Thứ Hai, 06/11/2006 11:50

Cty công trình giao thông 134 hoạt động kém hiệu quả?

Lâu nay, Công ty công trình giao thông 134 (Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1-Cienco1) được biết đến như chiếc nôi đào tạo cán bộ cho Tổng công ty. Nhiều năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh  của doanh nghiệp này tăng trưởng nhanh, từ vài ba chục tỷ đồng vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, lên hơn 100 tỷ đồng vào đầu những năm 2000. Nhưng, hơn một năm nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty ngày càng kém hiệu quả.

Mất cân đối tài chính nghiêm trọng

Công ty 134  chuyển thành Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình 134 từ ngày 1-10-2005. Ðến nay, sau một năm hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty chủ yếu vẫn chỉ diễn ra ở các địa bàn, công trình cũ, với những hợp đồng được kế thừa từ Công ty 134. Sau một năm hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần, đơn vị không tìm kiếm thêm được bất kỳ một hợp đồng mới nào, kể cả ở những địa phương được coi là địa bàn truyền thống của công ty như khu vực Tây Nguyên.

Năm 2006, Công ty xây dựng kế hoạch 188 tỷ đồng, nhưng đã xin điều chỉnh xuống 89 tỷ đồng (giảm 50%) và đến nay cũng mới chỉ thực hiện được khoảng 55% mức kế hoạch đã điều chỉnh. Thiếu việc làm, tình hình tài chính của công ty rất khó khăn.

Từ chỗ đang cân bằng các khoản vay, nợ từ ngân hàng, đến nay, công ty đang mất cân đối về thu, chi, với các khoản nợ ngắn hạn, nợ trung hạn, thuê mua tài chính thiết bị và nợ khách hàng hơn 60 tỷ đồng.

Chỉ riêng các khoản nợ này, mỗi tháng, công ty đã phải trả lãi vay ngân hàng gần 600 triệu đồng. Ðó là chưa kể số nợ 1,25 tỷ đồng, trong đó có nợ bảo hiểm xã hội hơn 300 triệu đồng, nợ kinh phí công đoàn 200 triệu đồng và nợ cả tiền cán bộ, công nhân nghỉ theo Nghị định 41 trước khi cổ phần hóa hơn 750 triệu đồng.

Trong khi các khoản nợ ngân hàng đang lãi mẹ đẻ lãi con thì nhiều công trình do công ty thi công đã hoàn thành, hoặc đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhưng chủ đầu tư thanh toán nhỏ giọt, vốn bị chiếm dụng gần 40 tỷ đồng, trong đó công trình cầu Văn Phú (Yên Bái) hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2004, nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn còn nợ gần 20 tỷ đồng. Ðiều đó cũng góp phần làm cho tình hình tài chính của công ty khó khăn thêm. Phó giám đốc Công ty Phạm Văn Duyên cho biết, nếu các khoản này dự kiến thu về được 50%, cũng làm cho đơn vị giảm nợ.

Mất cân đối về tài chính, dẫn theo hậu quả là đời sống người lao động không được bảo đảm. Nếu như trước cổ phần hóa, có năm lương khối văn phòng đạt hệ số 3, thì nay mới trả hết lương lần một với hệ số thấp. Tiền lương cho các đội thi công trực tiếp còn chậm hơn.

Thí dụ: công trường đường 18B Lào, mặc dù đã hoàn thành bàn giao từ tháng 1-2006, với giá trị hợp đồng gần 50 tỷ đồng và chủ đầu tư đã thanh toán gần hết, chỉ giữ lại tiền bảo hành công trình, nhưng không hiểu vì lý do lỗ vốn, hay vì nguyên nhân nào khác, mà công trình chưa quyết toán xong, kết quả là người lao động chỉ được tạm ứng mỗi tháng từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/người.

Thu nhập giảm, tư tưởng cán bộ, công nhân không ổn định, nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân lành nghề đã xin chuyển công tác, hoặc nghỉ tự túc. Công ty rơi vào tình trạng thiếu cán bộ, công nhân có tay nghề cao, có năng lực làm việc thật sự.

Cần sớm khắc phục những bất cập

Vì sao từ một công ty được xếp vào loại mạnh trong Cienco 1, với nhiều cán bộ có kinh nghiệm, thợ giỏi, nguồn tài chính lành mạnh, nhưng sau cổ  phần hóa lại sa sút nhanh như vậy?

