Công đoàn hậu gia nhập WTO: 4 vấn đề để hội nhập thành công
Sau thời điểm gia nhập WTO và tiến trình phát triển kinh tế thị trường cùng với làn sóng đầu tư nước ngoài thứ 2 đang tràn vào Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, khái niệm doanh nghiệp quốc doanh (DNQD) và ngoài quốc doanh (NQD) sẽ không tồn tại nữa mà chỉ còn lại duy nhất khái niệm DN NQD với các hình thức cổ phần hóa, tư nhân, liên doanh...
Đồng thời, nguồn kinh phí vẫn đang được trích ra từ lương của người lao động (NLĐ) để phục vụ hoạt động Công đoàn (CĐ) cũng có thể được điều chỉnh giảm xuống theo lộ trình hội nhập. Những điều này đang đặt ra thách thức lớn cho sự tồn tại và phát triển của tổ chức CĐ, đòi hỏi sự thay đổi nhanh về tư duy và phương thức hoạt động của tổ chức nhằm giữ vững vị trí đại diện cho quyền lợi hợp pháp của NLĐ.
Để hội nhập thành công, có 4 vấn đề được các cấp CĐ đặt nhiều quan tâm trong việc duy trì và phát triển hoạt động. Đó là trình độ của đội ngũ cán bộ CĐ, các công cụ pháp lý để thực thi công tác, phương pháp hoạt động và công tác phát triển Đảng trong đội ngũ đoàn viên.
Với bối cảnh hoạt động mới, các DN sẽ tìm cách liên doanh, cổ phần hóa... nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong thị trường. Cùng với tiến trình này, trình độ sản xuất và công tác quản lý trong các DN sẽ thay đổi cơ bản với mục tiêu “tối thượng” là tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ để tồn tại trên thương trường. Như vậy, để thích ứng với tình hình mới, đội ngũ cán bộ CĐ cấp thiết phải được nâng cao về kiến thức hoạt động. Đặc biệt, theo đánh giá chung từ các CĐ cơ sở, người “thủ lĩnh’’ CĐ cần phải có sự vững vàng về trình độ chuyên môn, thông hiểu luật pháp Việt Nam và thông lệ kinh doanh sản xuất quốc tế tương đương trình độ của tổng giám đốc doanh nghiệp. Chỉ có như vậy, CĐ mới có khả năng đưa ra được các hình thức “đấu tranh” có bài bản để bảo vệ được quyền lợi của NLĐ.
Trực tiếp quản lý 68 CĐ cơ sở, trong đó có nhiều CĐ cơ sở trong các đơn vị DN liên doanh, có vốn đầu tư nước ngoài với qui mô lớn, LĐLĐ huyện Gia Lâm hiện là đơn vị có nhiều thành công trong công tác hòa giải khi xảy ra tranh chấp lao động tại các DN, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động. Theo bà Dương Thị Vân Hải, Chủ tịch LĐLĐ huyện, kinh nghiệm thành công của tổ chức CĐ tại khu vực DN liên doanh, tư nhân, cổ phần hóa nằm ở việc lựa chọn được đội ngũ cán bộ có sự minh bạch trong tư tưởng và công việc; tránh tình trạng cán bộ CĐ có tư tưởng “tâng công” với chủ DN để trục lợi cá nhân, gây ảnh hưởng tới chất lượng của công tác bảo vệ quyền lợi NLĐ. Mặt khác, hoạt động CĐ muốn thành công cần phải tạo uy tín cho tổ chức bằng cách đứng ra đề xuất và phối hợp với giới chủ triển khai các phong trào thi đua cho NLĐ, đem lại lợi ích thiết thực cho mục tiêu sản xuất kinh doanh (SXKD) của đơn vị. Từ đó, tạo lập được uy tín của tổ chức, làm tiền đề vững vàng cho việc bảo đảm quyền lợi của NLĐ với giới chủ. Thêm vào đó, trong giải quyết các tranh chấp lao động, CĐ các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhằm tăng uy tín và tính minh bạch trong xử lý vấn đề.
Một trong những yếu tố quan trọng cho việc phát triển hoạt động và tổ chức CĐ, đó là những công cụ pháp lý đặc thù. Hiện nay về mặt chủ trương, chính sách, Chính phủ đều tạo điều kiện cho việc thành lập CĐ trong các đơn vị DN. Nghị định 96 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về BCH CĐ lâm thời tại DN đã có qui định “DN thành lập, chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động, CĐ địa phương hoặc CĐ ngành có trách nhiệm thành lập tổ chức CĐ cơ sở theo qui định của Bộ luật Lao động... Sau thời gian qui định, nếu DN chưa thành lập được tổ chức CĐ cơ sở, CĐ cấp trên chỉ định BCH CĐ lâm thời để đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và tập thể lao động”. Tuy nhiên, một số CĐ cấp trên tại địa phương và CĐ ngành lại không có trong tay một chế tài xử phạt rõ ràng trong trường hợp các DN không thành lập CĐ hoặc không thực hiện chỉ định thành lập CĐ cơ sở từ CĐ cấp trên. Kết quả là nhiều DN vẫn ở tình trạng được chỉ định là như vậy, nhưng có hoạt động CĐ hay không lại tùy thuộc ở: quyền” của DN.
Để phát triển tổ chức CĐ, việc tạo điều kiện bồi dưỡng phấn đấu phát triển Đảng cho các đoàn viên ưu tú hiện cũng là một vấn đề mong mỏi của nhiều đoàn viên, nhất là các đoàn viên trẻ tại các CĐ cơ sở. Đặc biệt, tại các DN liên doanh, DN 100% vốn đầu tư nước ngoài, công tác Đảng thực tế đang gặp nhiều khó khăn. Gần đây, tại một số DN có vốn đầu tư nước ngoài như VINAX (liên doanh với Nhật Bản), Orion Hanel (liên doanh với Hàn Quốc)... các cấp CĐ cũng đã vào cuộc vận động, đề xuất với các cấp ủy Đảng nhằm thành lập và duy trì hoạt động của các chi bộ Đảng. Từ đó, các đảng viên luôn được CĐ chú trọng bồi dưỡng trở thành các cán bộ có năng lực cho tổ chức. Đây thực sự là một vấn đề cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cơ quan chức năng, nhằm tạo điều kiện cho hoạt động CĐ phát triển, đồng thời góp phần tạo sự ổn định cho hệ thống chính trị.
HNM
|