Quốc hội thảo luận về việc thực hiện cổ phần hóa DNNN: Cần đặc biệt quan tâm quyền lợi người lao động
Ngày 6-11, Quốc hội (QH) đã nghe và thảo luận về việc thực hiện cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo nhiều đại biểu, trong thời gian sắp tới, khi nhiều tổng công ty lớn CPH, hai điều kiện then chốt cần đảm bảo là không để thất thoát vốn của Nhà nước và bảo vệ quyền lợi của người lao động.
“Cổ phần hóa nhưng không tư nhân hóa”
Tính đến cuối năm 2005, cả nước đã cổ phần hóa được 2.935 doanh nghiệp và bộ phận DNNN, song số vốn của DNNN được CPH mới chiếm 12% tổng số vốn. Số DNNN mà Nhà nước còn nắm 100% vốn hiện còn 2.176 doanh nghiệp với tổng số vốn gần 260.000 tỷ đồng.
Xét trên quy mô vốn, đây là con số rất lớn, song theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh (An Giang), vấn đề còn ở chỗ “Thời gian tới phải CPH các tổng công ty lớn mới, đây là phần khó khăn, vì thế cần sớm rút ra những điểm chưa hợp lý để rút kinh nghiệm, tránh gây thất thoát tài sản Nhà nước”.
Đại biểu Nguyễn Kim Khanh (Bình Phước) nêu, nhiều doanh nghiệp đã định giá tài sản rất thấp so với thực tế, nên nếu làm không khéo, sẽ không đạt được mục tiêu “CPH nhưng không tư nhân hóa”.
Đại biểu Võ Quốc Thắng (Long An) băn khoăn về giá trị trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp (căn cứ để CPH) có khi không khớp với thực tế (chẳng hạn do khấu hao nhanh nên có những trang thiết bị đã khấu hao hết nhưng vẫn đang sử dụng), vì vậy “rất cần tiến hành minh bạch hóa giá trị doanh nghiệp”.
Nhiều đại biểu lưu ý đến việc định giá tài sản là quyền sử dụng đất. Đại biểu Nguyễn Mạnh Đức (Yên Bái) đề nghị, tới đây, nên bỏ chế độ giao đất cho doanh nghiệp mà nhất loạt “chuyển sang cho thuê, nhưng phải tính toán lại giá thuê”.
Nhiều đại biểu đề xuất mở rộng các hình thức định giá thông qua các tổ chức định giá, kiểm toán, tư vấn tài chính, đấu thầu… chuyên nghiệp, xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng quá trình CPH để vụ lợi, chiếm đoạt, gian lận tài sản, tiền vốn của Nhà nước.
Công nhân nghèo không dễ mua được cổ phần
Nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề chăm lo quyền lợi của người lao động khi CPH doanh nghiệp. Theo đại biểu Ngô Sỹ Hưởng (Thái Nguyên), nhiều lao động phải đem “cắm” cả sổ đỏ, hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lấy tiền mua cổ phiếu (!).
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (TPHCM), Cù Thị Hậu (Phú Thọ) cũng cho rằng, trên thực tế do có nhiều người lao động không có tiền mua cổ phần, nên có những người khác đứng sau họ đã “âm thầm mua lại” tự làm mất đi quyền lợi kinh tế cũng như quyền làm chủ doanh nghiệp.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng đề xuất cho người lao động được mua với mức bằng 40% giá đấu thầu thành công thấp nhất, đồng thời “Chính phủ nên tiếp tục duy trì và áp dụng phương thức cho người lao động nghèo được mua cổ phần ưu đãi trả chậm có thời hạn, không tính lãi. Đồng thời với điều kiện ràng buộc là phải vẫn có thể duy trì hạn chế 3 năm không được bán cổ phần được mua theo giá ưu đãi này”.
SGGP
|