Cổ phần hoá doanh nghiệp nhỏ và vừa: Không còn ưu đãi thuế
Cổ phần hoá (CPH) DNNN là một trong những hoạt động quan trọng của tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế đất nước. Cùng với sự kiện VN trở thành thành viên WTO, CPH cũng bước sang một giai đoạn mới. DĐDN đã phỏng vấn ông Trần Văn Tá - Thứ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề này.
- Mặc dù, tiến trình CPH DNNN đã đi được một thời gian khá dài, nhưng vốn CPH vẫn còn hạn chế. Xin ông cho biết lý do của thực tế này?
Tiến trình CPH DNNN của chúng ta thực hiện theo từng giai đoạn thích hợp. Giai đoạn đầu là CPH những DN nhỏ, DN thành viên các TCty, gần đây là những DNNVV. Hiện tại chúng ta đang thí điểm CPH những TCty, tập đoàn lớn. Chỉ khi những TCty, tập đoàn lớn được CPH triệt để thì chúng ta mới huy động được nguồn vốn lớn.
- Đối với nhiều DN, thương hiệu là một tài sản lớn. Tuy nhiên, đến nay các DN vẫn lúng túng trong vấn đề định giá thương hiệu DN, thưa ông?
Hiện nay, định giá thương hiệu DN đang căn cứ vào lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm. Chúng ta chưa có những hướng dẫn chi tiết cho từng ngành, từng lĩnh vực. Định giá giá trị tài sản vô hình là lĩnh vực mới và khá phức tạp. VN chưa có nhiều kinh nghiệm trong định giá thương hiệu DN. Các cơ quan tài chính, tham mưu của mỗi ngành, mỗi địa phương nên có những đề xuất cụ thể cho định giá thương hiệu DN của khu vực mình. Qua đó, các cơ quan quản lý sẽ có được tổng kết đưa ra những hướng dẫn chi tiết.
- Nhiều DN VN muốn niêm yết tại thị trường chứng khoán quốc tế. Nhưng các trung tâm, sàn giao dịch quốc tế tỏ ra không tin tưởng vào việc DN VN kiểm toán tại các đơn vị trong nước mà yêu cầu kiểm toán quốc tế. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Đúng là hiện nay các DN kiểm toán của VN chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có thể khẳng định ngành kế toán, kiểm toán VN trong những năm qua đã có những bước tiến khá dài. Các chuẩn mực kế toán của VN đã đạt ở mức gần tương đương chuẩn quốc tế. Cùng với đó, chúng ta đã và đang cho phép Hiệp hội kế toán, kiểm toán và công chứng Anh (ACCA) tổ chức các đợt thi cấp chứng chứng kiểm toán quốc tế ACCA tại VN. Chúng ta đã có một đội ngũ kiểm toán viên quốc tế hàng trăm người. Với những điều kiện như trên ngành kế toán kiểm toán VN sẽ nhanh chóng bắt kịp các tiêu chuẩn quốc tế.
Nhiều DN muốn niêm yết tại các sàn giao dịch quốc tế là một dấu hiệu tốt. Nhưng theo tôi, đối với một số DN đây không phải là cách khẳng định mình. Phí để kiểm toán quốc tế là khá lớn, gấp nhiều lần kiểm toán trong nước. Rất nhiều DN lớn của VN đã tiến hành kiểm toán quốc tế như 4 ngân hàng thương mại của VN hay một số TCty lớn. Có nhiều cách để khẳng định mình. Các DNNVV VN khó có thể đủ kinh phí để tiến hành kiểm toán quốc tế cũng như niêm yết tại sàn giao dịch quốc tế. Điều các DN cần làm trước tiên là nâng cao trình độ kế toán, minh bạch về tài chính... chứ không nhất thiết phải sớm niêm yết ra các sàn giao dịch quốc tế.
- Hiện chúng ta đang áp dụng những chế độ ưu đãi thuế đối với các DN CPH. Trong tương lai những ưu đãi này còn được áp dụng nữa không, thưa ông?
Việc ưu đãi thuế đối với các DN CPH chỉ đúng với từng giai đoạn. Giai đoạn vừa qua, chúng ta đã áp dụng một cơ chế khuyến khích động viên tích cực các DN CPH. Nhưng đến giai đoạn này thì lại khác. Chúng tai phải biết được các nhà đầu tư muốn gì? Các nhà đầu tư nước ngoài thường không quan tâm tới các chính sách ưu đãi thuế. Cái họ cần là môi trường đầu tư, tính minh bạch của cơ chế pháp luật và được đối xử công bằng như các nhà đầu tư trong nước.
Chính vì vậy, trong giai đoạn tới những chính sách ưu đãi thuế đối với DN CPH sẽ phải bãi bỏ. Nghị định thay thế Nghị đ187 đang được Bộ Tài chính soạn thảo sẽ không còn các ưu đãi thuế như trước đối với các DN CPH.
- Xin cảm ơn ông!
Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng:
Từ 5.000 - 7.000 DNNN với khoảng 260.000 tỷ đồng vốn như hiện nay, chúng ta sẽ cổ phần hoá chỉ giữ lại khoảng 40 - 50 DNNN với số vốn sau khi cổ phần hoá ước đạt khoảng 400.000 tỷ đồng. Với số vốn như vậy, chúng ta sẽ tập trung vào 40 - 50 DNNN và lại tiếp tục cổ phần những DN này, chỉ giữ lại 30 - 40%. Từ đó chúng ta sẽ có những TCty, những tập đoàn.
DĐDN
|