Vướng cơ chế để chuyển nợ thành vốn góp
Chuyển nợ thành vốn góp cổ phần gắn với xóa nợ như một mũi tên trúng hai đích: vừa giúp xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại nhà nước, vừa giúp cổ phần hóa các công ty nhà nước yếu kém về tài chính. Tuy nhiên, quá trình này đang gặp những vướng mắc từ cơ chế.
Yêu cầu từ thực tiễn
Nghị định số 187 (ban hành ngày 16-11-2004) của Chính phủ và Thông tư số 126 (năm 2004) của Bộ Tài chính quy định điều kiện để cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là phải còn vốn nhà nước và điều này trở thành áp lực đối với các doanh nghiệp bị âm vốn nhà nước khi CPH. Do không dễ xóa nợ lãi tiền vay ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN), xóa nợ ngân sách... theo các quy định hiện hành nên để được CPH, các doanh nghiệp thường tính “vống” giá trị tài sản của mình sao cho đủ bù số âm vốn nhà nước. Với cách này, sau CPH doanh nghiệp thường tiếp tục kinh doanh sa sút do không có thực lực tài chính để hoạt động. Trường hợp âm vốn quá lớn không thể bù đắp từ tăng khống giá trị tài sản, nếu không được các NHTMNN xóa nợ, các doanh nghiệp này cũng không CPH được và do đó sẽ tiếp tục tồn tại lay lắt chờ được bán, giao hay giải thể, phá sản. Với doanh nghiệp yếu kém về tài chính thì việc xóa nợ gắn với chuyển nợ thành vốn góp được xem là lựa chọn hợp lý cho NHTMNN để đổi lấy kỳ vọng thu hồi vốn sau này, và cũng là giải pháp khả dĩ để CPH các doanh nghiệp này.
Bất cập của cơ chế
Xét về cơ chế, trước hết, đó là sự bất cập trong cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu khi CPH. Theo Thông tư 126, việc chuyển nợ thành vốn góp phải tuân thủ các quy định về quyền mua cổ phần lần đầu với giá cổ phần xác định qua đấu giá. Tại mục A, phần V của thông tư này, cơ cấu cổ phần lần đầu gồm cổ phần nhà nước; cổ phần bán ưu đãi giảm giá cho người lao động; cổ phần bán ưu đãi giảm giá cho nhà đầu tư chiến lược và cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư. Như vậy, như những nhà đầu tư thông thường khác, chủ nợ cũng phải tham gia đấu giá. Với cơ chế đấu giá này, do không nằm trong cơ cấu cổ phần lần đầu nên việc chuyển nợ thành vốn góp sẽ không thực hiện được khi giá đấu của chủ nợ không đạt mức tối thiểu để trúng đấu giá. Đây chính là điểm hạn chế làm các chủ nợ ngần ngại khi quyết định xóa nợ cho doanh nghiệp để CPH vì họ không chắc có thể chuyển đổi thành công nợ thành vốn góp khi đấu giá.
Bất cập tiếp theo là việc phải đấu giá công khai để xác định giá mua cổ phần chuyển đổi từ nợ theo quy định của Thông tư 126 vừa khiến có thể không thực hiện được việc chuyển nợ thành vốn góp như nêu trên, vừa làm cho chủ nợ không được hưởng chính sách giảm giá mua cổ phần như áp dụng với người lao động hoặc nhà đầu tư chiến lược trong khi nhờ có xóa nợ DNNN mới CPH được. Rõ ràng là khi CPH các doanh nghiệp yếu kém tài chính, cơ chế giảm giá so với giá đấu thành công bình quân 40% cho người lao động và 20% cho nhà đầu tư chiến lược theo quy định của Thông tư 126 đã gây bất lợi cho chủ nợ vì xét theo khía cạnh logic thì chủ nợ phải là đối tượng đầu tiên được ưu đãi chứ không phải các nhà đầu tư khác. Sự phân biệt về giá mua cổ phần nói trên có thể là nguyên nhân khiến NHTMNN không mặn mà với việc xóa nợ để hỗ trợ cổ phần hóa DNNN trong thời gian qua.