Theo chúng tôi, trước hết, bộ máy quản lý của công ty mạnh, nhưng thiếu nhiệt huyết, chậm đổi mới khi chuyển cơ chế. Với 45% vốn điều lệ của Công ty 134 do Nhà nước nắm giữ, nên Hội đồng quản trị Công ty có năm người, thì Chủ tịch HÐQT và  một ủy viên HÐQT là kế toán trưởng và phó phòng kế hoạch của Tổng công ty. Hai người này chủ yếu làm việc tại Tổng công ty, công việc kiêm nhiệm, nên không sâu sát trong đôn đốc, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, phó mặc cho Ban giám đốc xử lý công việc.

Trong khi đó, bộ máy quản lý điều hành công ty chưa bắt nhịp được với mô hình hoạt động của công ty cổ phần,  mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của cấp trên (tìm kiếm việc làm, thanh toán công nợ); lúng túng trong việc xây dựng mục tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh; bộ máy gián tiếp đông, nhưng hoạt động không hiệu quả, thiếu đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề đáp ứng yêu cầu công việc; thiếu  tinh thần đoàn kết vượt khó; Chủ tịch HÐQT và một số thành viên HÐQT làm việc kiêm nhiệm.

Bản thân Giám đốc Công ty Phạm Tiến Lực trưởng thành từ cấp đội, lên phó giám đốc và làm giám đốc doanh nghiệp hơn bảy năm, nhưng khi hoạt động trong mô hình quản lý mới chưa đầy một năm đã cho rằng mình không phù hợp cơ chế của công ty cổ phần, không còn nhiệt huyết để làm giám đốc và nhiều lần xin thôi làm giám đốc công ty.

Trước tình hình nêu trên, một mặt, Cienco 1, với chức năng là cơ quan quản lý cấp trên đã chủ động điều chỉnh kế hoạch sản lượng cho Công ty 134; tích cực phối hợp các phòng ban chức năng đi thu hồi nợ đọng tại các công trình do Tổng công ty ký hợp đồng và giao cho đơn vị thi công. Tổng công ty cũng yêu cầu HÐQT Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình 134 chấn chỉnh lại bộ máy  tổ chức, nhân sự phù hợp tình hình sản xuất, kinh doanh hiện nay.

Ngày 22-9-2006, HÐQT Công ty cổ phần 134 đã tổ chức phiên họp lần thứ 4 thường kỳ để thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty trong thời gian qua và xem xét vấn đề tổ chức. Tại phiên họp này, HÐQT tổ chức bỏ phiếu cho ý kiến tán thành cho nghỉ hay không cho nghỉ đối với Giám đốc Phạm Tiến Lực. Kết quả có 4/5 thành viên HÐQT nhất trí để ông Phạm Tiến Lực thôi làm giám đốc.

Ngày 28-9, Chủ tịch HÐQT Công ty Doãn Huy Cường đã ký Nghị quyết số 509/HÐQT nhất trí miễn nhiệm ông Phạm Tiến Lực, giám đốc công ty và cử ông Phạm Văn Duyên tạm thời giữ chức giám đốc. Cùng với việc thay giám đốc, HÐQT Công ty cũng tiếp tục nghiên cứu, bổ sung điều chỉnh các quy chế  về quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, tuyển dụng lao động, khoán, trả lương, đấu thầu mua sắm, sử dụng và quản lý thiết bị,...

Ðồng thời, bổ sung, điều chỉnh điều lệ công ty cho phù hợp Luật Doanh nghiệp để thông qua Ðại hội cổ đông và chuẩn bị phát hành cổ phiếu để tăng vốn.

Bằng những biện pháp quản lý mới, phù hợp, hy vọng rằng, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình 134 sẽ nhanh chóng lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư  trên những công trình giao thông mới.

ND

Các tin tức khác

>   'Cổ phần hóa không phải là tư nhân hóa' (06/11/2006)

>   Giao dịch tại TTGDCK Hà Nội tháng 10/2006, giá trị giao dịch trái phiếu đạt mức kỷ lục (06/11/2006)

>   Năm 2009: Hoàn thành cổ phần hóa DNNN (06/11/2006)

>   Tăng tỉ lệ vốn cho nhà đầu tư chiến lược (06/11/2006)

>   SCB phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (03/11/2006)

>   Sôi động thị trường đấu giá cổ phần (03/11/2006)

>   2 công ty nộp hồ sơ đăng ký giao dịch tại TTGDCK Hà Nội (03/11/2006)

>   Kết quả đăng ký mua cổ phần Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (03/11/2006)

>   Đầu tư gián tiếp: Tầm nhìn vượt giá (03/11/2006)

>   SHB cho vay cầm cố cổ phiếu chưa niêm yết (03/11/2006)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật