Đầu tư gián tiếp: Tầm nhìn vượt giá
Sự chuyển động tích cực của thị trường tài chính trong 10 tháng qua và sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối năm là hai tiền đề quan trọng để hy vọng năm tới đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ bùng nổ.
Các doanh nghiệp nội địa cần chuẩn bị gì để đón tiếp dòng vốn này?
Tầm nhìn và giá
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã từ chối ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với một đối tác tiếng tăm nước ngoài. Lý do: BVSC không muốn ràng buộc và giới hạn sự hợp tác chỉ với một tổ chức.
Được sự hỗ trợ của tập đoàn Bảo Việt ở phía sau, với Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt và quỹ đầu tư riêng, BVSC hiện chỉ tập trung vào ba mảng hoạt động chủ yếu là môi giới, tư vấn và bảo lãnh phát hành. Chưa có công ty nào qua được BVSC về bảo lãnh phát hành.
Có lẽ chính vì thế mạnh này mà nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước muốn trở thành cổ đông của BVSC. Trong đợt phát hành 10 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 49,45 tỉ lên 150 tỉ đồng đầu tháng 11 tới đây, công ty dành bán ra ngoài qua đấu giá hơn 2 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 50.000 đồng/cổ phiếu.
Nhưng giới đầu tư phỏng đoán giá trúng đấu giá sẽ cao hơn, bởi các quỹ đầu tư mua cổ phiếu BVSC không phải chỉ để tìm kiếm lợi nhuận. Họ mua để giành quyền sở hữu chiếc chìa khóa mở kho thông tin, tiếp cận với hàng trăm doanh nghiệp mà BVSC tư vấn, bảo lãnh, phát hành cổ phiếu mỗi năm, trong đó có một lượng tương đối lớn đơn vị cổ phần hóa.
BVSC có “lạc hậu” khi đưa ra giá khởi điểm đấu giá gấp năm lần mệnh giá trong khi giá giao dịch cổ phiếu của công ty ngoài thị trường OTC đang gấp tám lần mệnh giá? Tương tự, tuần trước Công ty Đầu tư phát triển công nghệ FPT bán cổ phần cho hai đối tác Mỹ cũng với giá gần gấp 10 lần mệnh giá, thấp hơn nhiều so với giá giao dịch 16-17 lần mệnh giá tại thị trường nội địa.
“Đúng là nếu đem ra đấu giá công khai như kế hoạch trước đây, chúng tôi có thể thu về số tiền lớn hơn bán cho hai công ty Mỹ” - ông Hoàng Minh Châu, Phó tổng giám đốc FPT, nói với báo giới - “Nhưng nếu đấu giá, các nhà đầu tư trong nước không thể giúp chúng tôi tìm kiếm khách hàng nước ngoài, xâm nhập thị trường bên ngoài như hai đối tác chiến lược có thể làm”.
Lãnh đạo FPT đã có một tầm nhìn xa hơn, chứ không chỉ dừng ở giá. Hãy làm một phép tính: Intel Capital và Texas Pacific Group mua 10% cổ phần của FPT với giá 36,5 triệu đô la Mỹ. Như vậy giá trị doanh nghiệp của FPT nhìn từ thương vụ này là 365 triệu đô la Mỹ. Giá trị đó rẻ hay đắt?
FPT hiện là công ty có tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2004 doanh thu của FPT là 5.099 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 192 tỉ đồng. Năm 2005 doanh thu 8.210 tỉ đồng, lãi trước thuế 344 tỉ đồng. Chín tháng đầu năm nay, theo một nguồn tin, công ty đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 21 triệu đô la Mỹ trên tổng thu nhập 483 triệu đô la Mỹ.
Khả năng lãi trước thuế của FPT trong năm 2006 vào khoảng 30 triệu đô la Mỹ, như kỳ vọng của giới đầu tư, là không quá xa vời. Bỏ ra 36,5 triệu đô la Mỹ, đặt chân được vào FPT, coi như đặt chân được vào lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam, đó chẳng phải là giá hời đối với các công ty Mỹ sao?
Hãng Reuters đánh giá FPT trị giá tới 600 triệu đô la Mỹ. Lãnh đạo FPT không phải không biết điều này. Bài toán là ở chỗ với sự có mặt của Intel Capital và Texas Pacific Group, khi lên sàn vào cuối năm, cổ phiếu FPT sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Hơn nữa hai đối tác trên sẽ chỉ là bước khởi đầu, giúp FPT hội nhập, thực hiện mục tiêu trở thành đối tác chiến lược của 15 tập đoàn hàng đầu thế giới, niêm yết ở nước ngoài vào năm 2008 với doanh thu 1,3 tỉ đô la Mỹ và 16.000 nhân viên.
“Gửi thân” vào đâu?
Có lẽ Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) hiện là đơn vị duy nhất bán cổ phần cho nước ngoài với giá cao hơn giá giao dịch tại thị trường trong nước. SSI vừa bán hai triệu cổ phiếu cho một đối tác Nhật với giá gấp 7,5 lần mệnh giá, trong khi giá giao dịch trong nước chỉ bằng 6-7 lần mệnh giá.
Các doanh nghiệp, nhất là các ngân hàng, đang chịu sức ép lớn về giá cả khi đàm phán bán cổ phần cho nước ngoài. “Gửi thân” vào đâu? Với tiêu chí nào? Đó là hai câu hỏi thường trực trong đầu những người thương lượng bán cổ phần doanh nghiệp bây giờ.
Một nhân vật trực tiếp thương lượng bán cổ phần cho nước ngoài của Ngân hàng Đông Á nhận xét: “Các ngân hàng Việt Nam có cần vốn nước ngoài không khi có thể huy động vốn trong nước dễ dàng? Cái mà ngân hàng Việt Nam cần là đối tác chiến lược. Vậy phải xác định rõ: trong 3-5 năm tới, ngân hàng anh sẽ như thế nào. Từ đây, đưa ra các điều khoản đàm phán để chống rủi ro như đối tác phải giữ cổ phiếu trong thời gian bao lâu, hỗ trợ kỹ thuật thế nào, cử bao nhiêu người tham gia hội đồng quản trị, không được liên kết với đối tác nước ngoài khác (nếu có) để thao túng ngân hàng...”.
Càng nhiều đối tác, và đối tác càng mới, thì sự lựa chọn sẽ càng khó hơn đối với doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay không chỉ mua lấy được. Họ tính toán rất kỹ thời điểm bỏ vốn, thu lời, rút vốn, chuyển nhượng.
Một nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ tiền vào hàng chục công ty Việt Nam cho biết hai mối quan tâm hàng đầu của họ bây giờ là: nếu xung đột quyền lợi giữa các đối tác thì có cơ chế giải quyết không? Và cơ sở nào để định giá các khoản đầu tư?
Giá trị doanh nghiệp của một số công ty phụ thuộc vào giá cổ phiếu trên thị trường OTC. Tuy nhiên, những đơn vị chưa có cổ phiếu giao dịch OTC thì xác định ra sao? Mặt khác, giao dịch OTC cũng chưa phải là hàn thử biểu chính xác. Nó phụ thuộc nhiều vào tâm lý, vào xu hướng giá cổ phiếu niêm yết trên sàn, và đôi khi vào những tin đồn không chính thức.
TBKTSG
|