Cơ chế nộp tiền thu từ bán cổ phần khi cổ phần hóa DNNN cũng là một vấn đề cần quan tâm. Việc quy định toàn bộ số thặng dư vốn do giá bán cổ phần cao hơn mệnh giá sẽ phải nộp về Nhà nước sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp sau CPH do không đủ tiền để hoạt động. Sự bấp bênh về khả năng thu nợ cũng là một nguyên nhân làm cho các chủ nợ không mặn mà thực hiện chính sách xóa nợ và chuyển nợ thành vốn góp khi cổ phần hóa DNNN yếu kém về tài chính.
Không được tham gia vào việc lập và phê duyệt phương án CPH cũng là vấn đề được các chủ nợ quan tâm thời gian qua. Theo Thông tư 126, phương án CPH do tổ giúp việc hoặc tổ chức tư vấn lập, Ban Chỉ đạo CPH thẩm định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Do không được tham gia soạn lập và thông qua các nội dung tài chính, kinh doanh và lao động trong phương án CPH nên chủ nợ có thể không yên tâm về khả năng thu nợ sau CPH. Cảm giác bị đẩy ra ngoài rìa trong quá trình CPH và sự không yên tâm về tính khả thi của việc thu nợ sau CPH đã khiến chủ nợ khó chấp nhận xóa nợ và mục tiêu CPH sẽ khó thực hiện được.
Những kiến nghị
Những bất cập trong thực tế vô tình đã vô hiệu hóa mục tiêu xóa nợ gắn với chuyển nợ thành vốn góp để hỗ trợ CPH những DNNN yếu kém về tài chính. Để khắc phục những bất cập trên, cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, số cổ phần do chuyển đổi từ nợ cần được xác định ngay trong cơ cấu cổ phần lần đầu, ngay sau mục cổ phần Nhà nước nắm giữ, do chủ nợ và doanh nghiệp CPH thỏa thuận tùy theo tình hình tài chính, nhu cầu vốn điều lệ, yêu cầu nắm giữ cổ phần của Nhà nước và yêu cầu cổ phần bán ưu đãi cho người lao động.
Thứ hai, để khuyến khích chủ nợ, đối với DNNN đủ điều kiện CPH mà không cần phải xóa nợ, có thể thực hiện cơ chế giảm giá 20% như áp dụng với nhà đầu tư chiến lược. Đối với DNNN buộc phải xóa nợ mới CPH được, cần cho phép chủ nợ và doanh nghiệp được thỏa thuận tỷ lệ chuyển đổi nợ thành cổ phần với điều kiện phải phù hợp với thực tế tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ ba, ngoài ưu đãi về giá mua cổ phần hay tỷ lệ chuyển đổi thì việc để lại số thu từ bán cổ phần giúp doanh nghiệp có thực lực tài chính hoạt động sau CPH cũng là biện pháp khuyến khích cần thiết. Thực chất, sự ưu đãi này chính là cách thức Nhà nước cùng chia sẻ gánh nặng rủi ro với chủ nợ nhằm vực dậy doanh nghiệp sau CPH.
Thứ tư, việc tham gia lập phương án CPH là yếu tố quan trọng củng cố niềm tin cho chủ nợ khi xóa nợ để CPH. Vì vậy, cần cho phép chủ nợ được tham gia và được thỏa thuận với doanh nghiệp về các vấn đề cốt lõi trong phương án CPH như xóa nợ, dãn nợ, số lượng và tỷ lệ hoán đổi nợ sang cổ phần, cơ chế hoạt động và thu nợ sau CPH...
Cảm giác bị đẩy ra ngoài rìa trong quá trình CPH và sự không yên tâm về tính khả thi của việc thu nợ sau CPH đã khiến chủ nợ khó chấp nhận xóa nợ và mục tiêu CPH sẽ khó thực hiện được.
DN, TBKTVN
|