Bán cổ phần cho ngân hàng nước ngoài
Gần đây, xu hướng mời gọi các ngân hàng nước ngoài tham gia cổ phần vào ngân hàng trong nước diễn ra ngày một sôi động. Đã có các ngân hàng nước ngoài mua cổ phần của các ngân hàng nội địa, là Ngân hàng OCBC của Singapore (mua 10% cổ phiếu VPBank với giá 15,7 triệu USD); Standard Chartered (mua lại 8,56% cổ phần của ACB với giá 22 triệu USD); ANZ (chi 27 triệu USD để sở hữu 10% cổ phần Sacombank); HSBC (17,3 triệu USD mua 10% cổ phần Techcombank).
Gần đây nhất, Ngân hàng PNB Paribas đã mua 10% cổ phần của OCB. Hiện tại có ít nhất hai ngân hàng đang thương thảo giai đoạn cuối việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng hợp tác với ngân hàng nước ngoài là cơ hội lớn cho các ngân hàng nội địa nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Mới đây EAB đã thỏa thuận với Citibank về việc sẽ hỗ trợ đào tạo nhân viên của EAB về các nghiệp vụ bán lẻ, các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp và kết nối hệ thống thẻ EAB với hệ thống thẻ của Citibank.
Lãnh đạo của VIB Bank cho biết ngân hàng đang xây dựng mối liên kết với nhiều ngân hàng trên thế giới làm cầu nối thực hiện nhiều nghiệp vụ tín dụng. Chính vì vậy, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một trong những mục tiêu của VIB Bank trong thời gian tới.
Theo dự thảo Nghị định về việc tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trình Chính phủ thì tổng tỷ lệ cổ phần dành cho khối đầu tư nước ngoài là 30%, trong đó mỗi công ty quản lý quỹ chỉ được mua tối đa 5%, các đối tượng khác được sở hữu 10%, riêng nhà đầu tư chiến lược có tỷ lệ 20% vốn điều lệ.
Trước khả năng này, các ngân hàng nước ngoài bày tỏ ý định sẵn sàng tăng gấp đôi tỷ lệ sở hữu từ 10% hiện nay lên 20% ngay sau khi quy định cho phép. Theo một quan chức NHNN, việc mở rộng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông chiến lược nước ngoài là yếu tố giúp nâng cao sức cạnh tranh của các ngân hàng hiện nay.
Tuy nhiên, điều này sẽ điều chỉnh dần dần. Nhiều ý kiến khác cho rằng nên nâng tỷ lệ này lên 49% vì không ảnh hưởng tới quyền sở hữu ngân hàng của cổ đông Việt Nam, mà còn tăng sức hấp dẫn đối với cổ đông nước ngoài khi họ được sở hữu nhiều hơn mức 10% hiện nay.
SGGP
|