không chịu bỏ phiếu theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của Cty, mà đưa ra yêu sách:
Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền (em gái bà Chi) phải được giữ một trong hai chức hoặc Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc điều hành. Tuy nhiên, yêu sách này đã không được đáp ứng, vì HĐQT đã bầu ông Nguyễn Chí Sỹ làm Chủ tịch HĐQT và Giám đốc điều hành.
Yêu sách không được đáp ứng, sau cuộc họp HĐQT 4 ngày, ngày 19/12/2005, bà Chi đã làm đơn đề nghị Sở Tài chính Hà Nội với nội dung: Hacinco mất cân đối về tài chính, đề nghị phải kiểm toán và báo cáo tài chính năm 2005, đồng thời đề nghị tạm dừng việc giải ngân tiền bán cổ phiếu của Cty Hacinco.
Trên thực tế, trước khi bán đấu giá cổ phiếu trên sàn giao dịch Trung tâm chứng khoán Hà Nội, Hacinco đã có bản cáo bạch gửi các nhà đầu tư, trong đó nêu rõ tình hình tài chính của Cty. Hơn nữa thời điểm bà Chi đề nghị chưa hết năm tài chính vì cớ gì mà doanh nghiệp phải kiểm toán.
Nhưng không hiểu sao đề nghị đó của bà Chi lại được ông Phạm Công Bình, Phó GĐ Sở Tài chính Hà Nội lập tức đáp ứng, bằng việc có văn bản yêu cầu Hacinco phải kiểm toán và đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội tạm dừng việc quyết định Hacinco thành Cty cổ phần.
Giúp tư nhân thao túng doanh nghiệp cổ phần hoá?
Tiếp đó, ông Bình lại có báo cáo số 847, kiến nghị UBND TP Hà Nội điều chỉnh giảm vốn điều lệ Hacinco từ 50 tỷ đồng xuống còn 38.752.820.000 đồng.
Trong thời gian này bà Chi đã “bỏ túi” thêm số cổ phần trị giá 6 tỷ đồng của ba cán bộ chủ chốt tại Hacinco theo giấy ủy quyền, gồm hai Phó Giám đốc Hacinco là Đỗ Ngọc Hoàng, Đỗ Đăng Tùng và Kế toán trưởng Nguyễn Văn Dũng.
Vậy là bà đã có số cổ phần trị giá 22 tỷ đồng. Rất dễ dàng để nhận thấy nếu phương án điều chỉnh vốn của Sở Tài chính Hà Nội đề xuất với UBND TP được thực thi thì tỷ lệ vốn góp của bà Chi sẽ là 22 tỷ đồng trên tổng số 38.752.820.000đ (vốn điều lệ) tương ứng 56%. Đến lúc đó, hiển nhiên khi đại hội cổ đông lại bà Chi sẽ thao túng doanh nghiệp CPH.
Trong Hợp đồng Tư vấn CPH giữa Bên A là Hacinco, Bên B là Cty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt và Bên C là Chi cục Tài chính doanh nghiệp Hà Nội, thì bên C có trách nhiệm “đôn đốc, giám sát, hỗ trợ” Hacinco thực hiện quá trình CPH.
Nếu thực sự Hacinco có những sai sót trong khi CPH, trước hết ông Phạm Công Bình, với tư cách Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp Hà Nội cũng phải chịu trách nhiệm.
Ngược lại Chi cục Tài chính doanh nghiệp liên tiếp “ra đòn” với doanh nghiệp này (từ yêu cầu kiểm toán tài chính năm khi chưa hết năm tài chính, chuyển nợ thành vốn góp sai quy định, đến không nộp tiền vào tài khoản…).
Đáng chú ý là tất cả những văn bản mà Chi cục Tài chính doanh nghiệp Hà Nội “tố” doanh nghiệp này đều được ban hành sau khi mục đích nắm quyền điều khiển Hacinco, trái Luật Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Chi không thành.
Báo cáo sai sự thật
Ngoài ra, trong các báo cáo số 847 của ông Bình gửi UBND TP và báo cáo số 3211 gửi Bộ Tài chính, ông Bình đã báo cáo sai sự thực, đánh lừa cả hai cơ quan cấp trên, khi nại ra nội dung:
“Trong giai đoạn này xuất hiện một số thắc mắc kiến nghị của Ngân hàng Công thương Đống Đa và của một số nhà đầu tư đề nghị xem xét lại một số điểm trong quá trình CPH.
Vì vậy, UBND TP chưa ban hành quyết định chuyển DNNN Cty ĐTXD số 2 sang Cty CP đồng thời giao Sở Tài chính xem xét kiến nghị của Ngân hàng và các nhà đầu tư…”.
Ngày 18/12/2006, Hacinco đã nhận được công văn số 667 của Chi nhánh Ngân hàng Công thương Đống Đa khẳng định: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Đống Đa không có văn bản hoặc ý kiến can thiệp nào vào việc CPH của Cty Đầu tư Xây dựng số 2 với các ban ngành cũng như với UBND TP Hà Nội”.
Tiền Phong
|